02/08/2017 09:20 GMT+7

Giải tỏa bất an sẽ giảm hành vi 'tự xử'

V.V.TUÂN ghi
V.V.TUÂN ghi

TTO - Bàn chuyện làm sao để không còn những vụ “tự xử” ngoài đời và “ném đá” trên mạng, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng cần giải tỏa tâm lý bất an và hướng người dân đến cách hành xử đúng pháp luật.

Dân đập phá, đốt ôtô của người đi mua gỗ tại Hải Dương chỉ vì nghi bắt cóc trẻ em - Ảnh: TRỊNH KHƯƠNG
Dân đập phá, đốt ôtô của người đi mua gỗ tại Hải Dương chỉ vì nghi bắt cóc trẻ em - Ảnh: TRỊNH KHƯƠNG

Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều hành động cộng đồng “tự xử” trong thời gian qua là do tâm lý bất an về cuộc sống đang chi phối trong cộng đồng xã hội.

Trong cuộc sống thường ngày, tôi tin rằng nhiều người dân VN cũng như tôi, có lúc thấy bất an, thường xuyên phải đặt câu hỏi bữa cơm hôm nay mình ăn có an toàn thực phẩm không, ra đường có bị tai nạn giao thông không, có bị mất trộm không, có bị ai đánh đập, đâm dao, bắn súng chỉ vì một cái nhìn không vừa mắt hay không...

Rất nhiều điều lo lắng, bất an đó từ lâu nay đã gây nên sự ức chế cho cộng đồng xã hội. Sự ức chế lâu ngày khi gặp những sự việc bức xúc có thể “xả” được sự ức chế đó thì rất nhiều người sẽ cùng có chung hành động theo tâm lý đám đông như đánh người, đốt xe... mà chúng ta đã biết. Trong đám đông đó, có người biết mình đang phạm pháp nhưng họ đều không còn tự kiểm soát được mình nữa mà chỉ hành động theo bản năng.

Ông Nguyễn An Chất - Ảnh: V.V.TUÂN
Ông Nguyễn An Chất - Ảnh: V.V.TUÂN

Hơn nữa, lại có nhiều vụ người dân “tự xử” trên thực tế đã đạt được những kết quả nhất định bằng cách đe dọa, dùng vũ lực, như khi đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi... Trong khi nhiều sự việc người dân đòi hỏi quyền lợi chính đáng thì lại phải đợi chờ cơ quan chức năng giải quyết quá lâu mới có kết quả. Từ đó người dân thấy rằng pháp luật không được thực thi nghiêm minh, người dân mất niềm tin vì thấy rằng pháp luật không được thượng tôn. Và đám đông thường lựa chọn những cách có kết quả nhanh chóng để làm theo.

Tâm lý bất an, sự sụt giảm niềm tin vào cuộc sống thực tại lại được sự “tiếp sức” của những thông tin lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội là ở nơi này, nơi khác đang có việc “tự xử”, khiến nhiều người dễ dẫn đến hành động bột phát, khó kiểm soát. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, ai cũng có trong tay điện thoại thông minh và dành nhiều thời gian để xem tin tức trên đó, dù chưa biết đó là những thông tin đã kiểm chứng hay chưa.

Thậm chí, nhiều người còn đang tận dụng mạng xã hội bằng cách tung tin giả, tin chưa kiểm chứng, nhưng dễ gây nên sự bức xúc trong cộng đồng để nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội.

Vì vậy, về phía người dân, điều quan trọng khi gặp những sự việc bức xúc nhưng chưa kiểm chứng thì nên hết sức bình tĩnh và không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Còn trách nhiệm nặng nề của cơ quan chức năng là phải làm sao để mọi người có niềm tin vào việc pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh và quyền lợi của người dân luôn được bảo vệ, dù trong những sự việc nhỏ nhất.

Đồng thời, phải tuyên truyền để nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của người dân về kiến thức pháp luật để trước khi hành động, họ luôn ý thức được việc làm đó có vi phạm pháp luật hay không.

Còn về lâu dài, cơ quan quản lý phải tìm cách giải quyết nỗi bất an luôn thường trực hiện hữu trong cuộc sống hiện nay để người dân không còn bị ức chế và họ thấy rằng mình được đối xử công bằng.

Bà Nguyễn Thị Phúc, một trong hai phụ nữ bán tăm, bị người dân vây đánh đến bầm tím mặt - Ảnh: GIANG LONG
Bà Nguyễn Thị Phúc, một trong hai phụ nữ bán tăm, bị người dân vây đánh đến bầm tím mặt - Ảnh: GIANG LONG


Không đồng tình với việc đánh người

Nhiều người dân ở thôn Thái Phù, Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết họ không đồng tình với cách một số người trong xã lao vào hành hung hai người phụ nữ bán tăm chỉ vì nghi ngờ họ bắt cóc trẻ em. Khi xảy ra vụ việc, đã có một số người dân vào can ngăn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (28 tuổi) nói rằng khi chứng kiến vụ việc, chị và nhiều người thấy xót thương cho hai người phụ nữ bị đánh nhưng sợ nên không dám vào can ngăn. Ông Đồng Xuân Trường (59 tuổi) bày tỏ: “Thấy hai phụ nữ bị đánh như vậy đúng ra mọi người nên vào can ngăn, bảo vệ người bị đánh trước, chứ không nên xông vào đánh họ. Việc đánh người như vậy là biểu hiện thiếu đạo đức”.

Chị Nguyễn Thị Hòa (40 tuổi) cũng chia sẻ: “Qua những sự việc như thế này, mọi người nên rút kinh nghiệm, không nên hùa theo số đông đánh người”. Ông Nguyễn Trọng Hội (61 tuổi, thôn Thái Phù) chia sẻ: “Nếu đây là vụ bắt cóc trẻ em thật thì cũng không nên đánh người vì đã có pháp luật xử lý. Người dân phát hiện ra sự việc thì có thể bắt giữ đối tượng khả nghi để giao cho cơ quan chức năng giải quyết”.

Ông Nguyễn Mai Thắng, chủ tịch UBND xã Mai Đình, cho biết sau khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản gửi đến các xã, thị trấn yêu cầu đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân bớt hoang mang về những thông tin thất thiệt liên quan đến bắt cóc trẻ em. Đồng thời, chính quyền các xã cũng tăng cường phổ biến pháp luật để người dân có cách giải quyết đúng quy định chứ không nên “tự xử” gây ra sự việc đáng tiếc.

“Chúng tôi đã giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu nghi ngờ ai đó có hành vi bất thường làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung thì phải báo cho chính quyền để giải quyết đúng quy định pháp luật” - ông Thắng cho biết.

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

Thầy giáoHà Xuân Nhâm - Ảnh: VĨNH HÀ
Thầy giáoHà Xuân Nhâm - Ảnh: VĨNH HÀ

Thầy giáo Hà Xuân Nhâm (hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

Đừng chọn cách xoa dịu dư luận “an toàn”

Hành xử văn minh và hiểu biết trên mạng xã hội là một chủ đề luôn được chúng tôi quan tâm trong những năm gần đây vì biết mạng xã hội ngày càng dễ tác động đến lứa tuổi vị thành niên.

Ngày càng có nhiều người like, comment vào những nội dung nhạy cảm mà mình không thực sự hiểu rõ và vô hình trung góp phần làm cho một sự việc bị hiểu quá xa so với sự thật. Để rồi khi sự việc được làm rõ đúng, sai thì những cá nhân, tập thể bị liên đới đã chịu tổn thất, nhiều khi không thể khắc phục được, còn người góp phần gây nên hệ lụy đó thì lại vô can. Chưa kể có những câu chuyện không được làm rõ. Làn sóng dư luận buộc tội nhiều người khiến họ oan ức mà phải chấp nhận cho qua.

Nhà trường là một môi trường cũng nhạy cảm. Trường tôi do nhiều năm đã rất chú ý đến việc nắm bắt tâm lý học sinh và chấn chỉnh kịp thời những hành vi sai, tương tác tốt với cha mẹ học sinh và học sinh nên tình trạng “ném đá” nhà trường và thầy cô ít hơn. Nhưng nhìn ra ngoài, tôi chứng kiến nhiều trường, nhiều đồng nghiệp phải vất vả để “xử lý khủng hoảng” mà xuất phát điểm chỉ là những chuyện vô căn cứ, do những cá nhân học sinh thiếu hiểu biết gây ra. Người lớn cũng hùa theo. Và nhiều nhà trường, thầy cô bị xúc phạm.

Nhưng không phải vụ việc nào cũng được xử lý nghiêm khắc và triệt để. Nguyên do cũng chính vì nhà trường chùn bước trước dư luận, nhất là làn sóng trên mạng xã hội. Và để được yên, nhiều người đã chọn giải pháp xoa dịu dư luận, bất kể cách làm của mình không đúng, không bảo vệ được sự thật. Điều này rất nguy hiểm, bởi đó là cách làm “an toàn” nhưng để lại hậu quả xấu. Vì người làm sai không biết mình sai.

Có rất nhiều vụ “ném đá”, qua đó mới bộc lộ ý thức công dân, ý thức pháp luật của nhiều người còn hạn chế, nhưng với cách “xoa dịu”, hạn chế đó không được khắc phục mà còn gia tăng theo chiều hướng tiêu cực.

V.HÀ ghi

V.V.TUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên