Tuy nhiên, vẫn cần khơi thông kênh cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính để giúp người có thu nhập thấp được vay vốn trang trải chi phí sinh hoạt...
Kênh cho vay tiêu dùng đã "co" lại sau nhiều biện pháp siết việc thu hồi nợ. Nhu cầu vay lớn nhưng các công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay vì lo khó thu hồi nợ, nhất là sau khi phong trào "rủ nhau bùng nợ" rộ lên.
Dư nợ cho vay tiêu dùng - kênh tín dụng được mệnh danh là chống tín dụng đen - từ đầu năm đến nay giảm rất mạnh.
Hậu quả là những người có nhu cầu vay thật sự gặp khó, thậm chí nhiều người dân phải tìm đến tín dụng đen để có tiền xoay xở khi việc vay vốn ngân hàng là chuyện bất khả thi.
Do vậy, việc yêu cầu có giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho khách vay phục vụ đời sống tiêu dùng, theo nghị quyết 59 của Chính phủ, được các chuyên gia cho rằng là cần thiết và kịp thời để khơi thông thị trường này, giúp kích cầu tiêu dùng.
Đã nghèo lại càng thêm khó
Tại một tọa đàm về cho vay tiêu dùng được tổ chức gần đây, bà Vũ Thế Vân, chủ tịch công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho hay phần lớn công nhân là dân nhập cư, hơn 70% phải ở trọ.
Sau hai năm dịch COVID-19, công nhân càng khó vì doanh nghiệp giãn đơn hàng, thu hẹp sản xuất.
Lương công nhân chỉ 5,5 - 15 triệu đồng/tháng nhưng phải trả tiền nhà trọ, trả tiền học, tiền nhà trẻ cho con.
Do đó, nhiều công nhân rất cần vay tiêu dùng để trang trải. Tổ chức tài chính vi mô CEP đã đồng hành với 12 chi nhánh tại 17 khu chế xuất - khu công nghiệp cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng ở mức độ nhất định.
Do vậy, các công ty tài chính là một trong những địa chỉ được nhiều công nhân tìm đến khi cần tiền xoay xở trong thời gian ngắn.
Thế nhưng, gần đây nhiều công ty tài chính đã phải siết lại quy trình thẩm định khiến tỉ lệ phê duyệt bình quân cho khách hàng giảm 50%. Tỉ lệ từ chối tăng lên dẫn đến người vay khó khăn hơn khi tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM, cho hay cả nước đang có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, trong khi các app không được cấp phép rất nhiều khiến những công ty chính thống bị đánh đồng, bị ngộ nhận.
Cũng theo ông Minh, giai đoạn 2016 - 2022, các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19 - 20%, chiếm 14 - 15% tổng dư nợ chung, cao hơn tăng trưởng chung nhưng quý 1-2023 thì ngược lại. Khách vay chây ì trả nợ, khi nhân viên tài chính nhắc, họ còn đe dọa ngược lại.
"Thời gian qua, 7/10 công ty tài chính báo cáo đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, đến nay vẫn chưa có kết luận.
Sau hàng loạt biến động trên thị trường, hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý 1-2023 tăng trưởng thấp, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ", ông Minh thông tin.
Người nghèo sẽ tìm đến vay nặng lãi?
Ông Đỗ Minh Hải, tổng giám đốc Công ty ATM Online (fintech cho vay tiêu dùng), thừa nhận cho vay tiêu dùng đang ngày càng khó khăn do những tác động khách quan như khó khăn kinh tế chung dẫn đến thu nhập của công nhân trong các khu công nghiệp, lao động tự do - vốn là phân khúc khách hàng mục tiêu của các công ty tài chính nói chung và fintech nói riêng - sụt giảm.
Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của nhóm khách hàng này. Nhưng lý do quan trọng khiến các công ty tài chính "nhát tay" khi phê duyệt khoản vay là do các nhóm tội phạm làm giả giấy tờ tùy thân, CCCD, sao kê tài khoản, biên lai đóng tiền nhằm chiếm đoạt tiền của các công ty tài chính bùng phát.
Chưa kể gần đây có rất nhiều hội nhóm hướng dẫn cách bùng nợ vay trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube.
Các đối tượng này còn chia sẻ những đơn vị nào vay dễ và nhanh, những đơn vị nào không gọi cho người thân thẩm định, những đơn vị nào không đòi nợ gắt gao..., cũng như cách nào để chây ì, gài bẫy các đơn vị cho vay.
Thậm chí, người nắm quyền quản lý của một số hội nhóm còn công khai bán, thu phí dịch vụ chuyển cuộc gọi đến số của cơ quan công an, tòa án khi các công ty tài chính gọi đến người vay.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, khách hàng của các công ty tài chính chủ yếu là những người lao động có thu nhập trung bình thấp.
Nhóm khách hàng này có nhu cầu vay vốn cao nhưng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng vì không đủ chuẩn.
Trong khi đó, các công ty tài chính cho vay tín chấp số vốn nhỏ mà không bắt buộc phải chứng minh thu nhập. "Do vậy, nếu các công ty tài chính hạn chế cho vay, nhóm khách hàng này sẽ buộc phải tìm đến kênh vay vốn khác như vay qua app, vay tín dụng đen...", ông Hùng khuyến cáo.
Theo lãnh đạo một công ty tài chính, trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn, phải lựa chọn khách tốt là điều đương nhiên.
Nhưng với tình hình hiện nay, ngay cả khách tốt và người có nhu cầu chính đáng thực sự cũng khó được tiếp cận tài chính tiêu dùng. Thực tế này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng - những người yếu thế.
"Khi không vay được công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, họ sẽ tìm đến tín dụng đen.
Trong bối cảnh đó, hoạt động đòi nợ bị siết chặt cũng là nguyên nhân khiến các công ty tài chính hạn chế cho vay, từ đó dẫn đến dư nợ của các công ty tài chính sụt giảm" vị này chia sẻ.
Cần khơi thông cho vay tiêu dùng
Theo các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng góp phần phát triển nền kinh tế, là giải pháp để đấu tranh, hạn chế tín dụng đen nhưng làm sao để khơi thông thị trường này?
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng đen, cần tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật.
Song song đó, các công ty tài chính nên tiếp tục mở rộng mạng lưới, nhất là công nhân khu chế xuất - khu công nghiệp, vay trả góp.
Đặc biệt, phải cải tiến văn hóa thu hồi nợ. Ngân hàng Nhà nước cũng cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý cần được công bố để người dân có nhìn nhận tốt hơn.
"Với hiệp hội, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến cho vay tiêu dùng để có kiến nghị phù hợp, tăng cường đào tạo cán bộ, tổ chức hội thảo, tìm kiếm giải pháp tốt cho thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian tới. Chúng tôi cũng xin đăng ký làm việc với Công an TP.HCM xung quanh hoạt động tín dụng tiêu dùng", ông Minh nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho rằng để thị trường cho vay tiêu dùng vừa phát triển an toàn, tích cực, hiệu quả vừa phòng và chống tín dụng đen, cần tuyên truyền giúp người dân nhận thức đúng về tín dụng đen để không rơi vào vòng xoáy này.
"UBND các quận huyện, TP Thủ Đức cũng nên nắm bắt thông tin những app cho vay không chính thống, không rõ ràng hoạt động trên địa bàn để phối hợp với cơ quan công an có giải pháp xử lý", ông Dũng đề nghị.
Về thu hồi nợ, theo một chuyên gia tài chính, các tổ chức tài chính cần phải quan tâm, hướng dẫn nhân viên của mình tuân thủ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (thông tư 43 và thông tư 39) về thu hồi nợ, xác định như thế nào là đe dọa..., tránh hiện tượng tổ chức đòi nợ theo kiểu xã hội đen như các nhóm cho vay nặng lãi.
Lãnh đạo một công ty tài chính kiến nghị cơ quan công an sớm có những biện pháp để xử lý các hội nhóm chỉ cách bùng tiền trên các nền tảng mạng xã hội, được các đối tượng lừa đảo sử dụng để qua mặt các bên cho vay, làm nhiễu loạn thị trường tài chính.
Dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm 21% tổng dư nợ
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30-9-2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 11,6 triệu tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỉ đồng.
Như vậy, dư nợ cho vay tiêu dùng như mua xe, sửa chữa nhà ở, đóng học phí cho con... chiếm gần 21% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay.
Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145.000 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chiếm gần 6% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.
Tại TP.HCM, bình quân mỗi năm cho vay tiêu dùng tăng khoảng 36%. Năm 2018, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn mới khoảng 500.000 tỉ đồng, đến nay đã lên tới khoảng 933.000 tỉ đồng.
Trong đó, dư nợ của các công ty tài chính khoảng 104.000 tỉ đồng. Với dân số của TP.HCM khoảng 9,2 triệu người (thống kê vào năm 2021), bình quân một người dân tiếp cận khoảng 102 triệu đồng tín dụng tiêu dùng.
Thắng kiện cũng khó thu hồi nợ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số công ty tài chính cho biết việc bùng nợ tăng cao trong bối cảnh việc thu hồi nợ bị siết như hiện nay đã khiến các công ty chùn tay.
Trên thực tế, có những trường hợp sau khi đã làm hết cách vẫn không thu được nợ, công ty tài chính đã kiện ra tòa dân sự (mất từ 6 - 12 tháng) và được tòa phán quyết "thắng kiện".
Tuy nhiên, việc thi hành án sau đó gặp nhiều khó khăn vì khách hàng liên tục liên lạc với nhóm bùng nợ xin hướng dẫn để cản trở công tác thu hồi nợ và thi hành án của cơ quan chức năng. Do vậy, các công ty chỉ còn cách cuối cùng là hạn chế cho vay, từ chối ngay nếu thấy nghi ngờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận