Thanh thiếu niên lập thành nhóm 80 người đi lang thang trong đêm
Ngày 13-12, nghị trường HĐND thành phố Đà Nẵng tiếp tục nóng lên với phiên chất vấn về tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho xã hội.
Nổi lên là việc thanh thiếu niên dùng hung khí đánh nhau, chạy xe rượt đuổi trên đường phố.
Đặt vấn đề về việc quản lý nhóm đối tượng này, đại biểu Trần Tuấn Lợi cho rằng có tình trạng thanh thiếu tập trung thành nhóm lang thang từ quận này qua quận khác từ đêm đến rạng sáng.
Thậm chí có nhóm tụ tập từ 60-80 em đi gây rối trật tự, gây bất an cho người qua đường. Thế nhưng nhiều lực lượng tuần tra, kiểm soát không phát hiện, ngăn chặn được mà phải đến khi có báo cáo của các cơ quan mới xử lý được.
"Phải có giải pháp với các nhóm thanh thiếu niên dùng xe phân khối lớn mang vũ khí đi lang thang gặp ai không thích thì đánh xảy ra vừa qua tại thành phố" - ông Lợi đặt vấn đề.
Nhiều đại biểu nhìn nhận tổng số vụ vi phạm pháp luật có đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đã tăng báo động khiến cử tri lo lắng, đòi hỏi phải đánh giá lại các giải pháp quản lý được đưa ra trong thời gian qua.
Có đại biểu đề nghị phải chỉ rõ các nguyên nhân và giải pháp nhằm quản lý, cảm hóa thanh thiếu niên hư. Từ đó kiềm chế, kéo giảm việc thanh thiếu niên phạm tội và vi phạm pháp luật.
Trả lời chất vấn, thiếu tướng Vũ Xuân Viên, giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, đã dành nhiều thời gian điểm qua tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thời gian vừa qua. Ông nhìn nhận đây là vấn đề mà cả xã hội quan tâm, trăn trở.
Ông cho biết trong số các vụ việc thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng ở Đà Nẵng, hơn 30% vụ do các đối tượng ngoài thành phố gây ra.
"Toàn thành phố chúng tôi xác định được 771 em thanh thiếu niên 'hư'. Chúng tôi chỉ đạo quản lý hồ sơ, tiếp cận, cảm hóa nhưng các em vẫn hư. Thậm chí đã xử lý một số cán bộ công an chịu trách nhiệm quản lý các em này" - ông Viên nói rõ quyết tâm.
Suốt 2 năm trời không thể xử lý, phải chờ đủ 14 tuổi
Theo ông Viên, trong số thanh thiếu niên vi phạm pháp luật chỉ có số ít là đang đi học, còn lại số đông bỏ học.
Đây là vấn đề rất đáng lo vì hiện nay nhóm đối tượng này dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mạng xã hội, phim ảnh, các trò chơi. Hơn nữa tâm lý đặc điểm của lứa tuổi này rất "bốc đồng" nhưng thiếu sự quản lý kèm cặp của gia đình sẽ rất dễ kết thân thành nhóm với các đối tượng hư.
Ông Viên chia sẻ một trường hợp điển hình trẻ dưới 14 tuổi đã gây ra 32 vụ trộm trong vòng 2 năm mà không thể xử lý được, vừa qua mới đưa đi trường giáo dưỡng khi em vừa tròn 14 tuổi.
"Trường hợp này công an thành phố vất vả trong vòng 2 năm. Công an khuyên bảo, công an phường mua xe đạp cho đi học rồi động viên nhưng rồi cũng bỏ học. Công an lo cho chỗ để em phụ giúp việc trong một nhà hàng để khỏi đi quậy nhưng rồi cũng bỏ. Năm 12 - 14 tuổi em chủ yếu ở khách sạn, gây ra tới 32 vụ việc.
Bố mẹ em ly dị rồi lập gia đình khác, để em ở với bà ngoại. Bà thì già yếu không quản lý được, hoàn cảnh lại khó khăn nên gần như bỏ mặc. Mà trường hợp như em này rất nhiều" - ông Viên nói về một trường hợp điển hình.
Theo ông Viên, thời gian vừa qua công an khởi tố 48 vụ việc với hơn 440 đối tượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Thậm chí nhiều em mới từ 14-18 tuổi đã bỏ học, có tiền án, tiền sự.
Kỷ luật cả công an không quản chặt thiếu niên hư
Ông Viên nhìn nhận vẫn có một số trường hợp tắc trách trong quản lý các đối tượng thanh thiếu niên hư nên vừa qua công an thành phố đã xử lý kỷ luật.
Nói về nguyên nhân, giải pháp, ông Viên cho biết công an thành phố đã dùng hết tất cả các biện pháp. Trong đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức tôn giáo để chăm lo tác động. Tuy nhiên vẫn có nhiều bộ phận bà con do điều kiện kinh tế khó khăn, tập trung lo làm ăn mà ít chăm lo con cái.
"Nếu nói về giải pháp thì có giải pháp gì công an thành phố đã nghĩ hết rồi, không còn sáng kiến gì nữa" - ông Viên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận