Ôtô cá nhân tăng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tắc đường ở các đô thị hiện nay (ảnh chụp trên đường Trần Quốc Hoàn, Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
TP.HCM hiện có hơn 8 triệu xe (hơn 650.000 ôtô và 7,4 triệu xe máy), người sử dụng khoảng 80% xe máy và 20% ôtô.
Theo tính toán, một người đi xe máy chiếm mặt đường chỉ 1,2m2 trong khi đi ôtô chiếm hơn 6m2. Và không phải lúc nào cũng đủ người trên ôtô, lắm khi ôtô năm chỗ nhưng chỉ có một người, trường hợp này thì ôtô đã chiếm mặt đường gấp năm lần xe máy.
Cấm xe máy chưa chắc giảm kẹt xe
Tôi cho rằng cấm xe máy chưa chắc giảm kẹt xe. Và gây kẹt xe chưa hẳn là xe máy mà chính là ôtô. Loại xe này chiếm dụng phần lớn mặt đường, nếu hạn chế ôtô sẽ tạo sự thông thoáng ngay, xe buýt được lưu thông nhanh hơn, phát triển vận tải công cộng để người dân bỏ dần xe máy.
Với thực trạng giao thông của thành phố hiện nay, nếu chưa được đầu tư đúng mức thì trong 10 năm hoặc thậm chí 15 năm tới cũng khó cấm xe máy. Khi cơ sở hạ tầng cùng phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng, chưa kết nối giao thông thuận lợi, cấm xe máy dân đi bằng gì?
Trong khi đó, số lượng ôtô trên đường phố ngày càng nhiều, tăng nhanh chóng mặt.
Đi làm hằng ngày trên các đường ở trung tâm thấy làn đường dành cho ôtô khá rộng nhưng vẫn kẹt xe, nhiều người lái ôtô lấn sang làn đường xe máy.
Quan sát tại các khu vực thường kẹt xe, tôi thấy ôtô chiếm khoảng 2/3 mặt đường, còn xe máy là 1/3. Với các đường hẹp, lưu thông hai chiều, hai chiếc ôtô lách nhau cũng có thể gây ùn ứ các xe phía sau.
Ôtô khi quay đầu hay chuyển hướng thì phải có khoảng không gian trống nhất định, nếu không thì dừng đợi. Còn xe máy gặp lúc đông xe vẫn có nhiều ngõ ngách để thoát ra, đặc biệt với các đường ngang và hẻm nhỏ ở TP.HCM.
Ngân hàng Thế giới từng dự báo việc tăng số lượng ôtô sẽ dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở các đô thị như TP.HCM.
Thực tế lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng, nhất là các loại xe được nhập từ một số nước như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ có giá thành tương đối rẻ nên với nhiều người dân, mua một chiếc ôtô là không quá khó.
Khi dòng ôtô giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam, lúc đó càng tăng số lượng ôtô. Trên đường phố, nhất là giờ cao điểm có đông xe, chỉ một chiếc ôtô gặp sự cố hay bị va quẹt dừng lại cũng chiếm phần lớn diện tích bề rộng làn đường và có thể gây kẹt xe kéo dài.
Lượng ôtô đang tăng chóng mặt
Giải pháp trước mắt để giảm kẹt xe cho thành phố, theo tôi, nên hạn chế ôtô và trước hết là vào giờ cao điểm.
Khó áp dụng biện pháp tăng thuế vì mua sở hữu một chiếc ôtô là nguyện vọng chính đáng của nhiều người, mà chỉ hạn chế lưu thông bằng cách tăng giá giữ xe, đậu xe, thu phí lưu thông... Ngoài ra, có thể quy định số lượng người ngồi trên ôtô khi lưu thông giờ cao điểm.
Ở những nước phát triển có nhiều ôtô, giá còn rẻ hơn ở ta, nhiều người dù có ôtô nhưng vẫn ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng vì sự tiện lợi như xe buýt, xe điện bánh sắt, tàu điện ngầm.
Còn ở TP.HCM, thử nhìn lại thực tiễn phát triển phương tiện giao thông công cộng nhiều năm qua, dù chính quyền thành phố đã đầu tư xe buýt và chi một khoản tiền không nhỏ để trợ giá nhưng vẫn chưa thu hút người dân.
Lộ trình dự kiến theo đề án giảm xe cá nhân thành công hay không còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị như "đi trước một bước" để tháo bỏ dần các rào cản, như chuyển đổi phương tiện hợp lý, hạn chế xe máy quá cũ, nơi nào đủ điều kiện thì hạn chế dần và tiến tới ngưng đăng ký xe máy mới.
Vấn đề lớn hơn là quy hoạch tổ chức lại xã hội như ăn ở, đi lại, học hành, giãn dân cư nội thành và nơi kẹt xe bằng cách đầu tư hạ tầng, giải trí, mua sắm cho khu vực ngoại thành.
Nhất thiết phải có hạ tầng giao thông đô thị hiện đại, vận tải công cộng tiện nghi đáp ứng nhu cầu số đông người dân.
Các tuyến metro cần kịp hoàn thành và kết nối giao thông thuận lợi, giá rẻ, tiết kiệm thời gian... Mạng lưới xe buýt được rải đều, phủ rộng, tạo thuận lợi nhất cho hành khách.
Ở Trung Quốc, để cấm xe máy tại hai thành phố Thượng Hải và Quảng Châu, chính quyền đã lên kế hoạch và chuẩn bị trong hàng chục năm đầu tư xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, kết nối hạ tầng giao thông, mua thêm nhiều xe buýt, không cho đăng ký xe mới và mua lại xe máy cũ để thanh lý hoặc đưa về sử dụng ở các vùng quê.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận