Các chuyên gia cũng cho rằng ngành thuế cần làm rõ thời điểm mua hóa đơn để làm căn cứ xử lý và nên trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hóa đơn vài trăm ngàn, phạt 35 triệu
Chị K., kế toán một doanh nghiệp tại TP.HCM, cho biết mua hàng từ năm 2020 lúc doanh nghiệp bán hàng vẫn hoạt động, nhưng đến năm 2021 doanh nghiệp bán hàng đã không còn ở địa chỉ kinh doanh nữa. Nay cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải loại khỏi chi phí và phạt hành vi khai sai với mức phạt 35 triệu đồng và phải đóng tiền chậm nộp.
"Hóa đơn doanh nghiệp tôi chỉ vài trăm ngàn mà mức phạt lên đến vài chục triệu là quá khủng. Về nguyên tắc, lẽ ra doanh nghiệp chỉ cần giải trình và làm cam kết nhưng thực tế nhiều nơi cứ bên bán bỏ trốn là cơ quan thuế yêu cầu bên mua loại khỏi chi phí, không cần biết là đã mua ở thời điểm nào", chị K. bức xúc.
Theo các doanh nghiệp, thực ra bản chất của việc giải trình là cơ quan thuế đang phân loại hành vi của doanh nghiệp là mua bán hóa đơn hay giao dịch thật. Nhưng thực tế doanh nghiệp bị "vật lên vật xuống" rất nhức đầu.
Anh V., kế toán một doanh nghiệp, than thời buổi khó khăn doanh nghiệp thoi thóp, buộc phải đóng cửa, bỏ địa điểm kinh doanh rồi bị treo mã số thuế không phải là ít. Khi đó, các doanh nghiệp từng nhận hóa đơn của các công ty này đều được mời lên loại bỏ không thương tiếc hóa đơn rồi phạt vài chục triệu mỗi hành vi.
"Một tờ hóa đơn bị loại đồng nghĩa mất 10% thuế giá trị gia tăng và phát sinh thêm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa kể nộp chậm cũng bị phạt vi phạm. Thật là con số "kinh khủng, choáng váng". Khổ nhất là có tờ hóa đơn vài năm trước đã quyết toán rồi cũng bị lôi ra. Mong cơ quan quản lý gỡ rối cho vấn đề này của doanh nghiệp", anh V. nêu ý kiến.
Cũng theo các doanh nghiệp, doanh nghiệp do cơ quan thuế quản lý và khi xuất hóa đơn cũng phải được cơ quan thuế cấp mã. Đến khi doanh nghiệp bên bán bỏ trốn thì bên mua lãnh đủ. "Ai sai người đó chịu. Không thể vì không quản nổi mà đẩy hết trách nhiệm cho doanh nghiệp" - chị K.M., kế toán một doanh nghiệp, nói.
Nên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính
Luật sư Trần Xoa cho rằng theo quy định tại công văn 7333 về xử lý cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, ban hành năm 2008 và đến nay vẫn còn hiệu lực, trường hợp doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của cơ sở kinh doanh bỏ trốn để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, thời điểm mua hàng hóa phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế và doanh nghiệp chứng minh được việc mua bán là có thật thì hóa đơn mua hàng đó vẫn được tính vào chi phí và doanh nghiệp được khấu trừ thuế.
Như vậy khi được mời lên làm việc, doanh nghiệp có thể yêu cầu cơ quan thuế đưa ra văn bản xác định thời điểm doanh nghiệp bên bán không còn tại địa điểm đăng ký kinh doanh để làm căn cứ xác định chứ không thể cứ bên bán bỏ trốn là yêu cầu loại sạch chi phí.
"Công văn 7333 cũng cho phép ngay cả trường hợp cơ quan thuế, công an trong quá trình kiểm tra, xác minh, điều tra đã có kết luận hóa đơn bất hợp pháp nhưng nếu doanh nghiệp chứng minh được có mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định chi phí mua hàng và chi phí mua hàng được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (nhưng không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào)", ông Xoa nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú góp ý cơ quan thuế cần thống nhất quan điểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và xử lý nghiêm những doanh nghiệp lập ra để mua bán hóa đơn, gian lận trốn thuế.
Do vậy, cơ quan thuế có giải pháp để phát hiện kịp thời những doanh nghiệp làm bậy. Còn đối với doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng, có hợp đồng, có mua hàng thật, có thanh toán thật và xuất hóa đơn thật thì không nên yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng, tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu.
Theo ông Tú, tại thời điểm mua hàng, doanh nghiệp mua và doanh nghiệp bán giao dịch bình thường, có giao và nhận hàng, thanh toán và xuất hóa đơn đầy đủ. Song bây giờ kiểm tra, doanh nghiệp bán hàng không còn ở địa chỉ kinh doanh thì cũng không thể nói doanh nghiệp mua hàng là có vấn đề sai phạm được. "Nếu phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, có nghi vấn sai phạm như doanh thu tăng bất thường... thì cơ quan thuế mới yêu cầu doanh nghiệp giải trình mà thôi" - ông Tú khuyến nghị.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú ví cơ quan thuế như cảnh sát giao thông, việc chặn những xe đang lưu thông trên đường để kiểm tra dù người tham gia giao thông không sai phạm... là không hợp lý.
Chỉ ở những trường hợp đặc biệt như đang vây bắt tội phạm mà phát hiện một số người đi trên đường có những dấu hiệu nhận biết gần giống như tên tội phạm thì mới nên kiểm tra.
"Việc quản lý thuế là trách nhiệm của cơ quan thuế. Nên cơ quan thuế quản lý giám sát về hóa đơn điện tử nói riêng và về thuế nói chung như thế nào để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho người nộp thuế" - ông Tú nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận