Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân đón Tết luôn nhớ mang khẩu trang và hạn chế tập trung đông người. Đặc biệt hướng dẫn cách xử trí khi có vấn đề sức khỏe trong thời điểm Tết - Video: QUANG ĐỊNH
Trước thềm xuân mới Nhâm Dần, Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện với PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ngoài việc khuyên mọi người tuân thủ các biện pháp 5K, tiêm chủng đầy đủ vắc xin, ông còn nhận định: "TP.HCM đang là địa phương có môi trường thực sự an toàn".
Lo ngại lặp lại sự kiện "siêu lây nhiễm"
PGS.TS Tăng Chí Thượng: "TP.HCM đang là nơi an toàn" - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Từ một nơi dịch bùng phát mạnh, những ngày gần đây số ca mắc, chuyển nặng và tử vong của TP.HCM giảm sâu. TP.HCM cũng có 3 tuần liền đạt "vùng xanh". Ông nói gì về những tín hiệu này?
- Các chỉ số này là một tín hiệu lạc quan với người dân TP.HCM trong không khí Tết đến, xuân về. Để đạt được điều này là sự tổng hòa của nhiều yếu tố bao gồm vắc xin, sự cống hiến hết mình của lực lượng tuyến đầu và ý thức người dân. Trong đó, việc ai cũng thấy chính là hiệu quả của vắc xin mang lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có quyết sách mang tầm chiến lược về "ngoại giao vắc xin". Trong giai đoạn đầu, TP.HCM là tâm điểm của dịch bệnh và được ưu tiên vắc xin nhiều nhất. Cũng nhờ đó, thành phố mở các đợt tiêm chủng quy mô lớn cho người dân và có thể nói rằng đến ngày hôm nay TP.HCM đã đạt được độ miễn dịch cơ bản cho cộng đồng.
Chính điều này kéo theo số ca mắc, chuyển nặng và tử vong giảm. Tôi còn nhớ lúc cao điểm có trên 1.000 ca thở máy xâm lấn, đến nay có ngày chỉ còn 170 ca, số ca tử vong cũng dưới 10 ca/ngày. Có thể thấy rằng đây là giai đoạn ổn định nhất của TP.HCM sau khoảng 8 tháng, kể từ 1-5 đến nay.
* TP.HCM là địa phương đầu tiên phát hiện các ca mắc COVID-19 thuộc chủng Omicron trong cộng đồng, với tính chất lây lan nhanh. Một giả thiết được đưa ra dịp Tết này là có thể cũng giống như dịp 30-4 và 1-5 vừa rồi. Ông thấy giả thiết đó thế nào và làm sao để Tết không trở thành sự kiện "siêu lây nhiễm"?
Người đứng đầu ngành Y tế TP.HCM cho rằng nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu và khuyến cáo người dân du xuân cần mang khẩu trang, hạn chế tập trung đông người - Ảnh: QUANG ĐỊNH
- Chắc chắn về mặt nguy cơ ở thời điểm 30-4, 1-5 và Tết Nguyên đán sắp tới sẽ rất giống nhau bởi cùng là dịp lễ kéo dài, trong đó có sự gặp gỡ, giao lưu nhiều. Tuy nhiên lần này chúng ta đang ở một nền tảng hoàn toàn khác, khi hầu hết người dân đã được chủng ngừa và chuyên môn lẫn hệ thống điều trị COVID-19 từng bước được cập nhật, nâng cấp.
Hiện nay, nếu nhìn vào bức tranh Omicron trên thế giới, Việt Nam là một trong số ít nước mà chủng này chưa chiếm ưu thế (chủng Delta chiếm ưu thế). Điều này cho thấy gì? Đó là Omicron mới xâm nhập và chúng ta có sự chủ động kiểm soát và ngăn chặn sớm, đặc biệt với người nhập cảnh từ nước ngoài về.
Vấn đề khó khăn hiện nay là mất từ 3-4 ngày mới có kết quả giải trình tự gene xác định ca mắc biến chủng Omicron, chưa kể đòi hỏi nồng độ của virus thời điểm lấy mẫu phải tương đối cao.
Vì vậy dịp Tết này, nói gì thì nói, ý thức tuân thủ 5K của mỗi người dân vẫn vô cùng quan trọng, song song với các giải pháp công nghệ. Tôi xin khẳng định nguy cơ là hiện hữu, do đó Tết đến khi gặp gỡ, sum vầy, mong mỗi người lưu ý đi ra ngoài phải mang khẩu trang; hạn chế tập trung quá đông người trong không gian hẹp, kín.
Tuy Omicron có vẻ không quá nghiêm trọng nhưng có một nguyên tắc khi số ca mắc tăng cao, kéo theo số ca nặng sẽ tăng. Đây là bài học của nhiều nước đang "gánh", bởi tốc độ lây nhiễm của chủng Omicron quá nhanh.
"TP.HCM đang là địa phương an toàn"
* Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định COVID-19 sẽ kết thúc ở châu Âu vào tháng 3 năm nay hay Mỹ cũng cho biết họ đã "thấy ánh sáng" sau "cơn bão" Omicron. Ngay lập tức đã có những tâm lý chủ quan hoặc thậm chí chủ động nhiễm để có "lộ trình" như các nước kể trên...
- Tâm lý cho rằng Omicron là một dấu hiệu báo hiệu sắp chấm dứt đại dịch rất nguy hiểm, bởi dịch bệnh vốn dĩ không thể đoán định. Cũng chính vì một số cách hiểu chưa đúng, vừa rồi Sở Y tế TP.HCM có phát hành một bài phân tích "hiểu đúng và sai về Omicron".
Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, tốt nhất đừng trông chờ vào diễn biến tự nhiên của dịch bệnh sẽ chấm dứt, mà mỗi cá nhân phải chủ động bảo vệ mình, đừng để dịch lây lan. Đặc biệt hiện ai chưa tiêm vắc xin mũi 3 hãy nhanh chóng đi tiêm, bởi mũi 3 hiện được giới chuyên môn khẳng định bảo vệ được người bệnh nếu chẳng may mắc biến chủng Omicron.
* Tết cận kề, một số tỉnh thành tỏ vẻ e dè người về từ TP.HCM. Ông có thể nói điều gì về sự an toàn của người về từ TP.HCM cho các tỉnh yên tâm…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phục vụ bệnh nhân trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 28-1 (tức 26 Tết) - Ảnh: N.H
- TP.HCM đang là địa phương có tỉ lệ bao phủ vắc xin mũi 1, 2, 3 cao nhất nước/dân số/vắc xin phân bổ và duy trì cấp độ dịch ở mức 1 (vùng xanh) suốt 3 tuần liên tục; số ca mắc mới cũng giảm dưới 200 ca/ngày (xếp thứ 25 cả nước ngày 28-1). TP.HCM cũng là địa phương có dân số đông nhất cả nước và nếu tính tỉ lệ trên 100.000 dân có thể TP.HCM là địa phương đang có số ca mắc thấp nhất hiện nay.
Tất cả điều này cho thấy TP.HCM đang là nơi có môi trường thực sự an toàn. Tôi thấy rằng việc các tỉnh "e ngại người về từ TP.HCM" là việc làm không có cơ sở khoa học, không nên và cần phải được phản bác để có sự điều chỉnh.
* Từ khi dịch bùng phát, có lẽ năm nay lực lượng y tế TP.HCM "nhẹ gánh" hơn một chút, nhiều người được đón Tết bên gia đình. Nhưng đâu đó vẫn tiềm ẩn rủi ro, cần phải huy động lực lượng bất ngờ…
- Đúng như thế. Chắc chắn không chỉ lãnh đạo ngành y tế mà tất cả các nhân viên y tế đều nhận thức được điều này. Trong mọi tình huống, ngành y tế luôn sẵn sàng. Các bệnh viện đều phân công nhân lực trực chiến, khi cần huy động các anh em sẽ tham gia chống dịch ngay.
Vui Tết ai cũng mong muốn trọn vẹn nhưng khi dịch bệnh phát sinh đều phải gác Tết vào cuộc ngay. Đó cũng là trách nhiệm của nghề, của những ai đã chọn khoác trên mình màu áo blouse trắng…
TP.HCM giải mã gene chủng Omicron trong 2h
* Thực tế cho thấy việc giải mã trình tự gene hiện nay khá chậm, trong khi đòi hỏi phải truy vết nhanh. Việc chậm trễ trong giải mã có thể khiến dịch lây lan, ngành y tế có giải pháp gì, thưa ông?
- Hiện để biết một người mắc chủng Omicron thì cần phải giải mã trình tự gene với kỹ thuật cao cấp và phải mất từ 3-4 ngày mới có kết quả. Việc chậm có kết quả này không mang lại nhiều hiệu quả trong công tác phòng dịch, gây khó khăn trong việc truy vết, cách ly kịp thời.
Do đó ngành y tế TP.HCM đang có kế hoạch xin ý kiến của UBND TP.HCM cho phép triển khai công trình nghiên cứu khoa học phối hợp với các chuyên gia đến từ Sở KH&CN TP.HCM giải quyết hạn chế này.
Đó là thay vì phải giải mã trình tự gene tốn kém thời gian và tiền bạc, nghiên cứu này cho phép xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR nhưng vẫn xác định được chủng Omicron chỉ trong vòng 2h với cỡ mẫu lớn.
Kỹ thuật này đã được thử nghiệm với cỡ mẫu nhỏ và bước đầu phát huy hiệu quả. Nếu được chấp thuận, TP.HCM sẽ áp dụng trong hoặc sau Tết và là địa phương đầu tiên ứng dụng kỹ thuật này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận