20/06/2024 16:27 GMT+7

Giảm giờ làm việc, năng suất lao động sẽ tăng?

Đó là ý kiến của bạn đọc về đề xuất giảm giờ làm việc của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần.

Công nhân làm việc tại Nhà máy dệt Texhong Ngân Long Móng Cái (Quảng Ninh) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Công nhân làm việc tại Nhà máy dệt Texhong Ngân Long Móng Cái (Quảng Ninh) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang đề xuất Chính phủ giảm giờ làm chính thức trong tuần của người lao động từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tiếp tục giảm xuống 40 giờ/tuần trong những năm tới.

Quy định rõ tiền lương tăng ca 

Theo bạn đọc Phong Vũ, nên gọi đúng bản chất của sự việc: Không phải thay đổi luật về số giờ làm, mà là thay đổi luật về tiền lương phụ trội. Doanh nghiệp vẫn tự do thương lượng và đa số người lao động vui vẻ làm 48 giờ, thậm chí 60 giờ/tuần. 

Vấn đề là tiền lương tăng ca nên được luật định, trả phụ trội bắt đầu từ giờ nào để tạo động lực cho người lao động làm việc, nhằm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt sức khỏe tinh thần cho người lao động.

Nước Mỹ đã giảm giờ làm xuống 40 giờ, từ 6 ngày giảm xuống 5 ngày/tuần từ khi Henry Ford khởi xướng vào năm 1926, và từ đó năng suất lao động của người Mỹ tăng vượt trội so với thế giới. 

Trung Quốc cũng đã giảm giờ làm chính thức xuống 40 giờ/tuần từ năm 1995 và năng suất lao động cũng đã tăng liên tục từ lúc đó.

Được nghỉ thêm một ngày cuối tuần, tâm trí người lao động sẽ khỏe hơn. Nghỉ chỉ một ngày như hiện tại chỉ đủ để tất bật với việc nhà bề bộn sau một tuần bỏ bê, chưa có thì giờ nghỉ ngơi. Ngoài ra nghỉ thêm một ngày cuối tuần thì tổng cầu của nền kinh tế cũng tăng, giúp tăng GDP.

Còn độc giả Munn Nguyen cho rằng: "Thực trạng giờ làm việc chính thức hiện nay cao nhất là 48 giờ/tuần. Thế nhưng chưa có sự đồng bộ giờ làm việc giữa cơ quan nhà nước và tư nhân.

Cơ quan nhà nước làm việc 40 giờ/tuần (nghỉ thứ bảy và chủ nhật). Người làm doanh nghiệp tư nhân thường ký hợp đồng làm việc 48 giờ/tuần (một tuần chỉ nghỉ một ngày). Một số tổ chức cho làm 44 giờ/tuần (nghỉ chiều thứ bảy và chủ nhật).

Có doanh nghiệp còn có mô hình: người lao động đi làm 48 giờ/tuần, còn quản lý và nhân viên hành chính văn phòng 40 giờ/tuần.

Tôi ủng hộ hoàn toàn việc đồng nhất giờ làm toàn dân 40 giờ/tuần. Những doanh nghiệp nào cần nhân viên làm nhiều hơn 40 giờ/tuần có thể có chính sách trả tiền làm thêm giờ cho nhân viên.

Khi tất cả mọi người nghỉ thứ bảy và chủ nhật sẽ tăng cường chi tiêu ăn uống, sinh hoạt và du lịch. Điều này giúp thúc đẩy nhanh nền kinh tế". 

Tinh thần tốt, năng suất lao động tăng lên 

Luật gia Phạm Văn Chung khẳng định việc cho người lao động được nghỉ thêm thời gian là hợp lý, nhân văn. Bởi lẽ hiện nay cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong khu vực nhà nước đã được nghỉ hai ngày cuối tuần, tức chỉ làm việc 40 giờ/tuần. Trong khi làm trong khu vực tư nhân, ngoài nhà nước lại phải làm việc 48 giờ/tuần. 

Đây là điều chưa hợp lý, tạo bất bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư. Đó là chưa kể người lao động làm việc trong các nhà máy, công trường đa số là lao động chân tay, lao động phổ thông cần nhiều thời gian phục hồi hơn.

Nếu người lao động được nghỉ ngơi hợp lý để hồi phục sức khỏe, tinh thần sảng khoái và có thêm thời gian rảnh rỗi để giải quyết việc nhà, việc riêng thì có thể nâng cao năng suất, chất lượng lao động tăng lên. 

Thực tế vì thời gian nghỉ của người lao động quá ít nên nhiều người lao động không còn hứng thú với công việc, năng suất lao động thấp, thậm chí bỏ việc. Hậu quả là tình trạng thiếu nguồn lực lao động, nhất là những người lao động có kinh nghiệm lâu năm, thợ lành nghề...

Một số người lao động lo ngại giảm giờ làm có thể giảm lương, giảm thu nhập cũng chưa đúng. Bởi vì lương vẫn phải thực hiện theo mức lương tối thiểu vùng, phù hợp với năng suất lao động chung tăng lên do được nghỉ nhiều, sức khỏe của họ tốt hơn. 

Mặt khác, khi quy định chỉ làm việc 44 giờ/tuần, nếu người lao động vẫn đi làm vào chiều thứ bảy sẽ được tính là làm việc vào ngày nghỉ nên được hưởng 200% lương theo quy định.

Bạn có ý kiến gì về đề xuất giảm giờ làm việc chính thức xuống còn 44 giờ/tuần, mời để lại BÌNH LUẬN dưới đây. Cảm ơn bạn.

Việt Nam có thể giảm giờ làm việc xuống còn 44 giờ/tuần?Việt Nam có thể giảm giờ làm việc xuống còn 44 giờ/tuần?

Việc giảm giờ làm việc cần được thử nghiệm tại các doanh nghiệp lớn, trước khi mở rộng, tạo thành phong trào, chứng minh cho người sử dụng lao động thấy lợi ích của giảm giờ làm như tăng năng suất lao động, thêm thời gian tái tạo sức lao động...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên