Dán mã số để đánh dấu, lưu mẫu COVID-19 ngẫu nhiên tại chợ Thái Bình, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tối 9-5, Bộ Y tế thông tin về kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội, Hưng Yên và Thái Bình.
Việc giải trình tự gene để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Kết quả giải trình tự gene chiều ngày 9-5, 8 mẫu do Hưng Yên (2 mẫu), Hà Nội (1 mẫu) và Thái Bình (5 mẫu) gửi đều mang biến thể B1.167.2 (biến thể Ấn Độ).
Trước đó, chiều 7-5, Bộ Y tế cũng thông tin kết quả giải trình tự gene đối với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội và Hải Dương đều mang biến thể Ấn Độ.
Đó là mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân người Ấn Độ, cách ly ở Hải Phòng, sau về cách ly tại Time City (Hà Nội); mẫu của bệnh nhân người Ấn Độ, đi chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội cùng chuyến bay nhóm người Trung Quốc thuộc biến thể B.1.617.2; bệnh nhân nhập cảnh từ Nhật về, lấy mẫu ở khu cách ly tại Hải Dương.
Nhóm biến thể B1.617.2 cùng B1.617.1, B1.617.3 được gọi chung là biến thể Ấn Độ B1.617. Chủng Ấn Độ B1.617 đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia, biến chủng Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn cả biến chủng Anh (chủng được đánh giá có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần, tỉ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng ban đầu).
Hiện Việt Nam có 5 chủng SARS-CoV-2 lưu hành, ngoài chủng Ấn Độ còn có chủng đột biến B.1.1.7 từ Anh, chủng B.1.351 ở Nam Phi, chủng D614G ở châu Âu và chủng ban đầu ở Vũ Hán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận