05/03/2017 11:06 GMT+7

Giải tỏa vỉa hè, nên làm thế nào?

V.V.TUÂN - X.LONG - Q.KHẢI - N.TRIỀU
V.V.TUÂN - X.LONG - Q.KHẢI - N.TRIỀU

TTO - Không ai phản đối việc ra quân giải tỏa lấn chiếm vỉa hè nhưng vấn đề còn băn khoăn là làm sao cho thật nghiêm minh, bền vững, đạt được sự đồng thuận cao...

Tối 3-3, cơ quan chức năng xử phạt ba chiếc ôtô đậu chắn hết phần vỉa hè trước một quán ăn trên đường Nguyễn Trãi, Q.1 (TP.HCM). Quán ăn này trước đó đã bị xử phạt ngày 20-2 - Ảnh: HỮU THUẬN
Tối 3-3, cơ quan chức năng xử phạt ba chiếc ôtô đậu chắn hết phần vỉa hè trước một quán ăn trên đường Nguyễn Trãi, Q.1 (TP.HCM). Quán ăn này trước đó đã bị xử phạt ngày 20-2 - Ảnh: HỮU THUẬN

Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất:

Tránh tình trạng “ném đá ao bèo”

Việc giải tỏa lấn chiếm vỉa hè cho người đi bộ là việc tất yếu phải làm. Chính những cán bộ có trách nhiệm đang tham gia giải tỏa vỉa hè là đang sửa sai cho mình hoặc những người tiền nhiệm.

Hành động này không phải có gì quá mới mẻ. Lâu nay chính quyền buông lỏng quản lý đô thị thì bây giờ họ phải sửa, điều đó là đương nhiên.

Tôi thấy quận 1 (TP.HCM) kiên quyết giải tỏa lấn chiếm vỉa hè là đáng ghi nhận. Nếu không làm như vậy sẽ có thêm rất nhiều người thừa cơ tiến lên để lấn chiếm vỉa hè, làm sai pháp luật.

Nhưng tôi cho rằng người dân không những mong chính quyền sửa sai thật nhanh, thật tốt mà cần phải thật bền vững, tránh tình trạng chỉ được một thời gian ngắn, vỉa hè lại bị lấn chiếm.

Lâu nay, người ta luôn quan niệm việc chính quyền lấy lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ chỉ như “ném đá ao bèo”. Lần này dù “hòn đá” ném xuống có lớn hơn nhưng cũng chưa biết sẽ được bao lâu?

Ví dụ rõ nhất là những năm gần đây, Hà Nội đều thực hiện năm trật tự văn minh đô thị nhưng vỉa hè của thành phố này ngày càng bị nhiều công trình và các thứ khác phình ra lấn chiếm.

Đành rằng việc lấn chiếm vỉa hè một phần do ý thức người dân. Nhưng câu hỏi đặt ra là chính quyền ở đâu bấy lâu nay? Thậm chí có ai đấy trong chính quyền “hợp tác” với những người lấn chiếm vỉa hè không?

Những nhà quản lý đô thị cần phải đặt nhiều dấu hỏi như vậy để cùng nhau giải quyết bài toán vỉa hè. Phải xóa được những câu hỏi đó thì vỉa hè mới được thông thoáng bền vững.

Để giải quyết bài toán lấy lại vỉa hè tận gốc rễ và bền vững thì ngoài việc thực thi pháp luật nghiêm minh, chính quyền cũng phải tính đến chuyện tạo điều kiện cho người dân.

Khi cấm để xe trên vỉa hè thì chính quyền phải nghĩ ngay đến việc xây những bãi đỗ xe đáp ứng nhu cầu của người dân. Họ sẽ để xe ở đâu khi các đô thị chưa có các bãi gửi xe?

Các nước văn minh khi giữ vỉa hè cho người đi bộ đều tính toán xây dựng những công trình này. Đó là chưa kể hệ thống giao thông công cộng phục vụ người dân từ chỗ gửi xe đến những nơi làm việc, vui chơi, mua bán... đều rất cần thiết.

Còn với những nhà buôn bán nhỏ lẻ mà lấn chiếm vỉa hè thì không chấp nhận được. Bất cứ cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, công sở nào có ý định buôn bán, làm việc ở mặt đường thì phải bố trí làm sao không được lấn chiếm vỉa hè, kể cả chỗ để xe cho nhân viên, khách hàng.

Để hạn chế tình trạng có sự “hợp tác”, “ăn chia” trong vấn đề sử dụng vỉa hè cần phải quy trách nhiệm từng cá nhân ở mỗi khu vực, mỗi tổ dân phố, mỗi tuyến đường. Phải quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng khi vỉa hè bị lấn chiếm.

Ông Đào Ngọc Nghiêm (phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội):

Ngăn chặn bằng được lợi ích cá nhân

Với vỉa hè, trong thiết kế ngành giao thông quản lý chỉ phục vụ cho đi bộ. Tuy nhiên, trong quản lý đều phải có những quy định linh hoạt, chẳng hạn như do còn thiếu các điểm, chỗ đậu đỗ xe, nên vẫn còn có những quy định về bố trí nơi để xe với những vỉa hè có đủ chiều rộng.

Trong quản lý, Hà Nội cũng có những quy định linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu rất thực tế từ người dân.

Với những vỉa hè rộng trên 3m có quy định cho phép để xe trên vỉa hè theo vạch sơn kẻ, phải dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Tuy nhiên, ngoài diện tích để xe thì các hộ kinh doanh vẫn lấn chiếm thêm diện tích vỉa hè để kinh doanh.

Hà Nội rất nhiều lần đưa các lực lượng ra quân, cũng xử phạt quyết liệt, nhưng sau những đợt ra quân thì tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra ngang nhiên.

Vì sao còn tái lấn chiếm? Đó là còn tình trạng kiểm tra, ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè theo phong trào. Sau những lần kiểm tra ấy cơ quan quản lý, lực lượng chức năng lại lơi lỏng, thậm chí xem nhẹ nhiệm vụ.

Vỉa hè cũng là lợi ích. Đó là lợi ích của người kinh doanh, lợi ích của người lấn chiếm, nhưng trước tiên phải ngăn chặn chuyện lợi ích không chính đáng cho người quản lý, cho lực lượng kiểm tra.

Phải mạnh tay loại trừ các lợi ích cá nhân, thậm chí giám sát hiện tượng “bảo kê” từ chính lực lượng kiểm tra. Riêng đối với những địa điểm bố trí linh hoạt cho đỗ xe trên vỉa hè thì phải thực hiện đúng các cam kết, vi phạm lấn chiếm là phải bị xử lý mạnh tay.

V.V.TUÂN - X.LONG - Q.KHẢI - N.TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên