Đại biểu Nguyễn Trí Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - phát biểu - Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Theo ông Thức, kể từ khi có những thông tin về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, đến nay đã hơn tám tháng vẫn chưa có chính sách nào để cải thiện tình hình, dù Chính phủ, các bộ ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ lắng nghe cán bộ y tế, nhưng các bệnh viện vẫn phải loay hoay chuyện mua trang thiết bị, vật tư, thuốc men.
Dẫn chứng ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy có thực trạng là máy móc cao cấp ở các bệnh viện hư hỏng nhưng rất khó sửa chữa, rất bế tắc. Ví dụ khi sử dụng các máy cao cấp như máy để xạ trị, cắt lớp (CT)… đều do các hãng độc quyền cung cấp nên khi có một bộ phận hư hỏng phải mua của chính hãng đó.
Một máy CT hư bóng đèn, nếu muốn thay phải ghi rõ mua bóng đèn của hãng cụ thể. Nhưng làm vậy có nguy cơ vi phạm do chỉ định thầu, thông thầu nên không thể thay, trong khi anh em bệnh viện như ngồi trên lửa vì máy hỏng mà không biết làm sao để mua thiết bị thay được.
"Theo quy định, khi đấu thầu phải tham khảo ba gói giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền thì lấy đâu ra gói giá khác để tham khảo? Khi máy móc cao cấp ở bệnh viện công hỏng khó sửa chữa thì bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, sẽ chịu thiệt thòi, không đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh", ông Thức trăn trở.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị trong giai đoạn vô cùng cấp bách này, Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải quyết tức thì vấn đề của ngành y tế trong thời gian chờ sửa đổi luật khác.
Cùng chung ý kiến, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) mong muốn tân bộ trưởng Bộ Y tế sớm giải quyết dứt điểm thực trạng bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị y tế... khiến bệnh nhân đau đớn, phải tự đi mua.
Nữ đại biểu cho biết trong khi hệ thống y tế đang có vấn đề rất nghiêm trọng, tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế nhưng chưa có giải pháp cụ thể từ cơ quan quản lý.
Theo bà, ngành y tế có 3 chân kiềng là y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng dược, trang thiết bị vật tư y tế. Trước chỉ có y tế cơ sở yếu, hiện nay cả 3 chân kiềng này đều yếu. Bà đề nghị phải phân tích rõ thực trạng để bộ trưởng mới thấy đang tiếp nhận gia tài thế nào và có giải pháp xử lý.
"Nói y tế không phục vụ công lập thì ra bệnh viện tư, nhưng tư là phục vụ người có tiền, còn bệnh viện công phục vụ đại đa số người dân. Bác sĩ giỏi mà ra khỏi bệnh viện công thì người dân thiệt thòi", bà Lan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận