Ông Tăng Chí Thượng: "Tình hình dịch bệnh của thành phố đang được kiểm soát tạm ổn và khuyến cáo người dân không vì thế mà quá hồ hởi, chủ quan" - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ nhân dịp sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 lần thứ 4, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khái quát: "Để đạt được thành quả chống dịch như hiện nay là nhờ vào tổng hòa công sức của tất cả các thành phần trong xã hội. Ngành y tế đã nỗ lực nhưng nếu người dân không tuân thủ, cuộc chiến chống dịch sẽ thất bại".
Không còn thời gian để hoang mang
* Đợt dịch lần thứ 4 là thách thức chưa từng có với ngành y tế. Ông từng chia sẻ có ngày TP.HCM phát hiện gần 17.000 ca và cao điểm có ngày tử vong 340 ca. Trong bối cảnh đó, ông có lo sợ không?
- Đợt bùng phát dịch lần này nằm ngoài sức tưởng tượng. Biến chủng của virus SARS-CoV-2 cực độc, tốc độ lây lan cực nhanh đã gây ra thách thức cho ngành y tế; đã có những đau thương, mất mát rất lớn chưa từng có trong lịch sử. Là người thầy thuốc, đứng trong cuộc chiến ấy, chúng tôi cảm thấy vô cùng lo lắng.
Số ca mắc cứ tăng dồn dập. Tôi nhớ có khi một tuần cấp tốc ra mắt 2-3 bệnh viện dã chiến, mỗi bệnh viện từ 2.000-3.000 giường nhưng cứ ra bao nhiêu là đầy bấy nhiêu. Mỗi một ổ dịch phát hiện có vài chục đến vài trăm ca, chỉ một ngày bệnh nhân chuyển vào đầy ắp cả bệnh viện dã chiến.
Các bệnh viện đầy ắp bệnh nhân nặng, nhiều trường hợp chuyển nặng, tử vong rất nhanh. Từ vài chục ca ban đầu, đỉnh điểm có ngày 340 ca tử vong. Đó là cú sốc rất lớn đối với thành phố, với những người làm ngành y.
Thời điểm ấy, chúng tôi không còn đủ thời gian để ngồi hoang mang. Mỗi người một việc lao vào ngăn chặn những điều có thể xấu hơn xảy ra. Cả thành phố đã phải tập trung tối đa mọi nguồn lực cấp tốc hình thành bệnh viện dã chiến, kê giường, lắp đặt hệ thống oxy; hàng loạt bệnh viện được chuyển đổi toàn phần, rồi sự chi viện từ các bệnh viện đầu ngành cả nước.
Có thể nói đó là cuộc huy động lực lượng y tế chưa từng có với hơn 80.000 cán bộ nhân viên y tế vừa điều trị, xét nghiệm, tiêm vắc xin cho người dân.
Ngoài những mất mát đau thương, cuộc chiến để lại nhiều bài học quý giá về mặt chuyên môn, chiến lược cũng như chiến thuật chống dịch. Điều này không chỉ giúp áp dụng cho hành trình chống dịch sắp tới, mà còn cho cả các loại dịch bệnh có thể bùng phát trong tương lai.
* Bí thư Thành ủy TP.HCM từng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong chống dịch, mấu chốt vẫn là năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị. Ông có nghĩ cuộc chiến này đã bộc lộ nhiều điểm yếu của ngành y tế?
- Mặc dù Bộ Y tế có hướng dẫn điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch nhưng lúc bấy giờ ứng phó về mặt khoa học chưa thể theo kịp diễn biến của dịch bệnh. Nghĩa là ngoài các trường hợp nặng, còn có rất nhiều trường hợp nhẹ, không triệu chứng (chiếm khoảng 80%). Tại TP.HCM giai đoạn khởi phát dịch, cùng lúc có hàng chục ngàn ca mắc, lúc ấy chỉ cách ly để ngăn chặn dịch lây lan. Và điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.
Nếu như giai đoạn đầu ngành y tế có bị động, chiến lược điều trị sau đó có sự thay đổi bằng việc linh hoạt thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà với các bài thuốc A, B và C; chuyển chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng với phương châm tiếp cận sớm, phát hiện sớm, can thiệp sớm đã thực sự làm giảm số ca chuyển nặng, tử vong.
Điều may mắn, ngành y tế có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ, Bộ Y tế, UBND TP.HCM trong việc huy động tối đa nguồn lực chống dịch. Đặc biệt khi dịch lây lan dữ dội, những đợt giãn cách kéo dài nếu không có sự ủng hộ của người dân chưa chắc kiềm chế kịp dịch trong cộng đồng.
Và nếu thành phố không có vắc xin sớm, chưa biết điều gì xảy ra. Vắc xin chính là "chìa khóa" giúp thành phố sớm kiểm soát được dịch, giảm đến mức tối đa số ca mắc, trở nặng và tử vong.
Bảo vệ bạn là bảo vệ chính mình
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có mặt động viên các học sinh từ 12-17 tuổi tại Củ Chi trong ngày đầu thành phố tổ chức tiêm chủng vắc xin cho học sinh
* Số liệu cập nhật số ca tử vong của thành phố ngày càng giảm, có ngày chỉ 25 ca. Tuy nhiên số ca mắc vẫn chưa giảm trên bình diện toàn thành phố và một số quận huyện. Theo ông, lý do là gì và có đáng lo ngại hay không?
- Thực tế qua theo dõi trên hệ thống giám sát số F0 có nhích lên so với trước. Nguyên nhân từ việc các khu vực công nghiệp, nhà máy cho hoạt động trở lại tiến hành xét nghiệm cho công nhân trước khi đi làm. Các ca này đa phần không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, số ca chuyển nặng từ nhóm này gần như chưa ghi nhận.
Ngành y tế cũng sẽ tham mưu đa dạng hóa loại hình cách ly F0 không triệu chứng, có thể bổ sung thêm các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng nếu đảm bảo đủ điều kiện. Nếu việc này triển khai, theo tôi sẽ đáp ứng được nhu cầu chăm sóc phục hồi sức khỏe, tinh thần một cách tốt nhất cho người bệnh.
Còn có lo ngại hay không? Theo tôi, nếu như chưa đạt được độ bao phủ vắc xin như hiện nay (mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt gần 80%), quả thật quá lo ngại. Bởi trong số các ca mắc, số người chuyển nặng và tử vong sẽ tăng cao là điều chắc chắn.
Ngoài ra, tỉ lệ tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, người có các bệnh lý nền của thành phố đã tăng theo thời gian; chưa kể công tác tiêm chủng cho trẻ em cũng đang được triển khai.
Tất nhiên không vì thế mà quá chủ quan, nhưng rõ ràng tỉ lệ bao phủ vắc xin của người dân thành phố đang là một lợi thế, là căn cứ để an tâm hơn, có "áo giáp" bảo vệ nhất định.
* Trong khi dịch tại TP.HCM tạm ổn, nhiều tỉnh thành xung quanh lại đang rơi vào trạng thái căng thẳng khi xuất hiện nhiều chùm ca bệnh. TP.HCM sẽ làm gì để bảo vệ và duy trì trạng thái đang có?
- Câu hỏi này theo tôi rất thực tế. Chống dịch tại TP.HCM sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu chỉ một mình mình ổn, xung quanh chưa ổn. Do đó trách nhiệm của chúng tôi ngoài làm tốt nhiệm vụ chống dịch tại thành phố, còn phải hỗ trợ y tế cho tất cả các tỉnh phía Nam. Ngành y tế thành phố đã chủ động cử hai đội chuyên gia cắm chốt hỗ trợ hai tỉnh Sóc Trăng, An Giang và sẽ tiếp tục huy động nhân lực hỗ trợ cho các tỉnh nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tôi thấy rằng việc nắm bắt diễn tiến dịch bệnh của các tỉnh xung quanh là một nhiệm vụ ngăn chặn từ xa, chứ không đơn giản chỉ là hỗ trợ giúp đỡ. Bởi dịch bùng phát tại các tỉnh thế nào cũng ảnh hưởng tới thành phố; bảo vệ bạn chính là bảo vệ mình.
* Lần đầu tiên TP.HCM công bố cấp độ dịch theo tinh thần của nghị quyết 128. Cụ thể thành phố đang xếp ở mức nguy cơ trung bình (màu vàng), tiệm cận màu xanh. Người dân rất quan tâm liệu khi nào có thể "vàng hóa xanh"?
- Hiện nay ngành y tế đang thực hiện rất nghiêm túc theo hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế. Cứ mỗi tuần phải công bố một lần, ở mức đánh giá cấp độ dịch thấp nhất là xã, phường, thị trấn. Hiện bộ phận công nghệ thông tin của ngành y tế đang phối hợp cùng các chuyên gia ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào việc dự báo nhanh, chính xác các cấp độ dịch cho người dân.
Tuy nhiên, khi việc dự báo này hoàn thiện, chúng tôi chỉ dự báo các địa phương có mức độ dịch xấu hơn, không dự báo tốt hơn. Tại sao lại như vậy? Bởi theo tôi, dự báo tốt hơn dễ tạo tâm lý chủ quan; còn dự báo chiều hướng xấu như là lời cảnh báo để các địa phương chủ động các giải pháp chống dịch hiệu quả.
Và nếu công tác kiểm soát dịch tại các địa phương tiếp tục được chú trọng, hy vọng thời gian tới mức độ này sẽ "nhảy" xuống cấp thấp hơn, cộng với tỉ lệ tiêm chủng vắc xin có thể thành phố sẽ "vàng hóa xanh". Và để làm được điều này đòi hỏi mỗi tổ chức, địa bàn và người dân phải ý thức thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch.
Nếu chẳng may dịch bùng phát lại thì sao?
* Ngành y tế là cơ quan tham mưu cho UBND TP về việc "mở hoặc đóng cửa", cho phép ngành nghề nào hoạt động theo tình hình diễn biến dịch bệnh. Trong bối cảnh hiện nay, ngành y tế có đề xuất gì để việc "mở cửa" nhanh nhưng an toàn hơn?
- Thách thức hiện nay đối với TP.HCM là phải hài hòa giữa 3 nhu cầu gồm đảm bảo an toàn sức khỏe người dân, phát triển kinh tế và quyền chính đáng của người dân khi được tham gia các hoạt động sinh hoạt.
Thực tế nếu để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người dân, ngành y tế sẽ phải đưa ra rất nhiều quy định, điều này gây tác động rất lớn cho nhóm phát triển kinh tế. Và nếu không có sự cân đối giữa đảm bảo an toàn và phát triển kinh tế thì cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Do đó, khi đưa ra một đề xuất, chúng tôi phải cân đối 3 nhu cầu nêu trên, đồng thời căn cứ vào tình hình mức độ dịch. Ngành y tế không đưa ra các khung cứng nhắc bởi cấp độ dịch của từng quận, huyện khác nhau; các địa phương căn cứ vào cấp độ của mình quyết định việc có nên triển khai các hoạt động hay không. Tuy nhiên phải đảm bảo tuân thủ nghiêm yêu cầu của nghị quyết 128.
* Nếu chẳng may bùng dịch trở lại, khi quân chi viện rút buộc phải "tự lập", liệu chúng ta có đủ tự tin đương đầu với dịch hay không, thưa ông?
- Dịch COVID-19 chưa ai nói trước được lúc nào kết thúc, bởi đây là đợt dịch chưa có trong tiền lệ về quy mô, tốc độ, tính chất. Thời gian này có thể nói dịch tạm ổn định, đủ thời gian nhìn lại quá trình chống dịch để rút ra bài học kinh nghiệm.
Nếu tính từ ngày 30-4 đến nay, toàn ngành y tế đã lăn xả chống dịch suốt 6 tháng. Ở từng vị trí, mỗi người đều đã tích lũy ít nhiều những kinh nghiệm cho riêng mình, cũng như ngành y tế rút ra được những bài học quý giá.
Các sáng kiến, kinh nghiệm chắc chắn sẽ được vận dụng tốt trong thời gian tới. Với kinh nghiệm sẵn có, nguồn lực được trang bị, sáng kiến có hiệu quả… theo tôi, đó là những căn cứ để ngành y tế tự tin chủ động ứng phó có hiệu quả với các đợt dịch sắp tới.
Đến thời điểm này, TP.HCM tạm yên tâm khi đã có "áo giáp" bảo vệ từ việc tiêm vắc xin, đặc biệt với người cao tuổi
Tổ chức trạm y tế không theo địa giới hành chính
* Qua đợt dịch ai cũng nhận thấy vai trò của y tế cơ sở vô cùng quan trọng, họ là nơi gần dân nhất. Khi số ca F0 điều trị tại nhà chiếm khoảng 60%, có ý kiến cho rằng chiến lược chống dịch nên bắt đầu từ y tế cơ sở…
- Điều này hoàn toàn chính xác. Một trong hai "mũi giáp công" chống lại COVID-19 của thành phố là dựa vào cộng đồng, các trạm y tế đã phát huy được hiệu quả. Rõ ràng để đạt điều này, một phần nhờ vào lực lượng rất mới đó là các trạm y tế lưu động do các bác sĩ quân y đảm trách. Không có họ, khó lòng triển khai việc cách ly, chăm sóc F0 tại nhà.
Dù đỉnh dịch đi qua, nhưng ngành y tế thành phố xác định phải duy trì các trạm y tế lưu động này và sẽ sớm tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế sớm thay đổi chính sách để trạm y tế bao phủ số lượng dân phù hợp.
Chúng tôi kiến nghị không cứng nhắc mỗi phường có một trạm y tế mà thay vào đó là lập trạm dựa trên số dân (10.000 dân/trạm). Như vậy một phường có thể có nhiều trạm y tế và trạm phải gắn liền với nhiều chuỗi mắt xích khác như tổ phản ứng nhanh phường xã; tổ chức sàng lọc từ xa hoặc một tổ chức thiện nguyện…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận