Dù cùng sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhưng nhiều doanh nghiệp tư nhân không nhận được nhiều hỗ trợ như khu vực FDI. Trong ảnh: sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại một doanh nghiệp VN Ảnh: Thanh Hương |
Tại sao cần có một nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân ở thời điểm này? Ngày 12-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Xuân Hòa - vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo các nghị quyết chuyên đề về kinh tế của Hội nghị trung ương 5 - nói:
- 15 năm qua vẫn chưa có thêm nghị quyết nào về phát triển kinh tế tư nhân. 15 năm qua, phần lớn doanh nghiệp (DN) tư nhân vẫn phải tự bươn chải, tự “bơi” nên nảy sinh nhiều bất cập. Chính vì vậy, lần này chúng ta có nhiệm vụ đánh giá đúng thực trạng, vị trí và vị thế của kinh tế tư nhân.
Ba rào cản
* Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân từng bước phát triển nhưng vẫn chưa là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế, vì sao, thưa ông?
- Từ quá trình tổng kết thực tiễn, chúng tôi thấy có ba điểm hạn chế lớn nhất cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Thứ nhất là rào cản về môi trường chính sách. Còn nhiều định kiến về kinh tế tư nhân, nhất là ở cấp cơ sở, chính quyền địa phương. Vai trò của kinh tế tư nhân chưa được công nhận như nghị quyết.
Thứ hai, xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn thấp.
Ngoài ra, bản thân sự phát triển kinh tế tư nhân đang rơi vào tình trạng mất cân đối. Chỉ có 1% DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn hiện nay chủ yếu phát triển từ khai thác tài nguyên và đầu tư bất động sản.
Thực tế, số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn hiện rất khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 2% số DN tư nhân. Còn hơn 97% là DN vừa và nhỏ, hộ cá thể với năng lực tài chính yếu.
Có điều bất cập là trong khi cả khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 39-40% GDP thì riêng kinh tế hộ cá thể đã chiếm 31,33%.
Những DN lớn tuy góp tỉ trọng GDP nhỏ, nhưng lại hưởng thụ nhiều lợi thế về cơ chế vì có thương hiệu và mối quan hệ thân hữu.
Đó cũng là nguyên nhân dễ nảy sinh những vi phạm pháp luật, hình thành lợi ích nhóm - mà như lời của Tổng bí thư là tạo ra các thế lực “thao túng chính sách”.
Thứ ba, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các hiệp hội, Mặt trận Tổ quốc còn nhiều hạn chế. Tất cả các nguyên nhân này cho thấy thực tế kinh tế tư nhân chưa thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế như Đại hội XII đã xác định.
* Vậy nghị quyết lần này sẽ tạo đột phá gì cho phát triển kinh tế tư nhân?
- DN tư nhân sẽ được tham gia sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực, chỉ trừ các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế hay nhạy cảm như an ninh quốc phòng... Họ được quyền tự do sản xuất ở những lĩnh vực kinh doanh mà pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, gần đây kinh tế tư nhân phát triển, ngành nào có lợi nhuận cao họ vào nên gây mất cân đối.
Do đó Hội nghị trung ương ban hành 3 nghị quyết: nghị quyết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nghị quyết tiếp tục cơ cấu đổi mới hoạt động của DN nhà nước, nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế.
Ba nghị quyết này quan hệ logic với nhau. Chúng ta đổi mới cải cách DN nhà nước.
Nghị quyết lần này phân tỏ rõ với những hoạt động chính trị, Nhà nước phải đặt hàng và thực hiện theo cơ chế đấu thầu, chứ không phải Nhà nước giao cho DN nhà nước thực hiện, nhập nhằng với hoạt động sản xuất kinh doanh, gây bất bình đẳng. Do đó DN tư nhân sẽ dự thầu nếu thấy có lợi nhuận.
Ông Hoàng Xuân Hòa - Ảnh: L.Thanh
|
Sẽ cho thuê sân bay, cảng biển
* Khi không còn vùng cấm, liệu DN tư nhân có được mua sân bay, cảng biển...?
- Theo dự thảo nghị quyết, Nhà nước không được phép bán những công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu quan trọng, có liên quan đến an ninh quốc phòng nhạy cảm, nghĩa là chỉ cho thuê khai thác thương mại.
* DN FDI - cũng là DN tư nhân - nhưng lại được hưởng hàng loạt cơ chế vượt trội so với DN tư nhân trong nước. Nghị quyết lần này có giải quyết được sự bất bình đẳng này?
- Thực tế có sự không công bằng, bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực DN nhà nước và DN FDI.
Không hiếm trường hợp khi xin giấy cấp phép đầu tư, DN FDI được chủ tịch tỉnh tiếp, nhưng DN tư nhân phải chạy đôn chạy đáo gặp từng anh chuyên viên cấp sở. Tình trạng này gọi là chèn lấn.
Do đó, giải pháp đặt ra là phải thúc đẩy mối liên kết giữa các loại hình DN để giảm sự bất bình đẳng.
Mặt khác, dự thảo nghị quyết nhấn mạnh nội dung khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các DN nhà nước.
Tức là những lĩnh vực mà Nhà nước không cấm thì DN tư nhân tham gia. Việc đa sở hữu nhằm tránh đổ vỡ của các tập đoàn, đồng thời ngăn chặn sự bất bình đẳng.
Với DN FDI, từ xưa đến nay chúng ta chưa có nghị quyết nào riêng. Ban Kinh tế trung ương nhận thấy đây là nhiệm vụ và sẽ đề xuất có nghị quyết với khu vực này.
Đồ họa: T.Đ. |
Mục tiêu 1,5 triệu DN vào 2025 Theo ông Hoàng Xuân Hòa, VN đang xem DN FDI là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên với chính sách ưu đãi về đất đai, thuế..., tiềm năng mà DN FDI đóng góp GDP cũng không thể vượt quá 25%. Trong khi kinh tế nhà nước đóng góp 15% GDP và xu thế giảm. Do đó, tỉ lệ đóng góp còn lại cho GDP phải trông chờ vào khu vực kinh tế tư nhân. Dự thảo nghị quyết tới đây sẽ đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN, năm 2025 đạt 1,5 triệu DN và năm 2030 sẽ có ít nhất 2 triệu DN. |
Giao Bộ Tài chính nghiên cứu thông tin trên Tuổi Trẻ Ngày 12-5, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu bài viết ngày 26-4-2017 trên báo Tuổi Trẻ, trong đó có phát biểu của bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - tại Diễn đàn chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Trong đó bà Cúc có nêu một số vấn đề như “chưa có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ lên”... Bộ Tài chính sau nghiên cứu có nhiệm vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận