Ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - nói như vậy tại hội thảo về "Năng lực chuyển đổi số cho thanh niên" do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức hôm nay 18-5, cũng là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam.
Ông Dũng cho rằng hiện nay khi nhắc tới chuyển đổi số, nhiều người thường nghĩ ngay đến các công nghệ mới. Một số công ty, đơn vị "đổ" rất nhiều tiền vào đầu tư công nghệ nhưng khi áp dụng, hiệu quả lại khá khiêm tốn.
Theo ông Dũng, trước hết chuyển đổi số cần bắt đầu từ tư duy. Một công ty, tổ chức cần nhìn ra được đâu là những vấn đề mà đơn vị mình đang gặp phải và thật sự muốn giải quyết, tối ưu hóa. Dựa trên nền tảng đó, những đơn vị này mới tìm và đưa vào những công nghệ mới.
Kể cả trong hoạt động nghiên cứu - khi tìm kiếm một giải pháp, giải thuật, giải toán - cũng phải nghĩ đến việc rốt cuộc sẽ giải quyết cái gì? Công nghệ chỉ là bước tiếp theo, là công cụ để hỗ trợ thực hiện những mô hình đã đề ra.
Cuối cùng, chuyển đổi số phải tạo ra những giá trị mới cho công ty, tổ chức, cộng đồng hay xã hội. Theo ông Dũng, chuyển đổi số nhất thiết phải tạo ra giá trị bởi nếu bỏ tiền, công sức nghiên cứu, áp dụng những mô hình mới nhưng không đem lại lợi ích gì là "vô nghĩa".
Tại hội thảo, ông Phạm Bình An, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng hiện tại xu hướng "kinh tế số", "kinh tế tuần hoàn" và "kinh tế xanh" bắt đầu trở nên mạnh mẽ tại TP.HCM, nhất là sau dịch COVID-19.
Ông cũng cho rằng từng bạn trẻ hoàn toàn có thể tham gia đóng góp cho những lĩnh vực trên, đặc biệt là về kinh tế số của TP.
Sự đóng góp ấy có thể xuất phát từ những hành động rất nhỏ, chẳng hạn hiểu được vai trò của dữ liệu số, biết hướng áp dụng chuyển đổi số để nâng cao khả năng của bản thân.
Theo ông An, năng lực công nghệ thông tin của các bạn trẻ ngày nay rất tốt nhưng hiện có nhiều vấn đề trên môi trường số để các bạn có thể học hỏi thêm. Từ các ý tưởng số hóa hay, các bạn hoàn toàn có thể phát triển thành những dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận