27/09/2015 08:36 GMT+7

Chi tiền để được xác định thương tật

TRUNG TÂN - HÀ BÌNH (trungtan@tuoitre.com.vn) (habinh@tuoitre.com.vn)
TRUNG TÂN - HÀ BÌNH ([email protected]) ([email protected])

TT - Người đi giám định y khoa về hưu trước tuổi phải "bồi dưỡng" 500.000 - 
1 triệu đồng cho bác sĩ để được xác định thương tật.

Ông H. chi tiền cho một bác sĩ tại khoa tim mạch để nhờ nhận xét bệnh tình - Ảnh chụp từ clip
Ông H. chi tiền cho một bác sĩ tại khoa tim mạch để nhờ nhận xét bệnh tình - Ảnh chụp từ clip

Đó là ghi nhận của Tuổi Trẻ trong những ngày theo chân một số người dân đi giám định y khoa tại Trung tâm Giám định y khoa tỉnh Đắk Lắk.

“500.000 - 1 triệu đồng mỗi phòng là được”

Sáng 23-9, lầu 3 khu khám đa khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk có hơn 50 người (cả người cần giám định lẫn người nhà) chờ nộp giấy mời giám định sức khỏe.

Tại phòng lớn, một hội đồng gồm nhiều bác sĩ ngồi quanh một chiếc bàn rộng, đọc tên từng người vào để đo cân nặng, chiều cao, vòng ngực và phỏng vấn: “Ông/bà bị bệnh gì, mất sức ra sao?...”.

Sau khi ông A. (50 tuổi) cho biết mình bị thương ở chân, viêm xoang nặng, mắt mờ, lãng tai... một bác sĩ đưa cho ông này bốn phiếu yêu cầu giám định gồm: tai mũi họng, khám mắt, khoa chẩn đoán hình ảnh - X-quang (gồm chụp xương chân và đầu) và siêu âm tổng quát.

Tại phòng siêu âm, ông A. được bác sĩ phê vào phần nhận xét “không thấy dấu hiệu tổn thương”. Tại khu chụp X-quang, một điều dưỡng đang đưa “người nhà” đi giám định liên tục ra vào khu rọi phim, phòng bác sĩ.

Một người hỏi điều dưỡng này khi vào phòng các bác sĩ nhận xét thì nên thế nào, có phải “bồi dưỡng” không, bà này nói: “Đưa bao nhiêu thì tùy nhưng khoảng 500.000 - 1 triệu đồng mỗi phòng là được”.

Đến lượt mình vào phòng nhận xét, sợ lại bị phê “bình thường”, ông A. chuẩn bị 1 triệu đồng bỏ sẵn trong túi áo.

Vừa vào gặp bác sĩ T., ông A. nói nhờ bác sĩ giúp rồi bỏ tiền vào túi áo blouse cho vị này.

Ông A. nói: “Em bị gãy chân ba lần, chân phải teo hơn chân trái và đi cà nhắc hơn 20 năm nay, nhờ bác sĩ phê đúng giúp”. Bác sĩ đưa tấm phim chụp chân của ông A. ra phía ánh sáng nhìn nhìn rồi nói “nhất trí”.

Người đi giám định thương tật chi tiền cho bác sĩ - Ảnh: Trung Tân

Đưa tiền để bác sĩ nói “có bệnh”

Trước hôm giám định, vợ chồng ông A. đã liên hệ với bà Nguyệt (làm tại Trung tâm Giám định y khoa tỉnh Đắk Lắk) nhờ chỉ dẫn.

Theo ông A., bà Nguyệt hướng dẫn đến các phòng phải đưa tiền trước, xong thì đưa hồ sơ về nhà bà trước rồi mới mang qua hội đồng.

Sau khi qua bốn phòng giám định sức khỏe, ông A. mang toàn bộ hồ sơ đến nhà bà Nguyệt để nhờ xem xét. Tại đây, ông A. sợ không đủ phần trăm thương tật sẽ phải chờ thêm sáu tháng đến 1 năm nữa mới được giám định lại. “Trăm sự nhờ chị giúp cho” - ông A. nói.

Bà Nguyệt cầm các phiếu nhận xét của bác sĩ, sau đó ghi phần trăm theo barem xem ông H. đã đủ 61% chưa. “Chỗ siêu âm tổng quát mà nó phê cho 10% nữa thì ổn rồi” - bà Nguyệt nói.

Sau đó, bà Nguyệt gọi điện thoại cho bác sĩ nào đó nói ông A. là người quen của mình, chiều sẽ đưa hồ sơ lên nhờ xem giúp, nếu thiếu (%) thì cho ông A. đi giám định thêm một phòng nào đó nữa cho đủ.

Chiều 23-9, sau khi cộng phần trăm thương tật trên các phiếu nhận xét, một bác sĩ cho ông A. thêm hai phiếu giám định nữa để đi đo điện tim và đến khoa tim mạch nhờ nhận xét. Sau khi đo điện tim, ông A. đến gặp bác sĩ H..

Cũng như các phòng trước, ông A. để sẵn trong túi áo tờ 500.000 đồng. Vừa gặp bác sĩ, ông A. nhanh tay đưa tờ phiếu đo điện tim cùng 500.000 đồng cho bác sĩ H..

Ông A. được phê cao huyết áp độ 1. “Chắc được thêm hơn 10% rồi đó” - bác sĩ H. trả lời khi ông A. hỏi: “Em được bao nhiêu (%)?”.

Chiều 24-9, ông A. được hội đồng giám định xác nhận tỉ lệ mất sức đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, cứ về nhà chờ. Nhiều người đi giám định ra khỏi phòng với gương mặt tươi rói vì bác sĩ nhận xét mình có bệnh, mất sức trên 61%, được “nghỉ hưu non”.

Cuối giờ chiều 24-9, không như hẹn ban đầu, bà Nguyệt gọi ông A. đến đưa tiền. Tại đây, ông A. hết lời cảm ơn bà Nguyệt đã quan tâm giúp đỡ và hỏi giá tiền phải trả.

Bà Nguyệt nói “càng nhiều càng tốt” nhưng khi ông A. đưa 2 triệu đồng, bà chỉ lấy 1,5 triệu đồng “để chi cho bác sĩ”. “Do anh có ông D. giới thiệu nên tôi giúp và chỉ lấy chừng này. Chứ có người phải mất 6 - 8 triệu đồng để chạy, đó là chưa kể chi tiền cho các phòng” - bà Nguyệt kể công.

“Xong việc người ta cho thì nhận thôi”

Chiều 25-9, tại buổi làm việc với Tuổi Trẻ xoay quanh câu chuyện trên, ông Lê Văn Tiến - giám đốc Trung tâm Giám định y khoa Đắk Lắk - cho biết công việc của trung tâm chủ yếu là giám định cho các đối tượng nghỉ hưu, phơi nhiễm chất độc hóa học...

Cán bộ ở trung tâm có nhiệm vụ khám, cho giấy chuyên khoa để người giám định đến các chuyên khoa khám.

“Tùy theo kết quả giám định viên chuyên khoa trả lời, bác sĩ ở trung tâm sẽ tổng hợp lại, đánh giá tỉ lệ tổn thương của cơ thể, hội ý xong ra trình bày với hội đồng. Hội đồng sẽ quyết định trường hợp nào được hay không được” - ông Tiến nói.

Về việc phải chi tiền trong giám định, ông Tiến nói không nắm rõ những việc như thế và giải thích: “Bà con đến giám định, trung tâm chỉ tổng hợp lại gửi xuống chuyên khoa chứ chúng tôi không khám được. Cần khám mắt chúng tôi gửi xuống giám định viên mắt, cần chụp X-quang chúng tôi gửi xuống giám định viên X-quang... Trong quá trình giám định đó có nhờ vả gì không chúng tôi cũng không rõ” - ông Tiến nói thêm.

Có mặt tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nguyệt - điều dưỡng kiêm thủ quỹ Trung tâm Giám định y khoa Đắk Lắk, người hướng dẫn và thu tiền của ông A. - giải thích: “Tôi làm ở đây 30 năm rồi. Cũng có người quen hỏi giám định, tôi tư vấn cho họ thôi. Chứ đứng ra làm đường dây “cò” cho họ thì không có đâu”.

Tuy nhiên, bà Nguyệt cho biết: “Khi mà làm xong người ta cũng... cũng có cho mình một tí vậy đó. Xong việc người ta cũng gửi gắm cho mình tí thôi chứ không “cò” hay giới thiệu gì hết. 1,5 - 2 triệu đồng đó người ta cho thôi chứ tôi không đòi đâu. Khi xong việc họ cho thì nhận thôi…”.

Nên bỏ giám định cho người nghỉ hưu sớm?

Ông Lê Văn Tiến cũng cho biết những người đến giám định y khoa để nghỉ hưu có tỉ lệ “đậu” trên 97%. “Mỗi lần giám định như thế bà con đi rất tốn kém, ở huyện lên phải ăn ở lại trên phố tội bà con. Tôi nghĩ nên bỏ giám định nghỉ hưu đi.

Từ công việc thực tế tôi thấy không cần thiết phải giám định. Một việc làm mà đạt đến 97 - 98% thì không nên làm nữa” - ông Tiến đề xuất.

Không chi tiền sẽ không đủ phần trăm thương tật

“Tôi thấy người đi giám định đều phải chi tiền hết. Không chi sẽ không đủ phần trăm để về hưu dù có bệnh thật, là quyền lợi chính đáng của mình. Vợ tôi trước đây đi giám định cũng phải bỏ tiền cho giám định viên, bác sĩ thì mới được xét duyệt.

Bà ấy bị đau thận nặng hàng chục năm, có hồ sơ, bệnh án hẳn hoi nhưng khi đi khám, không chi nên bác sĩ nói có bệnh gì đâu. Vậy là từ các phòng tiếp theo đều phải chi tiền cho bác sĩ mới xong” - ông A., người đi giám định thương tật, nói.

TRUNG TÂN - HÀ BÌNH ([email protected]) ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên