Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - vừa được chỉ định kiêm nhiệm tổ trưởng tổ công tác đặc biệt điều phối vận chuyển cấp cứu bệnh nhân COVID-19 - Video: HOÀNG LỘC
Tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch ra đời trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM tăng cao (hơn 36.000 ca), tạo gánh nặng lên hệ chuyển bệnh và điều trị rất lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 20-7, bác sĩ Nguyễn Duy Long nói: "Đây là đặt hàng của chủ tịch UBND TP.HCM với mong muốn điều phối giải áp các ca bệnh ở các tuyến. Khi nhận nhiệm vụ, tôi biết phía trước còn nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng bây giờ chống dịch không còn thời gian để đắn đo nữa, cứ cảm thấy đúng là làm, khó đâu gỡ tới đó".
"Đặt hàng" của chủ tịch UBND TP.HCM
Bác sĩ Nguyễn Duy Long (người chỉ tay) trình bày kế hoạch điều phối cấp cứu các bệnh nhân mắc COVID-19 cho chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo Sở Y tế - Ảnh: HOÀNG LỘC
* Ông nói đây là "đặt hàng" của chủ tịch UBND TP.HCM?
- Đây là "bài toán" mà chủ tịch UBND TP.HCM đặt ra, mong muốn giải áp các ca F0 có thể tồn ứ tại các địa phương; tránh lây nhiễm chéo và giải quyết các ca bệnh nặng đến nơi tiếp nhận điều trị kịp thời.
Tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ nhưng phải nói thật rất lo, bởi nếu không làm được hoặc làm nhưng không đạt sẽ làm chậm nhịp phòng chống dịch của TP. Tuy vậy, điều khích lệ là có những vấn đề được lãnh đạo TP quyết ngay như bổ sung 40 điều phối viên; các phương tiện vận chuyển và cơ chế vận hành... Nhiệm vụ bây giờ là cứ "phương châm 4 tại chỗ" để làm, suy nghĩ đến đâu làm đến đó và làm hết sức mình.
* Khi số ca mắc tăng cao, đương nhiên gánh nặng sẽ đổ lên vai hệ thống cấp cứu và điều trị. Ông thấy khó khăn nhất hiện nay trong vấn đề chuyển bệnh là gì?
- Số ca F0 tăng cao đang đặt gánh nặng lên khối điều trị ở cả 4 cấp được phân tầng (không triệu chứng, có triệu chứng, nhẹ và nguy kịch). Đặc biệt diễn tiến bệnh nặng phải thở oxy, thở máy cũng đã tăng cao trong hơn 1 tuần qua.
Đã có những bệnh viện không còn giường trống. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các trung tâm y tế khi có bệnh nhân nặng, không biết chuyển đến bệnh viện nào.
Chính điều này đặt trách nhiệm của Trung tâm cấp cứu 115 rất lớn, đó là phải làm sao điều phối được luồng bệnh đưa các ca F0 (đặc biệt nặng, nguy kịch) đến nơi điều trị phù hợp nhất; giải áp cho các quận huyện. Tránh để tồn số lượng bệnh nhân quá đông dễ lây nhiễm chéo hoặc chuyển không kịp dẫn đến tử vong.
Xử lý trách nhiệm đơn vị để ùn ứ khiến bệnh nhân tử vong
"Chống dịch không còn thời gian để đắn đo nữa, cứ cảm thấy đúng là làm, khó đâu gỡ tới đó" - Video: HOÀNG LỘC
* Thời gian qua có nhiều phàn nàn về việc chuyển bệnh chậm, thậm chí có ca bệnh diễn tiến nặng không biết chuyển đi đâu. Với nhiệm vụ là cầu nối, nắm bắt nhu cầu chuyển người bệnh tại các bệnh viện, theo ông tình trạng trên sẽ được giải tỏa?
- Bài toán này không chỉ phụ thuộc vào 1 khâu, mà tất cả các mắt xích phải song hành, đồng bộ. Tức khâu xét nghiệm xử lý được sớm, phải có xe và lực lượng vận chuyển F0 giải áp sớm và khi nhận bệnh thì các bệnh viện phải có đầy đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cơ bản điều trị cho người bệnh.
Để đáp ứng nhu cầu cấp bách, tôi rất mong muốn nâng cấp hệ thống điều hành để có thể nhìn thấy hiện trạng các nơi tiếp nhận F0; tình trạng của bệnh nhân; năng lực bố trí giường bệnh, các hệ thống oxy, máy thở ở khu vực điều trị. Khi thấy được hiện trạng sẽ chấm dứt việc người bệnh phải đi nhiều chặng không tìm ra được nơi điều trị phù hợp, đánh mất "thời gian vàng" điều trị.
Vận chuyển các F0 đi đến các bệnh viện - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Thực tế có nhiều nơi quá tải nhưng cũng không ngoại lệ có nơi "né", hoặc "đẩy" người bệnh đi chỗ khác. Đây cũng là 1 nhiệm vụ mà tổ đặc biệt sẽ phải kiểm tra, chấn chỉnh...
- Hiện nền tảng phần mềm kết nối dữ liệu đã có, cái cần là các trung tâm y tế quận huyện, các bệnh viện điều trị bệnh nhân tuân thủ việc đưa lên hệ thống các dữ liệu về năng lực tiếp nhận cũng như tình trạng của người bệnh, từ đó chúng tôi mới có thể nhận biết, điều phối nhanh chóng.
Tôi được biết, Sở Y tế sẽ có tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành hướng dẫn, giao trách nhiệm cho các trung tâm y tế và chính quyền các địa phương theo dõi, giám sát việc nhập dữ liệu các ca F0 lên hệ thống quản lý.
Khi đã có văn bản hướng dẫn, có cơ chế xử lý, nếu đơn vị nào vẫn làm sai dẫn đến tình trạng ùn ứ người bệnh hoặc có giường trống nhưng không tiếp nhận gây ra tử vong, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ cung cấp hiện trạng và bằng chứng để Thanh tra Sở Y tế TP xác minh xử lý.
Chuyển bệnh trung bình 1.200 - 1.800 ca/ngày
* Nhu cầu chuyển các ca bệnh mắc COVID-19 một ngày tại TP.HCM hiện nay ra sao, thưa ông?
- Số lượng vận chuyển các ca F0 không triệu chứng hiện nay tương ứng với số ca mắc tăng hằng ngày, trung bình 1.200 - 1.800 ca. Còn số ca bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên, riêng 115 trung bình mỗi ngày có khoảng 40 chuyến xe.
Khối lượng công việc so với lực lượng cấp cứu ngoại viện chúng tôi đang có tương đối mỏng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo "cắt" một phần lực lượng chuyên về cấp cứu từ các đơn vị chi viện cho Trung tâm cấp cứu 115 để đảm bảo công tác điều phối cấp cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận