15/11/2016 13:52 GMT+7

Giảm kẹt xe: cần làn đường riêng cho xe buýt

TRẦN THIỆN PHONG
TRẦN THIỆN PHONG

TTO - Nên thiết lập làn đường dành riêng cho xe buýt trên suốt tuyến Trường Chinh - Cộng Hòa (TP.HCM) để xe buýt di chuyển nhanh hơn, từ đó mới thu hút người dân bỏ xe máy để đi xe buýt, giúp giảm kẹt xe trên tuyến đường này.

*** Error ***
Đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý)  thường xuyên xảy ra kẹt xe. Hiện Sở GTVT TP.HCM đang nghiên cứu, giải quyết các điểm nóng kẹt xe tại đây - Ảnh: Hữu Khoa

Mặc dù đường rộng từ 6 - 10 làn xe nhưng tuyến đường Trường Chinh - Cộng Hòa vẫn luôn đông xe do là trục chính cửa ngõ tây bắc của TP.HCM mà các xe từ Tây Ninh, Củ Chi theo quốc lộ 22 xuống và từ miền Tây, miền Đông Nam bộ theo quốc lộ 1 đổ vào để ra sân bay Tân Sơn Nhất hoặc đến trung tâm thành phố.

Trên trục đường này cũng có rất nhiều tuyến xe buýt lưu thông như Củ Chi - Sài Gòn, Chợ Lớn; An Sương - Sài Gòn, Chợ Lớn... nhưng vì không có làn đường dành riêng nên xe buýt chạy rất chậm, không thu hút được hành khách. Chính vì vậy, lượng xe máy trên trục đường này rất nhiều, góp phần gây kẹt xe thường xuyên kéo dài hàng giờ.

Do đó, cần thiết lập 2 làn đường đi, về ở mỗi chiều dành riêng cho xe buýt trên suốt tuyến Trường Chinh - Cộng Hòa, nhằm tạo hành lang riêng biệt, thông thoáng cho xe buýt được di chuyển nhanh hơn, từ đó mới thu hút hành khách bỏ xe máy để đi xe buýt.

Cụ thể, trên đường Trường Chinh, ở mỗi chiều đường, chọn làn ôtô cặp dải phân cách bêtông giáp 2 làn xe máy làm làn đường dành riêng cho xe buýt và đặt dải phân cách bằng thép suốt tuyến (trừ những điểm đi qua giao lộ) ngăn làn đường xe buýt với 2 làn đường ôtô còn lại.

Trên đường Cộng Hòa tại mỗi chiều đường, chọn làn ở giữa làn ôtô và làn xe máy làm đường dành riêng cho xe buýt, cũng lắp đặt dải phân cách thép ở mỗi chiều để ngăn riêng làn xe buýt và làn xe máy; làn ôtô sát dải phân cách bêtông ở giữa và làn dành riêng cho xe buýt được phân biệt bằng vạch sơn.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh lại lộ trình tuyến xe buýt Củ Chi - Sài Gòn, theo đó điểm đầu là bến xe Củ Chi - quốc lộ 22, qua ngã tư An Sương, đường Trường Chinh vào đường Cộng Hòa (không đi đường Cách Mạng Tháng 8 như hiện nay) và theo đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến điểm cuối là đường Lê Lợi, ra công viên 23-9 (tổng chiều dài 35km).

Việc lắp đặt dải phân cách thép sẽ thực hiện trên các đoạn đường: Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Lê Lợi; riêng lượt về thì lắp đặt dải phân cách ở các đường: Pasteur, Võ Thị Sáu, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn.

Khi có đường dành riêng cho xe buýt thì thực hiện các biện pháp hành chính, kinh tế đồng bộ hỗ trợ. Cụ thể: đặt biển báo giao thông quy định rõ tuyến đường dành riêng cho xe buýt, tăng số đầu xe hoạt động và tăng thời gian xuất bến cuối ngày đến 20g, bố trí lại trạm dừng lên xuống khách, tăng chất lượng phục vụ, từng bước thay toàn bộ xe mới nhằm thu hút mọi người tham gia xe buýt...

Việc thực hiện làn đường dành riêng cho tuyến xe buýt Củ Chi - Sài Gòn trên trục đường cửa ngõ tây bắc vào trung tâm thành phố cần được theo dõi, đánh giá.

Khi đạt kết quả tốt, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thêm ở các trục đường trọng tâm khác, để người dân từng bước thay đổi thói quen đi xe máy, chuyển sang đi xe buýt vào nội thành, góp phần giảm tình trạng kẹt xe.

Ông Trần Trí Trung (giám đốc Trung tâm Điều hành và quản lý vận tải hành khách công cộng TP.HCM):

3 nhóm làn đường ưu tiên cho xe buýt

Vừa qua Thành ủy, UBND TP và Sở GTVT đã có văn bản chỉ đạo về việc nghiên cứu về quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng và phát triển xe buýt.

Trong đó trước mắt yêu cầu Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng nghiên cứu thí điểm các luồng tuyến ưu tiên cho xe buýt phải đảm bảo yếu tố kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Việc xây dựng thí điểm một số làn đường ưu tiên cho xe buýt có 3 nhóm cần nghiên cứu gồm: Nhóm 1 là cho xe buýt đi chung làn đường với xe máy. Bởi vì xe buýt chạy ra làn ôtô rồi lại chạy vào làn xe máy nhiều quá cũng chậm trễ nên việc cho xe buýt chạy chung làn với xe máy thì xe buýt sẽ chạy nhanh hơn.

Nhóm 2 là nghiên cứu chọn một số tuyến đường như đường Điện Biên Phủ, Mai Chí Thọ... để dành một làn đường ôtô ưu tiên cho xe buýt. Nhóm 3 là nghiên cứu dành một làn đường phía bên trái trên đường một chiều cho xe buýt lưu thông và đón khách, thay vì phải tấp vào phía bên phải để đón khách.

Trong tháng 11 này trung tâm sẽ có báo cáo Sở GTVT và UBND TP về việc thực hiện thí điểm làn đường ưu tiên cho xe buýt.

N.ẨN ghi

 

TRẦN THIỆN PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên