07/05/2019 10:21 GMT+7

Giảm dùng tiền mặt: lợi rất lớn

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Dù tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 20,3% năm 2004 còn 11,5% trong vòng một năm trở lại đây, nhưng nếu tính theo con số tuyệt đối vẫn lên đến trên 1 triệu tỉ đồng.

Giảm dùng tiền mặt: lợi rất lớn - Ảnh 1.

Khách hàng thanh toán bằng App trên điện thoại tại một quán ăn - ẢNH: QUANG ĐỊNH

Nhiều phương án đã được đưa ra để giảm số lượng tiền mặt trong nền kinh tế, cũng như thay đổi thói quen "chuộng" tiền mặt của người dân.

Mỗi người Việt Nam giữ hơn 10 triệu đồng tiền mặt

Hơn 1 triệu tỉ đồng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán hiện nay, với dân số khoảng 94 triệu người, tính ra bình quân mỗi người dân Việt Nam, từ người lớn tới trẻ em, đang giữ bên mình đến hơn 10 triệu đồng tiền mặt. Trong khi đó, thói quen dùng tiền mặt từ cơ quan nhà nước tới người dân hiện đang khiến mất thêm thời gian và công sức.

Đầu tháng 4 vừa qua, chị Lê Thị Thanh (Hà Đông, Hà Nội) làm thủ tục nộp lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký và cấp biển số cho xe máy tại quận Hà Đông. Quen với thanh toán không dùng tiền mặt, chị đề nghị được cà thẻ hoặc chuyển khoản nhưng cơ quan thuế không chấp nhận.

"Sau khi xếp hàng nộp hồ sơ hơn một tiếng thì Chi cục Thuế Hà Đông mới có thông báo nộp lệ phí. Tuy nhiên, để nộp lệ phí trước bạ, chi cục thuế hướng dẫn người dân đến nộp tại chi nhánh VietinBank, cách chi cục thuế khoảng 2km. 

Tại sao ở ngay thủ đô mà cơ quan thuế vẫn chưa thể thu thuế, lệ phí bằng chuyển khoản, bằng cà thẻ... để thuận tiện cho người dân?" - chị Thanh bức xúc.

Giảm dùng tiền mặt: lợi rất lớn - Ảnh 2.

Tại TP.HCM, chị Minh Thư (quận Phú Nhuận) cho hay dù chị và gia đình đã lên danh sách những khoản có thể thanh toán qua thẻ hoặc ví điện tử nhưng đi chợ, đổ xăng, đến những khoản định kỳ như học phí cho con, thậm chí đóng tiền rác... vẫn phải dùng tiền mặt vì những nơi này không nhận chuyển khoản. 

"Theo tôi, cần giải pháp đồng bộ, chứ như hiện nay dù muốn nhưng người dân không thể hoàn toàn đoạn tuyệt với tiền mặt, thậm chí ra đường không thủ sẵn tiền mặt trong người là không an tâm" - chị Thư nói.

Ông Đào Minh Tuấn - phó tổng giám đốc Vietcombank - cho hay theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến năm 2020 toàn bộ dịch vụ hành chính công sẽ ở cấp độ 4, như vậy 100% dịch vụ công sẽ thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng trên thực tế, việc triển khai rất nhiều bộ, ban ngành chưa làm được nhiều vì chính sách chưa hướng dẫn cụ thể. 

Đơn cử với ngành giao thông, mỗi trạm BOT dùng 1 công nghệ khác nhau, chuẩn khác nhau. Ngay các trung tâm hành chính công ở địa phương cũng dùng phần mềm khác nhau. Sự không đồng nhất này kéo theo lãng phí xã hội cũng như khó khăn cho ngân hàng (NH) khi cung ứng dịch vụ thanh toán.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán NH Nhà nước - xác nhận hiện tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,5%. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nhìn vào con số này thì thấy rằng lượng tiền mặt là ít, nhưng thực tế tiền mặt trong nền kinh tế còn rất lớn.

Giảm dùng tiền mặt: lợi rất lớn - Ảnh 3.

Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại một quán ăn - ẢNH: QUANG ĐỊNH

2.590 tỉ đồng

Đó là số tiền ngân sách nhà nước tiết kiệm được chỉ riêng từ việc không đưa tiền mặt mới mệnh giá nhỏ 500, 1.000, 2.000, 5.000 đồng ra thị trường trong 5 năm qua.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Rất nhiều lợi ích

Theo ông Đào Minh Tuấn, nếu chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người dân thanh toán không dùng tiền mặt thì việc thất thu thuế sẽ giảm rất nhiều. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc giảm thanh toán tiền mặt đem lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Có thể liệt kê như: giúp quá trình thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giảm chi phí, minh bạch hóa các giao dịch. 

Ngoài ra, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp đồng vốn luân chuyển nhanh hơn, huy động thêm vốn cho nền kinh tế, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn tiền và giúp phát hiện các thanh toán phạm pháp.

"Lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt có lợi rất lớn cho tất cả các bên gồm cả người dân, doanh nghiệp, NH... Như NH thấy rất rõ. Đơn cử mỗi tháng ước tính có 6 triệu giao dịch tại NH của tôi. Doanh số thanh toán 4 tháng đầu năm là 190.000 tỉ đồng. Nếu giả sử tiết kiệm được chi phí 5% từ giá trị giao dịch này thì NH có nguồn để đầu tư như về công nghệ" - lãnh đạo một NH có trụ sở tại Hà Nội chia sẻ. 

Giảm dùng tiền mặt: lợi rất lớn - Ảnh 5.

Theo các chuyên gia, khi người dân chi trả cho NH, họ cũng có được lợi ích, giảm được thời gian, chi phí không nhỏ. Còn với thanh toán tiền mặt hiện nay, chi phí in ấn, kiểm đếm, vận chuyển rất lớn. 

Một số liệu được NH Nhà nước công bố hồi đầu năm cho thấy chỉ riêng việc không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ 500, 1.000, 2.000, 5.000 đồng ra thị trường trong 5 năm qua đã giúp ngân sách tiết kiệm được khoảng 2.590 tỉ đồng do không phải chi cho in ấn, giao nhận, bốc xếp, kiểm đếm, vận chuyển. Theo Cục Phát hành kho quỹ, NH Nhà nước, riêng chi phí in tờ 500, 1.000 đồng còn gấp nhiều lần trị giá của tờ tiền này.

Với hoạt động hằng ngày, hiện các NH cũng tốn công rất lớn để phục vụ các giao dịch tiền mặt. Trưởng phòng dịch vụ ATM một NH lớn tại TP.HCM cho biết do người lao động nhận lương qua thẻ nhưng chủ yếu rút tiền mặt để chi tiêu, nên NH phải đầu tư hệ thống ATM lớn, kéo theo đó là chi phí thuê chỗ đặt máy, đường truyền, bảo dưỡng, xe, nhân viên tiếp tiền, giấy in, máy lạnh... Tính ra chi phí cả hệ thống rất lớn.

Nhật: thanh toán bằng thẻ được hoàn tiền 5%

Theo Kyodo News, tại Nhật, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, chính sách hoàn tiền khi mua sắm sẽ được áp dụng. Theo đó, từ tháng 10-2019 tới tháng 6-2020, nếu người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ ở các cửa hàng vừa và nhỏ sẽ nhận được mức hoàn tiền tới 5%.

Chi phí xử lý tiền mặt là gánh nặng ngày càng lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật. Viện Nghiên cứu Nomura ước tính chi phí này vượt quá 1.000 tỉ yen mỗi năm (gần 210.000 tỉ đồng).

Một số nước khác áp dụng chính sách cấm các giao dịch tiền mặt với trị giá lớn. Như Pháp - nước có 59% giao dịch không bằng tiền mặt, cấm các giao dịch tiền mặt vượt quá 1.000 euro, giảm từ mức trước đó là 3.000 euro. Đức cũng cấm các giao dịch tiền mặt vượt quá 5.000 euro.

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích. Theo Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, thanh toán không tiền mặt sẽ tiết kiệm nhân lực rất nhiều. Ngoài ra, việc số hóa thanh toán sẽ cải thiện tính minh bạch của dòng tiền, cho phép chính phủ thu thuế chính xác và hiệu quả hơn.

Lấy ví dụ trong năm 2018, Financial Times cho biết lượng thuế VAT mà Chính phủ Thụy Điển thu được tăng gần 30% so với 5 năm trước đó, là kết quả từ việc gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng thông qua thanh toán không tiền mặt.

Tiền mặt cũng khiến các ngân hàng trên thế giới tốn kém nhiều chi phí xử lý. Báo cáo của Ngân hàng Morgan Stanley trong năm 2018 cho biết Ngân hàng Hoa Kỳ tốn tới 5 tỉ USD/năm để xử lý tiền mặt, kiểm tra các giao dịch và phục vụ các ATM. Con số này chiếm 10% tổng chi phí cơ sở của Ngân hàng Hoa Kỳ.

Theo dữ liệu nghiên cứu của IHL (một tập đoàn nghiên cứu dữ liệu của Mỹ), chi phí của một giao dịch tiền mặt thường chiếm 5-15% doanh thu đối với nhà bán lẻ. Ann Cairns, đại diện MasterCard, nói với Financial Times rằng thông thường một quốc gia, thông qua ngân hàng trung ương, đang trả tới 1,5% GDP để đếm, phân phối và in tiền.

MINH KHÔI

Ngày không tiền mặt 16-6

Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt, thúc đẩy việc giảm nhanh hơn nữa tỉ trọng tiền mặt trên tổng các phương tiện thanh toán, với chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam cùng sự đồng hành của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thương mại, các nhà bán lẻ… sẽ thực hiện chương trình Ngày không tiền mặt 16-6.

Đây sẽ là một chuỗi hoạt động để cộng đồng thấy rõ hơn những lợi ích thanh toán không tiền mặt. Hàng loạt hoạt động ưu đãi lớn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ mang đến cho người tiêu dùng những cơ hội mua sắm hấp dẫn khi thanh toán không tiền mặt tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị đến các sàn thương mại điện tử...

Bên cạnh đó, Diễn đàn Không dùng tiền mặt sẽ được tổ chức để điểm lại các kết quả đạt được qua các giai đoạn thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, là nơi các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, dự báo về các xu hướng công nghệ thanh toán trên thế giới và hiến kế cho việc xây dựng xã hội không tiền mặt.

Tuổi Trẻ

Thanh toán không dùng tiền mặt cần công thức 3-1-0

Chỉ cần đáp ứng được quy tắc 3-1-0 sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn trong dịch vụ thanh toán.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên