Tuy nhiên, Việt Nam là một ngoại lệ thú vị khi thị trường vẫn có những yếu tố tích cực ở một số phân khúc. Đến hết quý 3, lĩnh vực BĐS vẫn hút gần 2 tỉ USD vốn ngoại.
Ông Paul Tostevin - giám đốc nghiên cứu toàn cầu của Savills - đã chia sẻ với Tuổi Trẻ những thách thức của thị trường BĐS Việt Nam và giải pháp tăng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền.
Thực tế hoạt động đầu tư xuyên biên giới thời gian qua đã giảm đi khá nhiều. Khi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp thường ưu tiên đầu tư ở các thị trường chính. Nhưng tôi nghĩ rằng còn cơ hội đến khi tình hình tài chính và tài khóa toàn cầu minh bạch hơn. Dự kiến tỉ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm trong thời gian tới.
Thị trường BĐS Việt Nam đang tồn tại nghịch lý là có một số lượng lớn các sản phẩm không phù hợp. Thị trường đang có quá nhiều các sản phẩm hạng A và hạng B trong khi các sản phẩm hạng C với mức giá phù hợp với đại đa số người dân lại khan hiếm.
Thời gian qua, các nhà phát triển BĐS nước ngoài thường tập trung phát triển sản phẩm cao cấp hơn để phù hợp với thương hiệu của mình khi đầu tư vào Việt Nam. Thực tế điều này cũng xảy ra ở nhiều thành phố trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những lợi thế khi có dân số trẻ dồi dào và triển vọng mạnh mẽ về gia tăng thu nhập.
Việc thiếu nhà ở vừa túi tiền không phải là vấn đề chỉ xảy ra riêng ở Việt Nam mà là bài toán nhức nhối của rất nhiều quốc gia. Tuy nhiên, có nhiều thị trường đã đưa ra được một số giải pháp ấn tượng mà chúng ta có thể học hỏi.
Ví dụ Singapore đã thực sự đầu tư vào nhà ở giá cả phải chăng trên quy mô rộng. Hiện 90% dân số quốc gia này sống trong các căn hộ HDB do chính phủ sở hữu và quản lý với những chính sách ưu đãi đặc biệt cho người mua nhà lần đầu. Điều này đảm bảo rằng công dân có thể mua được nhà.
Tương tự, ở Anh, nhà ở là một thách thức rất lớn nhưng chính phủ đã phát triển các loại hình nhà ở giá cả phải chăng khác nhau, trong đó có nhà ở xã hội. Để thu hút đầu tư vào phân khúc này, các chính phủ tung các chính sách hỗ trợ lớn như giảm thuế, ưu đãi đầu tư, mức lãi suất thấp cho người mua nhà...
Thực tế Việt Nam đã có một nền tảng chính sách khá tốt về nhà ở xã hội. Điều khó khăn chỉ là khâu thực thi và phát triển các dự án. Trước đây, các chủ đầu tư có thể đạt lợi nhuận cao hơn ở các phân khúc khác, do đó họ không muốn đầu tư vốn vào nhà ở xã hội với mức lợi nhuận thấp.
Tuy nhiên, các nhà phát triển địa ốc vẫn có những cơ hội lớn ở phân khúc nhà ở hạng C hay nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp lớn. Nếu Chính phủ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các chính sách khuyến khích như hiện nay, vấn đề nhà ở vừa túi tiền hay bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ được cải thiện trong tương lai gần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận