25/03/2014 10:20 GMT+7

Giám đốc ngân hàng lớn nhất Nga cảnh báo nguy cơ suy thoái

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Tổng giám đốc Sberbank German Gref ngày 24-3 khẳng định “tình hình hiện tại đã có tác động tiêu cực lên Nga”. “Thật không may là nguy cơ suy thoái tồn tại nếu nhà đầu tư nước ngoài rút vốn 100 tỉ USD khỏi Nga” - ông Gref cho biết.

Gy5q5BWK.jpgPhóng to
Người Crimea xếp hàng xin hộ chiếu Nga ở Sevastopol. Sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây vì khủng hoảng Crimea có thể đẩy Nga vào suy thoái - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Reuters, sau khi Matxcơva đưa quân vào Crimea và các nước phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi Nga. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính dòng vốn tuồn khỏi Nga có thể lên tới 130 tỉ USD trong năm nay, cao gấp đôi năm 2013.

Mới đây, Thứ trưởng Kinh tế Nga Andrei Klepach cũng xác nhận dòng vốn rút khỏi Nga từ tháng 1 đến tháng 3 đã lên tới 65-70 tỉ USD. Thị trường chứng khoán Nga đã sụt giảm 21% kể từ đầu năm, trong khi đó đồng tiền rouble giảm giá tới 10%.

Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước Nga VTB Capital, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng âm trong vòng hai quý tới. “Đứng trước tình hình bất ổn, các công ty đang hoãn đầu tư và tuyển dụng, các hộ gia đình hạn chế chi tiêu” - báo cáo của Ngân hàng VTB Capital cho biết.

VTB Capital dự báo tăng trưởng Nga cả năm nay sẽ là 0%. Và nền kinh tế lớn thứ chín thế giới có thể suy thoái nghiêm trọng hơn nếu phương Tây tiếp tục tăng cường trừng phạt. Tuần trước, Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s đã hạ triển vọng tín dụng Nga từ ổn định xuống tiêu cực do “nguy cơ địa chính trị gia tăng”.

Phương Tây cũng cho biết sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt lên ngành công nghiệp năng lượng, ngân hàng, tài chính và vũ khí Nga trừ khi Matxcơva thay đổi chính sách Crimea.

Phản ứng lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ chờ 1 hoặc 1,5 năm để xác định xem Matxcơva sẽ tồn tại mà không có cơ chế G-8 như thế nào.

Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang thảo luận biện pháp giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Châu Âu mua khoảng 30% nhu cầu khí đốt từ Nga. Theo VOA, Liên minh châu Âu (EU) muốn Mỹ xuất khẩu khí đốt đá phiến và khí đốt tự nhiên qua Đại Tây Dương tới châu Âu.

Trước đó Nga đã công bố các biện pháp cấm vận trả đũa Mỹ và châu Âu. Sau đó, Canada cũng cấm vận kinh tế và thị thực 45 quan chức Nga và Ukraine chế độ cũ. Theo Interfax, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa áp lệnh cấm thị thực đối với 13 quan chức Canada để trả đũa.

Nga trả đũa các biện pháp trừng phạt của Canada

Nga sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt trả đũa đối với 13 quan chức cấp cao, nghị sĩ và nhà hoạt động xã hội Canada. Đó là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Aleksander Lukashenko ngày 24-3.

Ông Lukashenko cho biết các biện pháp trên là để đáp trả lại hành động của phía Canada khi họ áp dụng trừng phạt đối với các quan chức và nghị sĩ Nga liên quan đến tình hình tại Ukraine và bán đảo Crimea.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định hành động đó đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương, thể hiện thái độ ủng hộ chính quyền hiện nay tại Kiev mà Nga gọi là không hợp pháp, phản đối ý nguyện của đại đa số người dân Crimea (muốn sáp nhập vào LB Nga).

Trong số 13 quan chức Canada nằm trong lệnh trừng phạt trả đũa của Nga có Chủ tịch Hạ viện Andrew Sheer, các cố vấn của Thủ tướng Stephen Harper là Christine Hogan, Wayne Wouters...

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên