Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (ngoài cùng, bên phải) - trao đổi với thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (giữa) - Ảnh: TTD
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 28-1, ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - nói: "Đến nay, sau 6 ngày cách ly điều trị và sau 3 lần phối hợp với Viện Pasteur xét nghiệm, có thể khẳng định người con Li Zichao (28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) đã hoàn toàn khỏi bệnh. Tuy nhiên, do con virus này còn mới nên bệnh viện vẫn đang theo dõi thêm để chắc chắn nhất".
Người con khỏi bệnh
* Còn người cha, ông Li Ding, như thế nào, thưa ông?
- Người cha qua các kết quả xét nghiệm hiện vẫn còn dương tính với virus corona nên chúng tôi tiếp tục cách ly đặc biệt để theo dõi, điều trị theo quy định của Bộ Y tế.
* Là bệnh viện tiếp nhận hai ca dương tính với virus corona đầu tiên của Việt Nam, ông có thể nói thêm về sự chuẩn bị của bệnh viện lúc đó?
- Từ ngày 12-12-2019, khi dịch bệnh được phát hiện, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo khẩn cấp rất kịp thời, quyết liệt cho các bệnh viện. Dựa vào các chỉ đạo này, chúng tôi thành lập những đội phản ứng nhanh trong bệnh viện.
Mặt khác, dựa vào các kinh nghiệm các đợt trước chống các dịch SARS, H5N1…, chúng tôi nhanh chóng khởi động lại một cách kỹ lưỡng ở tất cả các khâu như tập dượt, trang thiết bị, phòng cách ly, ban hành văn bản yêu cầu các khâu trong bệnh việc nâng cao tinh thần cảnh giác cao độ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (đứng giữa) trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy trong chuyến thị sát chiều 30 tết - Ảnh: TTD
* Nói như vậy có nghĩa là khi tiếp nhận bệnh, bệnh viện hoàn toàn chủ động?
- Đúng thế. Nhờ sự chuẩn bị này, khi hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc này nhập viện, chúng tôi hoàn toàn chủ động. Tuy nhiên, chúng tôi gặp một số điều khó khăn đó là thời điểm nhập viện người cha bị rất nhiều bệnh nền như huyết áp, đái tháo đường, ung thư phổi đã mổ, lớn tuổi nên tổng trạng rất kém.
Còn đối với người con lúc ấy chỉ nghĩ là đưa cha mình đi khám chứ không nghĩ bản thân mình bị bệnh. Do đó, các bác sĩ phải điều tra và cuối cùng "lòi" ra người con trước đó có sốt nhưng mua thuốc hạ sốt để uống.
Lúc chúng tôi cách ly, người con không đồng ý và phải mất một thời gian để phân tích cuối cùng người này mới chịu. Tôi nhận định nếu không có sự cảnh giác cao độ, cách ly từ đầu thì người con đã có thể gieo rắc rất nhiều nguy cơ ngoài cộng đồng. Theo tôi, đó là một thành công rất lớn trong quá trình phòng, chống dịch.
Có 20-30 trường hợp du khách đến khám
* Sau hai trường hợp được thông tin dương tính với virus corona, có khá nhiều thông tin chưa chuẩn lan truyền trên mạng các về cách phòng ngừa và số ca mắc gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân…
- Đúng thế. Khoa cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy mấy hôm nay khá "đuối" bởi nhiều du khách "kéo" vào bệnh viện thăm khám, điều trị. Dù chưa có con số cụ thể nhưng theo tôi ước chừng khoảng 20-30 du khách nước ngoài chủ động đến bệnh viện khám. Tuy nhiên, các bệnh nhân này sau quá trình kiểm tra đều loại trừ nhiễm virus corona.
Cao điểm chống virus corona, khu cách ly của Bệnh viện Chợ Rẫy lúc nào cũng hai lớp để tránh lây lan dịch bệnh - Ảnh: TTD
* Để ngăn chặn tình trạng nhiễm chéo giữa bệnh nhân dương tính thực sự và bệnh nhân chỉ cảm sốt thông thường, bệnh viện có giải pháp nào không, thưa ông?
- Sắp tới (tức mùng 6 tết) khi phòng khám hoạt động lại, chúng tôi có phương án tách luồng ra cụ thể đối với bệnh nhân có sốt xuất phát từ vùng dịch tễ và các bệnh nhân thông thường.
Bởi nếu không phân luồng như thế thì với các bệnh nhân thăm khám định kỳ hàng tháng có các bệnh lý tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… vô tình lẫn lộn với các bệnh nhân từ vùng dịch tễ sẽ tạo ra vùng lây nhiễm cực lớn.
* Trực chiến với virus corona như vậy, chắc hẳn ông và đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện không còn biết không khí tết gì cả…
- Nói thật, tôi với các anh em ở khoa cấp cứu, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa bệnh nhiệt đới, phòng kế hoạch tổng hợp… trực chiến xuyên tết bởi virus corona. Tất cả các chương trình tết đều hủy hết. Và không chỉ bệnh viện, trước tình hình khẩn cấp như vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng phải vào bệnh viện cách nhau hai ngày liên tục để kiểm tra tình hình dịch bệnh.
Người vợ nằm theo dõi ở Bệnh viện Q.11
* Nhiều người quan tâm về tình trạng của người vợ đi cùng chồng và con bị dương tính với virus corona, thưa ông?
- Khi thông tin được đăng tải trên truyền thông, thông qua người con chúng tôi nắm được việc không có khách sạn nào đồng ý cho người mẹ/vợ của hai bệnh nhân này lưu trú. Nắm được tình hình này, chúng tôi có làm việc với Sở Y tế TP.HCM và Trung tâm Phòng chống bệnh tật TP, cuối cùng thống nhất đưa người vợ/mẹ vào theo dõi, chăm sóc tại Bệnh viện Q.11.
Đến thời điểm hiện tại, người này chưa có biểu hiện của việc nhiễm virus corona. Về y khoa có thể là tiếp xúc nhưng tùy thuộc vào thể trạng, đề kháng mỗi người nhiễm hoặc không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận