Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến về vấn đề tinh gọn bộ máy, bắt đầu từ cấp trung ương.
* Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):
Phải nhìn nhận lợi ích chung của sáp nhập
Vừa qua việc sắp xếp, sáp nhập từ cấp xã, huyện, tổng cục ở các bộ đã thu được nhiều kết quả tốt, quan trọng. Hiện nay, theo kết luận của Trung ương, như tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu, là tiếp tục tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy và thực hiện từ trên xuống.
Nay là thời điểm chín muồi và xu thế của thời đại chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu bắt buộc phải làm.
Đồng thời phải làm mạnh mẽ, quyết liệt, thành cú hích và cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, tổ chức. Làm được càng sớm thì càng có lợi cho dân, cho nước.
Đã gọi là cách mạng thì cuộc cách mạng nào cũng có hy sinh và chắc chắn cũng sẽ có lo lắng. Nhưng phải nhìn nhận được lợi ích chung của việc sáp nhập này sẽ mang lại những lợi ích tốt đẹp.
Quan trọng hơn cần nhìn nhận việc tinh gọn này chính là phải sắp xếp, lựa chọn con người, như Tổng Bí thư đã nêu ra là gọn nhưng phải tinh và mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả.
Để làm được vậy thì phải lựa chọn được đúng cán bộ có tâm, có tầm, có tài và đáp ứng được yêu cầu của công việc trong tình hình mới. Khi lựa chọn đúng được người thì sự hy sinh của những người khác mới xứng đáng và họ mới đồng thuận thực hiện.
Cần có các cơ chế, chính sách để khuyến khích cán bộ thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn này. Đồng thời cũng phải có các biện pháp để những người không đủ năng lực, không xứng đáng phải tự nguyện đứng sang một bên.
* Ông NGUYỄN TÚC (ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):
Giảm bộ sẽ giảm sở, ngành ở địa phương
Cá nhân tôi hoàn toàn nhất trí với phương án nghiên cứu về sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội… Theo đó sẽ giảm được ít nhất 5 bộ và 2 cơ quan thuộc Chính phủ.
Việc này sẽ giúp bớt được đầu mối, bớt được điểm nghẽn mà chúng ta thấy là một việc nhưng 2-3 bộ, thậm chí 4 bộ, tham gia giải quyết. Nhưng đến lúc có vấn đề xảy ra thì không rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm.
Với việc tinh gọn này, một bộ phải giải quyết nhiều việc nhưng một việc phải có một đầu mối chịu trách nhiệm đến cùng.
Như vậy sẽ giúp bớt được câu chuyện "hành là chính" và người dân, doanh nghiệp sẽ hạn chế cảnh một việc phải qua 3-4 cửa.
Kèm theo phương án giảm bộ, ngành khi được thực hiện ở trung ương thì đồng thời ở các địa phương sẽ giảm các sở, ngành liên quan. Tôi cho rằng các địa phương cần tiếp tục có nghiên cứu, đánh giá để có thể tinh gọn và giảm hơn nữa các đầu mối, bộ máy.
Muốn thực hiện được cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy cần có quyết tâm chính trị rất cao, sự nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu. Chủ trương đúng nhưng không có quyết tâm, không có biện pháp thì thực hiện sẽ khó khăn.
Ở thời điểm này, khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy, từng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải quyết tâm và nêu gương. Nên xem xét lấy tiêu chí về việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy là một trong các tiêu chí để đánh giá, xem xét lựa chọn cán bộ trong nhiệm kỳ tới.
Đi kèm với việc cương quyết cũng cần có các chế độ chính sách phù hợp, đảm bảo thỏa đáng, động viên với cán bộ dôi dư. Việc này sẽ giúp hạn chế các suy nghĩ tiêu cực, có thể gây cản trở thực hiện chủ trương lớn.
Bạn có hiến kế, đề xuất giải pháp nào về việc tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến địa phương? Hãy gửi ý kiến của bạn về Tuổi Trẻ qua email [email protected]. Tòa soạn sẽ chọn lọc đăng tải đề xuất của bạn để bạn đọc và cơ quan chức năng tham khảo.
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận