Vậy giảm giờ làm, thu nhập có giảm không? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông LÊ ĐÌNH QUẢNG - phó trưởng Ban chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nói: "Chúng tôi đề xuất giảm giờ làm trên tinh thần thu nhập không giảm.
Khi giảm giờ làm người lao động sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động xã hội. Họ có điều kiện thụ hưởng các thành quả lao động".
"Giờ làm việc tốp đầu thế giới"
* Thưa ông, vì sao Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (tổng liên đoàn) đề xuất giảm giờ làm vào thời điểm này?
- Đây là xu thế tiến bộ tại nhiều nước trên thế giới. Đề xuất giảm giờ làm chính thức trong tuần nhằm hướng tới các mục tiêu cải thiện năng suất lao động, giảm thâm dụng lao động, bảo vệ tối đa lợi ích của người lao động, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Đề xuất này được chúng tôi đưa ra lần đầu khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2019. Thực tế ở Việt Nam giờ làm việc chính thức trong tuần rất cao, khoảng 48 giờ/tuần. Khi sửa đổi Bộ luật Lao động, chúng tôi đã tham khảo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy trong 154 nước được khảo sát, chúng ta thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc tốp đầu thế giới.
Hầu hết các nước hiện làm dưới 48 giờ/tuần, nhiều nước có điều kiện kinh tế làm chỉ 40 giờ/tuần hoặc dưới 40 giờ/tuần.
Hơn nữa, đang có sự chênh lệch giữa khu vực công và tư. Hầu hết công nhân, viên chức, lao động nhà nước đang làm việc 40 giờ/tuần (theo quyết định 188 năm 1999), trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại làm việc 48 giờ/tuần.
Vì thế khi tham gia xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động 2019, chúng tôi đã đề xuất giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần, tiến tới giảm xuống 40 giờ/tuần. Nhưng khi thảo luận nội dung dự thảo Quốc hội thấy rằng với điều kiện kinh tế - xã hội năm 2019 việc giảm giờ làm sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa xuất nhập khẩu, đơn hàng của doanh nghiệp.
Thế nên Quốc hội đã quyết định giữ nguyên quy định thời gian làm việc của người lao động không quá 48 giờ/tuần, đồng thời khuyến khích chủ sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
Sau này, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 101 giao Chính phủ căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội nghiên cứu, đề xuất giảm giờ làm việc của mỗi lao động xuống dưới 48 giờ/tuần, báo cáo Quốc hội quyết định vào thời điểm phù hợp.
Nguyện vọng xuyên suốt của người lao động từ khi có Bộ luật Lao động đến nay luôn mong được giảm giờ làm. Nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát những năm qua khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đó chúng tôi chưa đề xuất giảm giờ làm.
Và đến thời điểm này, chúng tôi cho rằng Chính phủ nên nghiên cứu thực hiện nghị quyết 101 của Quốc hội.
* Vậy lợi ích người lao động nhận được khi thực hiện giảm giờ làm là gì, giảm giờ làm có làm giảm thu nhập của người lao động không?
- Chúng tôi đề xuất giảm giờ làm trên tinh thần thu nhập không giảm. Từ năm 1935, ILO đã thông qua Công ước 47 khuyến khích giảm giờ làm việc xuống 40 giờ/tuần đối với khu vực công nghiệp.
Tổ chức này khuyến khích các quốc gia, doanh nghiệp tìm mọi biện pháp để giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần. Nhưng giảm giờ làm phải đi kèm với điều kiện sống không thay đổi, chứ không phải như nhiều người hay nghĩ giảm giờ làm thì giảm lương.
Khi giảm giờ làm người lao động sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động xã hội. Họ có điều kiện thụ hưởng các thành quả lao động cùng với sự phát triển đất nước.
Đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động rõ ràng có áp lực từ giảm giờ làm. Đó là sức ép giảm doanh thu, lợi nhuận và khó khăn trong thực hiện các đơn hàng.
Nhưng cũng cần nhìn nhận khi giảm giờ làm, người lao động có điều kiện nâng cao kỹ năng, tay nghề, trình độ, tái tạo sức lao động, từ đó quay lại làm việc cho doanh nghiệp tốt hơn với thái độ tích cực, gắn bó với doanh nghiệp hơn.
Mặt khác, nếu người lao động không nhảy việc, gắn bó lâu dài thì doanh nghiệp cũng giảm được chi phí.
Kết quả khảo sát của chúng tôi tại các doanh nghiệp có thời gian làm việc nhiều, thu nhập thấp cho thấy tình trạng nhảy việc rất nhiều, người sử dụng lao động phải tuyển dụng mới, đào tạo lại rất tốn kém.
Nhiều doanh nghiệp áp dụng làm việc 40 giờ/tuần
* Lộ trình kéo giảm giờ làm chính thức sẽ thế nào, ông có nghĩ đến việc nhiều doanh nghiệp sẽ không ủng hộ?
- Hiện Nhà nước khuyến khích thực hiện tuần làm việc 40 giờ và nhiều doanh nghiệp đã áp dụng làm việc 40 giờ/tuần. Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam đã làm việc 44 giờ/tuần từ lâu rồi. Và nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng đang làm việc 40 giờ/tuần.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cũng xác định một trong các khâu đột phá là tập trung thương lượng tiền lương, điều kiện lao động, thời gian làm việc. Khi luật chưa sửa, chúng tôi vẫn yêu cầu các cấp công đoàn tập trung thương lượng và nhiều doanh nghiệp đã giảm giờ làm.
Còn việc giảm giờ làm chính thức trong tuần phụ thuộc nhiều yếu tố, điều kiện kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng cấp có thẩm quyền cần đặt ra các mốc, lộ trình giảm giờ làm chính thức gắn liền với sự phát triển.
Chúng ta cần kéo giảm giờ làm chính thức trước mắt xuống 44 giờ/tuần, khi điều kiện kinh tế khá giả hơn thì tiến tới giảm tiếp xuống 40 giờ/tuần.
* Chủ trương giảm giờ làm nhưng thu nhập không giảm nghe rất hay, xin ông cho biết khi đề xuất chính sách này tổng liên đoàn có đưa ra những giải pháp gì để chủ trương này không là khẩu hiệu?
- Giờ làm việc và thu nhập luôn gắn bó với nhau. Đối với nhóm doanh nghiệp trả lương theo thời gian, theo tháng khi giảm giờ làm người lao động vẫn giữ được quyền lợi như cũ. Tức người lao động làm việc 48 giờ/tuần, nay giảm xuống 44 giờ/tuần lương tháng vẫn không thay đổi.
Đề xuất giảm giờ làm chính thức trong tuần sẽ tác động lớn đến những doanh nghiệp trả lương theo chế độ khoán sản phẩm. Giảm giờ làm gắn liền với xác định định mức lao động, đây là vấn đề kỹ thuật.
Lâu nay định mức lao động do người sử dụng lao động quyết định, tất nhiên có sự tham gia của tổ chức công đoàn để xác định định mức lao động phù hợp.
Theo quy định hiện nay, người lao động làm việc 48 giờ/tuần, nếu làm thêm giờ trong ngày thường sẽ được hưởng 150% thu nhập, làm thêm ngày nghỉ trong tuần được hưởng 200% thu nhập, ngày lễ Tết được hưởng 300% thu nhập.
Nhưng cũng có những doanh nghiệp đang quy định định mức lao động quá cao, người lao động làm hết 8 tiếng vẫn chưa đạt được định mức để hưởng đủ thu nhập theo thỏa thuận, vì vậy người lao động phải làm thêm giờ để được hưởng lương.
Khi giảm giờ làm, doanh nghiệp phải tính toán, bố trí lại sản xuất. Giảm giờ làm phải đồng nghĩa với giảm khối lượng công việc, vì thế doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp bù đắp.
Họ buộc phải đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc hiện đại và áp dụng biện pháp quản lý, quản trị lao động, sản xuất khoa học, hợp lý. Có thể thấy giảm giờ làm ở góc độ nào đó cũng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn.
Cả doanh nghiệp và người lao động hưởng lợi?
* Theo ông, chính sách kéo giảm giờ làm trong tuần có mâu thuẫn với việc trả lương theo năng suất? Một số ý kiến cho rằng với chính sách này người lao động gặp bất lợi khi có ít thời gian để làm, phải tăng ca nhiều hơn nhưng lương vẫn thế?
- Chúng ta hay nói Việt Nam có năng suất lao động rất thấp nên việc giảm giờ làm không khả thi. Đây không phải cách hiểu đầy đủ. Nhiều nghiên cứu cho rằng năng suất lao động của nước ta thua Singapore 16 lần, thua Thái Lan 11 lần, cần hiểu đây là năng suất lao động xã hội, nghĩa là lấy tổng sản phẩm xã hội chia cho số người trong độ tuổi lao động.
Năng suất lao động xã hội phụ thuộc nhiều vào cơ cấu lao động. Cả nước đang có hơn 52 triệu người trong độ tuổi lao động, trong khi hiện tỉ lệ lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chiếm tỉ lệ cao. Khu vực lao động phi chính thức chiếm tới 3/5 tổng số lao động, tương đương khoảng 33 triệu lao động tự do, làm trong khu vực phi chính thức.
Khu vực này năng suất lao động tương đối thấp. Còn lao động làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, khu vực sản xuất kinh doanh có năng suất lao động không thấp nhiều so với các nước trong khu vực.
Một thực tế nếu kéo dài thời gian làm việc, năng suất lao động của từng cá nhân giảm vì sức khỏe, độ nhanh nhạy kém. Làm việc đầu giờ bao giờ cũng hiệu quả hơn cuối giờ do hao tổn sức khỏe, tinh thần, đơn vị sản phẩm làm ra theo giờ cũng giảm.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thời gian làm việc càng dài thì năng suất lao động càng giảm. Doanh nghiệp kéo dài thời gian làm việc càng về cuối sản phẩm sẽ lỗi nhiều hơn.
Một số nơi trả lương theo sản phẩm tính định mức chưa khoa học, định mức sản phẩm cần tính với cường độ lao động trung bình, đảm bảo mức lương cho người lao động. Doanh nghiệp xác định chưa đúng nên người lao động buộc phải kéo dài thời gian lao động.
Do vậy, phải ấn định lại năng suất lao động của doanh nghiệp để khi giảm giờ làm, tiền lương phải được đảm bảo, không suy giảm. Như vậy, năng suất lao động cá biệt của người lao động sẽ tăng lên, hiệu quả làm việc cao hơn.
* Ông có cho rằng đề xuất kéo giảm giờ làm trong tuần sẽ tạo áp lực để doanh nghiệp phải thay đổi để cải thiện năng suất lao động?
- Tại đối thoại với công nhân lao động mới đây về nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng đã khẳng định dân tộc Việt Nam có đặc điểm rất hay là khi có sức ép, áp lực thì sẽ có sự vươn lên mạnh mẽ. Tôi nghĩ đó là quy luật, doanh nghiệp cũng thế.
Nếu chúng ta giữ nguyên tuần làm việc 48 giờ, doanh nghiệp vẫn đều đều thế, nhưng nếu giảm xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần, giai đoạn đầu doanh nghiệp sẽ có những khó khăn nhưng về lâu dài sẽ tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới mạnh mẽ về trang thiết bị, quản trị, quản lý sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí.
* Thưa ông, tình trạng tăng ca hiện nay khá phổ biến, vậy việc kéo giảm giờ làm trong tuần có phải là cơ hội để công nhân làm vượt số giờ sẽ được hưởng thu nhập cao hơn?
- Điều này rất chính đáng. Nếu như doanh nghiệp giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần, khi cần thiết họ có thể làm 48 giờ/tuần và 4 tiếng làm thêm giờ họ sẽ được hưởng tiền lương ở mức 150% so với giờ làm chính thức.
Như vậy, người lao động làm bằng thời gian như hiện nay nhưng tiền lương sẽ tăng thêm. Điều này đúng với chủ trương giảm giờ làm nhưng thu nhập của người lao động không giảm, đời sống người lao động được cải thiện, giúp người lao động có thể sống được bằng lương.
Những năm qua khi chúng tôi đi khảo sát tiền lương của người lao động thấy hầu hết người lao động có tiền lương chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, thậm chí phải làm thêm giờ mới đủ tiền trang trải cuộc sống.
Vì thế, gắn với chính sách giảm giờ làm trong tuần chúng ta cũng có chiến lược nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ.
Nếu lương đủ sống, không ai muốn tăng ca
* Khi đề xuất giảm giờ làm, công đoàn có khảo sát thực tế tại doanh nghiệp hiện nay công nhân đang làm việc bao nhiêu giờ không?
- Tổ chức công đoàn tham gia rất nhiều chính sách, đoàn kiểm tra giám sát, qua đó nắm bắt thông tin về doanh nghiệp vượt quá thời giờ làm việc, nhất là làm thêm giờ. Luật hiện nay có giới hạn làm thêm giờ.
Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ nhiều nơi tiền lương rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều người "mong muốn" được làm thêm giờ.
Đây là thực tế rất đau xót, chúng tôi hiểu người lao động muốn làm thêm giờ vì tiền lương quá thấp. Nếu tiền lương đủ sống, không ai muốn đi làm ngày nghỉ, tăng ca, hết giờ cũng muốn nghỉ ngơi.
* Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội):
Giảm giờ làm để bảo vệ lực lượng lao động
Việc giảm giờ làm hết sức cần thiết, cũng là cách bảo vệ lực lượng lao động. Tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động của nước ta tương đối cao so với mặt bằng chung các nước.
Trong khi đó, người lao động làm thêm tương đối nhiều do mức thu nhập thấp. Vì vậy, cần giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn.
Ngoài ra, dự báo sau năm 2036 Việt Nam sẽ bước sang thời kỳ dân số già, nếu không có các chính sách bảo vệ cho lực lượng lao động, kể cả mặt sức khỏe, sẽ để lại nhiều hệ lụy.
* Bà Đặng Ngọc Thu Thảo (giám đốc vận hành, dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc ManpowerGroup Việt Nam):
Cần đánh giá tác động
Giảm giờ làm triển khai ở nhiều nước châu Âu, song khá mới ở các nước châu Á. Điều này có thể một phần đến từ áp lực phát triển kinh tế, năng suất lao động còn thấp và do đặc điểm công việc, văn hóa của khu vực.
Việt Nam luôn nằm trong tốp những quốc gia có số giờ làm việc nhiều nhất.
Theo ILO, năm 2019 số giờ làm việc trung bình của một lao động Việt là 2.320 giờ, cao hơn 440 giờ so với Indonesia, 184 giờ so với Campuchia hay 176 giờ so với Singapore.
Tuy vậy, để đánh giá việc giảm giờ làm phù hợp hay không, cơ quan chức năng cần đánh giá cụ thể tác động với doanh nghiệp, người lao động, kinh tế đất nước trong mỗi ngành nghề. Đồng thời nên có tiến trình, có thể bắt đầu từ việc thử nghiệm trên một khu vực, ngành nhất định.
* Ông Hoàng Quang Phòng (phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI):
Chưa thực sự phù hợp
Đề xuất kéo giảm giờ làm là nhân văn nhưng trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại việc giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần hoặc 40 giờ/tuần là chưa phù hợp lắm.
Điều này nếu khả thi chỉ nên khuyến khích người lao động, chủ sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau, còn quy định cứng là không nên.
* Chị Lê Tâm (nhân viên văn phòng tại Hà Nội):
Cần thí điểm trước khi áp dụng
Tôi cho rằng cần có lộ trình giảm giờ làm, thí điểm trước khi áp dụng đồng loạt để cả doanh nghiệp và người lao động thích nghi. Mục đích của chính sách là giảm giờ làm và tăng thu nhập cho người lao động nên rất cần thời gian thí điểm, nếu thu nhập của đa số người lao động không giảm mới nên áp dụng rộng rãi, tránh tác động ngược của chính sách.
Các nước quy định giờ làm việc ra sao?
Tại Thái Lan, Đạo luật bảo hộ lao động (LPA) 1998 là một phần không thể thiếu của luật lao động, quy định số giờ làm việc tối đa của người lao động không vượt quá 8 giờ/ngày, tương đương 48 giờ/tuần.
Quy định này áp dụng cho một tuần làm việc tiêu chuẩn gồm sáu ngày (từ thứ hai đến thứ bảy). LPA cũng quy định số giờ làm việc cụ thể với một số ngành nghề đặc thù, có tính rủi ro cao không vượt quá 7 giờ/ngày, tương đương 42 giờ/tuần.
Singapore cũng ban hành quy định cụ thể về số giờ làm việc cho người lao động. Hầu hết các hợp đồng lao động tại nước này đều quy định giờ làm việc tiêu chuẩn là 44 giờ/tuần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận