Trung tướng Lê Đông Phong phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phản ảnh tình trạng tín dụng đen hoành hành, nhiều vụ đòi nợ, tạt chất bẩn khiến tình hình an ninh trật tự khu dân cư bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Nhiều con nợ lo sợ không dám tố giác, phía công an có khi cho đó là tranh chấp dân sự nên không can thiệp. Vậy Công an TP có giải pháp gì để giải quyết hay không?", bà Trâm hỏi.
Trao đổi lại, giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong cho biết năm 2019, lực lượng công an đã xác định được 51 nhóm với 178 đối tượng có dấu hiệu thực hiện hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật. Công an TP cũng khởi tố được 9 vụ, 34 đối tượng, xử lý chung 38 nhóm và 168 đối tượng.
Theo ông Phong, hành vi cho vay, đòi nợ thuê được xác định là trái pháp luật nhưng quy định về xử lý vẫn còn nhiều khó khăn trong việc chứng minh yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố.
Về hành vi tạt chất bẩn, đe dọa năm 2019 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Công an TP đã xác định trách nhiệm, chỉ đạo các lực lượng chủ động phát hiện ngay từ đầu, tránh xảy ra tình trạng xâm phạm trật tự công cộng.
Quảng cáo cho vay trả góp, vay tín chấp là hình thức lôi kéo người nghèo vay với lãi suất cao - Ảnh: TỰ TRUNG
"Chúng tôi đã kiến nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ không chấp nhận loại hình đòi nợ thuê. Hành vi này dù hỗ trợ cho việc giao dịch nhưng lại có việc khủng bố tinh thần con nợ, gây mất an ninh trật tự. Loại hình đòi nợ thuê còn ẩn chứa nhiều đối tượng xấu", ông Phong nêu quan điểm.
Theo ông Phong, các cơ quan chức năng cần nắm bắt và ngăn chặn ngay từ đầu những hành vi đòi nợ thuê, ngay cả hình thức cho vay nặng lãi.
Bên cạnh việc tiếp cận những người có nhu cầu vay để tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vay hỗ trợ, cũng phải giáo dục cảnh báo để họ không tiếp cận với những nguồn vay trái quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận