06/01/2023 13:31 GMT+7

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói về vướng mắc lớn sau chống dịch COVID-19

Bà Trần Thị Nhị Hà cho hay tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, khi triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch, nhu cầu sử dụng trang thiết bị, vật tư rất lớn nên các địa phương phải huy động, trưng dụng trang thiết bị, nhân lực của tư nhân.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói về vướng mắc lớn sau chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Nhị Hà - Ảnh: N.THÀNH

Sáng 6-1, nêu ý kiến tại tổ đánh giá việc thực hiện quy định tại nghị quyết số 30 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nêu ý kiến việc triển khai thực hiện quy định tại khoản 3 trong nghị quyết 30.

Theo bà Hà, Chính phủ đã triển khai nghị quyết 30 với tinh thần khẩn trương, chủ động, linh hoạt với những giải pháp chưa có tiền lệ; áp dụng các cơ chế đặc cách, đặc thù phòng chống dịch, trong đó bảy nghị quyết đặc thù để triển khai việc mua vắc xin.

"Đây là vấn đề cấp bách và cũng đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch. Chúng ta thấy rõ hiệu quả của vắc xin trong công tác phòng, chống dịch rất tốt", bà Hà nêu.

Tuy nhiên, theo bà Hà, việc Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành ban hành những nghị quyết liên quan đến việc mua vắc xin mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của trung ương mà chưa ban hành được những văn bản để giải quyết được những khó khăn trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch ở địa phương.

Bà chỉ rõ tại địa phương khi mua sắm vẫn thực hiện theo những quy định chung như Luật đấu thầu mà chưa có những quy định cụ thể để hướng dẫn nghị quyết 30 của Quốc hội.

Tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, khi triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch, nhu cầu sử dụng số lượng trang thiết bị, vật tư rất lớn.

Do đó nhiều địa phương đã phải huy động, trưng dụng các nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của khu vực tư nhân hoặc phải rút ngắn thủ tục, thời gian.

Một số nội dung mua sắm, tạm ứng vay mượn để có thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch khẩn cấp trong điều kiện thời gian gấp rút, tính từng ngày, từng giờ nên chưa kịp đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Tức là rất nhiều địa phương đã phải linh hoạt, quyết liệt để đảm bảo công tác chuyên môn phòng chống dịch nên có hiện tượng trưng thu, trưng mua hoặc vay mượn kit xét nghiệm hoặc trang thiết bị huy động lực lượng tư nhân.

Do vậy, bà Hà rất mong muốn có những văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương giải quyết những khó khăn này.

Cạnh đó, theo bà Hà, những vướng mắc trong công tác đặt hàng, xét nghiệm SARS-COV-2 cũng chưa giải quyết được.

"Vướng mắc trong việc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ, đặc biệt là những tài sản được tài trợ trong công tác phòng chống dịch rất cấp bách...", bà Hà nêu thêm.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng sau khi nghị quyết 30 ra đời, việc hướng dẫn của bộ ngành với địa phương còn chậm.

Tuy nhiên việc hướng dẫn của một số địa phương tính toán chưa kỹ, chưa chặt chẽ nên việc thực hiện còn khó khăn, nhất là việc thanh quyết toán cho người chưa bệnh COVID-19, cán bộ y tế cấp cơ sở, người tham gia phòng chống dịch chưa kịp thời.

Ông đề nghị Chính phủ phải sớm giải quyết, hỗ trợ kinh phí để thanh quyết toán. Cạnh đó, kiến nghị Quốc hội làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng chính trị cho cán bộ y tế. Cùng với đó, các chế độ chính sách cho cán bộ y tế cần phải quan tâm hơn nữa. 

'Nhiều công chức Cục Quản lý dược không chịu được sức ép, sợ sai, thôi việc'

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, nhiều công chức Cục Quản lý dược không chịu được sức ép công việc, sợ sai. Từ năm 2018 đến nay có 36 công chức cục xin thôi việc.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên