Ngày 23-12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Trung Trực, giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Quảng Ngãi), thừa nhận yếu kém trong tổ chức hội chợ triển lãm OCOP Quảng Ngãi và việc doanh nghiệp chê, báo chí phản ánh là đúng.
Doanh nghiệp chê hội chợ OCOP là đúng
Theo ông Trực, đơn vị còn non, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức hội chợ, dẫn đến dù cố gắng làm tốt nhất có thể nhưng vẫn lộ những tồn tại, hạn chế. Việc hội chợ kết thúc với sự chê trách của doanh nghiệp tham dự thật sự đáng buồn và là bài học kinh nghiệm để đơn vị tổ chức tốt hơn trong thời gian tới.
Ông Trực cũng cho biết lý do chọn mặt bằng ở xa trung tâm TP Quảng Ngãi bởi hội chợ OCOP Quảng Ngãi thu hút 250 gian hàng từ nhiều đơn vị ở 10 tỉnh thành cả nước tề tựu, cần mặt bằng rộng lớn. Nhưng Quảng Ngãi hiện không có địa điểm nào đủ rộng, khang trang, sạch đẹp hơn là sân bay (đường Hoàng Hoa Thám, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) để tổ chức.
"Mặt bằng này nhiều vị trí nền đất, nên mưa xuống đã nhầy nhụa bùn khiến khách tham quan mua sắm và doanh nghiệp trưng bày sản phẩm than phiền", ông Trực nói.
Ngoài ra, việc lựa chọn đơn vị tổ chức hội chợ cũng là vấn đề cần nghiêm túc khắc phục. Theo ông Trực, doanh nghiệp trúng thầu hội chợ OCOP Quảng Ngãi là Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam Galaxy. Đơn vị này còn thiếu kinh nghiệm, nên khi dựng rạp làm mái che cho các đơn vị trưng bày hàng hóa có khoảng trống giữa các gian hàng.
"Hội chợ diễn ra vào mùa mưa, nhưng không phủ kín toàn bộ không gian, dẫn đến nước mưa đổ xuống lối đi, gây ra cảnh nhếch nhác", ông Trực nói thêm.
Phóng viên đặt vấn đề vì sao tổ chức hội chợ lớn như vậy nhưng lại vào mùa mưa thay vì thời tiết nắng ráo, dẫn đến khách đến hội chợ ít, không đạt mục tiêu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và bán được hàng, khiến doanh nghiệp bỏ về sau 2, 3 ngày hội chợ diễn ra?
Ông Trực cho biết theo kế hoạch sẽ tổ chức hội chợ này vào tháng 9. Tuy nhiên, khi xây dựng kế hoạch, phê duyệt dự toán và lựa chọn nhà thầu kéo dài, dẫn đến tiến độ bị chậm, mãi đến tháng 12 mới tổ chức.
Cùng với đó là gặp khó trong kinh phí tổ chức, việc nhập nhằng ngân sách 50%, xã hội hóa 50% dẫn đến khâu tổ chức còn lủng củng.
Rút kinh nghiệm, không để tái diễn
Từ nhập nhằng tổ chức, dẫn đến việc đơn vị trúng thầu xã hội hóa đã bán vé 30.000 đồng/lượt vào ban đêm để thu hồi chi phí mời ca sĩ về biểu diễn, khiến khách đến hội chợ thưa vắng. Hội chợ kéo dài 7 ngày, nhưng chỉ có khoảng 7.000 lượt khách ghé tham quan, mua sắm (trong đó khoảng 1.000 vé mời).
"Những yếu kém, nhập nhằng trong khâu tổ chức dẫn đến hội chợ diễn ra mới 2, 3 ngày nhiều doanh nghiệp đưa sản phẩm OCOP đến hội chợ lần lượt bỏ về. Ban tổ chức phải năn nỉ họ ở lại để hội chợ diễn ra đúng kế hoạch", ông Trực nói.
Khâu tổ chức còn nhiều hạn chế, công tác đảm bảo an ninh cũng bộc lộ vấn đề. Nhiều đơn vị bị mất hàng, kẻ gian trộm điện thoại... Nói về vấn đề này, ông Trực cho biết đang yêu cầu các đơn vị tham gia hội chợ thống kê tài sản bị mất để có phương án giải quyết.
Lực lượng đảm bảo an ninh cho hội chợ có nhưng chỉ đảm bảo không xảy ra gây gổ, đánh nhau, chứ không đủ người quản lý tài sản của từng gian hàng trong hội chợ.
Thừa nhận những yếu kém trong khâu tổ chức, ông Trực cho biết sẽ rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới. Nếu tổ chức hội chợ sẽ chọn nhà thầu có năng lực, vị trí văn minh, sạch sẽ hơn.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản khẩn, yêu cầu Sở Công Thương báo cáo việc Hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP Quảng Ngãi bị doanh nghiệp chê, làm rõ trách nhiệm và xử lý tổ chức, cá nhân liên quan.
Còn ông Võ Văn Rân, giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi, thừa nhận những tồn tại của hội chợ OCOP Quảng Ngãi 2023. Ông Rân xin lỗi các doanh nghiệp, đơn vị tham gia hội chợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận