Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế mà văn nghệ sĩ, chuyên gia góp ý cần khắc phục như nên bỏ quy định tác giả làm hồ sơ xin xét giải, hay nên đánh giá cả sự nghiệp của tác giả chứ không phải là kiểm đếm các giải thưởng...
Trường hợp nhà thơ Giang Nam chưa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vì tác giả không làm hồ sơ hay chuyện kỳ trao giải vừa qua có khoảng 40 tác giả "trượt" Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước ở vòng cuối là một số lý do đặt ra yêu cầu nghị định xét hai giải thưởng này cần sửa đổi.
Chuyện... muôn năm cũ?
Giữa năm 2022, khi các văn nghệ sĩ ở Khánh Hòa lên tiếng về trường hợp nhà thơ Giang Nam rất xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng lại không có tên trong đợt xét giải thưởng đang diễn ra.
Nhiều người bày tỏ đồng tình rằng tác giả bài thơ Quê hương rất xứng đáng với giải thưởng cao quý trên và ngạc nhiên khi ông chưa được trao giải.
Lý do mà các cơ quan hữu trách cho biết là bởi nhà thơ không làm hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Tỉnh Khánh Hòa đã làm đơn trình lên Thủ tướng xin xét đặc cách cho ông vì mong muốn nhà thơ Giang Nam được trao giải này khi còn sống nhưng không kịp.
Và nhà thơ Giang Nam chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất xứng đáng nhưng chưa được trao giải vì không làm hồ sơ.
Kỳ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước vừa qua cũng xôn xao khi nhiều tác giả tưởng cầm chắc giải thưởng trong tay, đã qua vòng xét giải của Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước, chỉ còn chờ Hội đồng Nhà nước thông qua như "thủ tục".
Những kỳ xét trước đó thường là ai đã tới vòng này hầu như cầm chắc được giải, nên khi khoảng 40 người thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau bị "trượt" khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra từ nghị định hiện hành. Như có một số loại hình của một lĩnh vực chuyên ngành khi đưa chung vào một thể loại hoặc một nhóm chưa thực sự phù hợp.
Ví dụ tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình mặc dù đều là sản phẩm nghe nhìn và cách thức chế tác giống nhau nhưng ngôn ngữ thể loại rất đặc trưng nên Hội Điện ảnh Việt Nam có đề nghị tách thành hai hạng mục độc lập. Hay việc xác nhận đồng tác giả của các tác phẩm điện ảnh, múa, sân khấu còn gặp nhiều khó khăn.
Các tác giả làm hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng của lĩnh vực điện ảnh còn gặp khó khăn trong việc cung cấp bản sao tác phẩm.
Do vấn đề bản quyền, nhiều nhà sản xuất chưa chắc đồng ý để cá nhân tác giả có bản sao; trường hợp đồng ý thì tác giả có khi cũng không đủ tiền để in chuyển sang đĩa hình, ổ cứng, nhất là có phim truyền hình cả trăm tập và nhiều phim nhựa hiện nay không còn bản phim.
Cũng không thể nhắc đến một số phiền hà khác liên quan tới hồ sơ xin xét tặng giải thưởng cho tác giả đã qua đời...
Nên bỏ xin - cho
Góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết quy định hiện hành về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là phải có các giải thưởng của các hội chuyên ngành trung ương hoặc tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm chuyên nghiệp... gây nhiều bất cập.
Thứ nhất, nó sẽ khiến bỏ lọt tài năng, những người xứng đáng vì những lý do cá nhân nào đó không tham gia các cuộc thi.
Thứ hai, cách tính tiêu chuẩn này đang gây ra một hiện thực khá hài hước là nhiều tác giả khi xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lại đưa ra những tác phẩm không xuất sắc bằng tác phẩm đã mang ra xét Giải thưởng Nhà nước trước đó.
Để khắc phục những hạn chế này, ông Sơn góp ý nên xét thành tựu trọn đời, xét toàn bộ sự nghiệp của một tác giả để trao giải, thì sẽ toàn diện và chính xác hơn.
Ông Sơn cũng góp ý nên để các hiệp hội, hội nghề nghiệp đề cử các tác giả xứng đáng tới hội đồng xét giải thưởng, không nên để các tác giả phải làm hồ sơ xin xét giải.
Các giải thưởng quốc tế thường đi theo hướng này, trong khi đó Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh vẫn theo hướng xin - cho.
Hệ quả là sẽ bỏ lọt những tác giả rất xứng đáng chỉ vì tác giả không làm hồ sơ chẳng hạn. "Thời buổi hội nhập, chúng ta nên học hỏi cách làm của những giải thưởng uy tín trên thế giới", ông Sơn nói.
Để làm được điều này, cần nâng cao năng lực của các hội văn học nghệ thuật trong việc tìm kiếm, phát hiện người tài, những người xứng đáng được giải thưởng để đề cử.
TS Mai Anh Tuấn - người vừa giúp gia đình cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hoàn thiện hồ sơ xét Giải thưởng Nhà nước cho ông Thiệp - cũng có ý kiến tương tự. Theo ông Tuấn, về mặt thủ tục hồ sơ, các nhà văn không thích và có phần e ngại khi phải viết đơn xin xét giải.
Ông Tuấn cũng đồng ý rằng cũng nên có sự phân định rõ ràng giữa Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Bởi "không ít nhà văn dồn hết tinh hoa tác phẩm vào Giải thưởng Nhà nước, đến khi làm Giải thưởng Hồ Chí Minh thì một vài tác phẩm còn lại hơi đuối". Ông Tuấn góp thêm nhiều góc nhìn mới:
"Về đối tượng xét giải cũng nên mở rộng, hễ nhà văn viết tác phẩm bằng tiếng Việt có chất lượng, bất luận ở đâu, đã và đang như thế nào, đều có thể xem xét đề cử. Về quy trình đánh giá cũng nên công khai và có sự tham gia của đại diện giới làm xuất bản/văn chương".
Chú ý hơn tới quyền tác giả
Dự thảo mới có thêm quy định với tác giả là người nước ngoài có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, nghiên cứu về Việt Nam được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, đó là "phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam".
Về các quy định tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật căn bản không thay đổi, với các quy định cụ thể cho từng loại giải thưởng với tác phẩm trước năm 1993 và sau mốc thời gian này. Về hồ sơ xét tặng giải thưởng thì dự thảo mới có quy định chặt chẽ hơn về quyền tác giả.
Theo đó, đối với hồ sơ của đồng tác giả thì phải có văn bản về việc ủy quyền theo quy định của pháp luật; văn bản thỏa thuận về chủ sở hữu, quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật đối với các tác phẩm là sáng tạo tập thể (vở diễn, bộ phim...).
Với tác giả đã chết thì cần có văn bản cam kết thỏa thuận ủy quyền đại diện của gia đình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chuyện quyền tác giả thực tế vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng ở bản dự thảo.
Đạo diễn phim tài liệu Nguyễn Thước - người vừa nhận Giải thưởng Nhà nước hồi tháng 5 - kiến nghị nghị định mới nên cho phép các thành phần sáng tạo khác nhau trong một tác phẩm có nhiều người cùng sáng tạo thì đều được phép sử dụng tác phẩm đó để xét giải.
Ông Thước ví dụ trong một bộ phim, đạo diễn và biên kịch là hai loại sáng tạo rất khác nhau nên đều có quyền được mang tác phẩm chung đó xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Trong khi theo quy định hiện hành thì một tác phẩm chỉ được mang xét giải một lần, cho một thành phần sáng tạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận