15/09/2010 15:10 GMT+7

Giải thích về SDR

GEORGE SOROS
GEORGE SOROS

TTO - Theo Điều khoản hiệp định, Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thẩm quyền phát hành Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs). Được đặt ra năm 1969, SDR là tài sản dự trữ mang tính quốc tế đóng vai trò như một đơn vị tính toán và cũng là một phương tiện thanh toán giữa các thành viên Quỹ, của bản thân Quỹ và “các chủ sở hữu quy định khác”.

ZyI2XV7t.jpgPhóng to
TTO - Theo Điều khoản hiệp định, Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thẩm quyền phát hành Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs). Được đặt ra năm 1969, SDR là tài sản dự trữ mang tính quốc tế đóng vai trò như một đơn vị tính toán và cũng là một phương tiện thanh toán giữa các thành viên Quỹ, của bản thân Quỹ và “các chủ sở hữu quy định khác”.

Các chủ sở hữu khác phải được ban điều hành IMF thông qua với tỷ lệ phiếu bầu là 85%. SDRs là một phần cấu thành dự trữ ngoại hối của một quốc gia. Một số các cơ quan quốc tế và ngân hàng phát triển dùng SDR như một đơn vị kế toán. Các thành viên và chủ sở hữu khác có thể mua, bán SDR để lấy ngoại hối; có thể vay, cho vay, hay thế chấp SDR; có thể dùng SDR trong các giao dịch swap và giao dịch kỳ hạn; có thể dùng SDR trong việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính; và có thể cho và nhận viện trợ bằng SDR.

Giá trị SDR được quy định bằng một rổ tiền tệ gồm bốn loại tiền tệ mạnh là: đô la Mỹ, Euro, Yên Nhật, và bảng Anh. Vào ngày 1 tháng 1 năm 2002, giá trị của SDR là 1 SDR = 1,25673 đô la Mỹ. Các thành viên IMF có thể dùng SDR để mua đồng tiền của các thành viên khác với tỷ giá hiện hành được điều chỉnh mỗi ngày. IMF sẽ giúp “các chủ sở hữu khác” trong việc dùng SDR để mua ngoại tệ.

SDR là một công cụ có lãi. Các thành viên nhận lãi suất SDR theo tỷ lệ nắm giữ và thanh toán tiền lãi SDR tính trên phần phân bổ SDR của mình. Các thành viên giảm phần phân bổ ban đầu của mình để mua đồng tiền nước khác phải trả lãi SDR, và các thành viên có đồng tiền được mua sẽ nhận tiền lãi trên phần SDR tăng thêm. Lãi suất SDR được tính dựa trên bình quân gia quyền của lãi suất cho vay ngắn hạn điển hình của các quốc gia có đồng tiền trong rổ tiền tệ SDR (Pháp, Đức, Nhật, Vương quốc Anh và Mỹ) và được điều chỉnh hàng tuần. Vào ngày 1 tháng 1 năm 2002, lãi suất SDR là 2,23%. Tiền lãi được trả theo quý.

SDR được tạo ra qua quá trình đóng góp và phân bổ của các thành viên IMF. Lần phân bổ SDR gần đây nhất được thực hiện năm 1981, nâng tổng số phân bổ tích lũy lên tới 21,4 tỷ SDR. Các phân bổ SDR phải được 85% tổng phiếu bầu IMF thông qua và số phiếu bầu được chia cho các nước thành viên theo tỷ lệ hạn ngạch. IMF có thể hủy bỏ SDR nhưng việc này chưa từng xảy ra.

Năm 1997, các thành viên IMF đồng ý sửa đổi Điều khoản IMF cho phép phân bổ SDR đặc biệt một lần, gọi là phân bổ “công bằng” nhằm cung cấp cho các nước cộng hòa thuộc Liên xô cũ và các quốc gia chuyển đổi khác, cũng như những nước nghèo phần chia lớn hơn cách chia thông thường theo tỷ lệ hạn ngạch.

Việc sửa đổi các Điều khoản cũng cần phải được 85% phiếu bầu thông qua. Tháng 12 năm 2001, các thành viên đại diện cho 72,7% số phiếu bầu đã thông qua Bản sửa đổi lần thứ 4. Sự thôn g qua của Mỹ, chiếm 17,13% trong tổng số phiếu bầu, là cần thiết để đưa tổng số phiếu bầu vượt qua giới hạn (85%). Điều này cần phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Việc thông qua bản sửa đổi sẽ khởi đầu ngay một đợt phân bổ mới trị giá 21,433 tỷ SDR, gấp đôi tổng số dư nợ và đẩy mạnh dự trữ ngoại hối của các quốc gia nghèo và đang chuyển đổi, dù vậy các thành viên giàu hơn vẫn nhận hai phần ba tổng số phân bổ theo công thức đã sửa đổi.

Như đã nêu trên, việc đóng góp của từng quốc gia cho viện trợ quốc tế rất chênh lệch; trong đó Mỹ là chậm trễ nhất, chỉ đóng góp 0,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho viện trợ nước ngoài. Số tiền của đợt phân bổ đặc biệt SDR được đề nghị xấp xỉ 0,1% GDP toàn cầu, và sau đó quy mô của việc phát hành sẽ được nhân lên.

Vì hình thức đóng góp bằng SDR sẽ bổ sung cho mức viện trợ nước ngoài hiện tại, viện trợ quốc tế chắc chắn sẽ tăng và việc phân chia chi phí cũng công bằng hơn. Quan trọng hơn là cơ chế sẽ dùng để phân bổ viện trợ. Nguồn tài chính mới phải đi cùng với cách quản lý viện trợ quốc tế mới. Tôi đề nghị phải có một thị trường gồm nhiều chương trình cạnh tranh cho các quỹ tài trợ. Có vậy hệ thống này mới hiệu quả.

Theo kế hoạch đề nghị này, một ban điều hành quốc tế hoạt động dưới sự bảo trợ nhưng độc lập với IMF được thành lập để quyết định chương trình nào hợp lý nhận tài trợ SDR . Thành viên ban này sẽ là những cá nhân xuất sắc theo các tiêu chuẩn nhất định và họ không bị chính phủ nước mình chi phối. Một ủy ban kiểm toán riêng biệt sẽ chịu trách giám sát và đánh giá độc lập.

Ban điều hành đưa ra các chính sách trong báo cáo thường niên nhưng không có quyền quyết định chi tiêu quỹ. Ban này chỉ đơn thuần đưa ra danh sách cho các nhà tài trợ tự do chọn lựa, tạo mối tương quan cung cầu giữa các nhà tài trợ và chương trình nhận viện trợ. Ban điều hành phải bảo đảm chất lượng của các chương trình nhận viện trợ và công chúng sẽ đánh giá tính xác đáng của sự chọn lựa từ các nhà tài trợ.

Có thể người ta không đánh giá cao tầm quan trọng của việc lựa chọn những cá nhân xuất sắc cho ban điều hành quốc tế dựa vào những phẩm chất chuyên nghiệp được công bố rộng rãi và họ không là các đối tượng được chính phủ bổ nhiệm như thường lệ. Trong trường hợp quỹ tín thác phòng chống HIV/AIDS, bệnh lao, sốt rét của Liên hiệp quốc vừa được hình thành, tất cả các nhà tài trợ chính đều muốn có mặt trong ban điều hành, nhưng khó khăn là thành phần ban này chỉ hạn chế cho 18 thành viên; trong đó 7 chỗ đã thuộc về các nước G7. Tổng thư ký Liên hiệp quốc cũng không thể tạo áp lực cho các quốc gia thành viên vì ông là người phục vụ cho họ; vì vậy một ban gồm các cá nhân xuất sắc sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Danh sách đề nghị cần bao gồm cả quỹ tín thác (trust funds) cung cấp hàng hoá công trên phạm vi toàn cầu cũng như quỹ bổ túc tương xứng (matching funds) cho những ý tưởng có ích cho xã hội. Trong đợt phát hành SDR đầu tiên, các chương trình đề nghị cần tập trung vào 3 hoặc 4 lĩnh vực ưu tiên như sức khỏe cộng đồng, giáo dục, thông tin (lĩnh vực kỹ thuật số), và cải cách tư pháp.

Những chương trình xóa đói giảm nghèo do chính phủ tài trợ nên được tách riêng, chúng thuộc về nhiệm vụ của các định chế tài chính quốc tế. Như vậy sẽ giúp lần thử nghiệm này khách quan và thành công hơn. Mỗi lĩnh vực cụ thể sẽ có một ban điều hành thứ cấp bao gồm những thành viên được chọn dựa trên các phẩm chất chuyên nghiệp cần thiết. Ở đó trách nhiệm của mỗi người sẽ cao hơn và không có chỗ cho ganh đua trong tổ chức. Với lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, ban lãnh đạo quỹ tín thác mới thành lập nhằm chống bệnh truyền nhiễm có thể là ban điều hành thứ cấp nếu các nhà tài trợ đồng ý với cách bầu chọn đã đưa ra.

Nếu việc thực hiện phân bổ SDR lần đầu này thành công và tiếp tục được tiến hành hàng năm, lĩnh vực nhận viện trợ sẽ được mở rộng. Những chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ có thể đạt chuẩn nhưng chỉ lên đến một giới hạn nhất định vì phải dành tiền quỹ cho kênh phi chính phủ. Lúc đó, chuẩn mực mới do các định chế tài chính quốc tế (CDF và PRSP) vừa thành lập sẽ bị bãi bỏ.

Tuy nhiên cũng nên đặt ra mức hạn chế cho số lượng SDR cam kết dành cho các chương trình của chính phủ tài trợ vì nếu không chúng có thể sẽ bị sử dụng hết. Chính phủ bao giờ cũng thích dùng kênh liên chính phủ. Điều quan trọng là không nên để các sáng kiến khác thiếu nguồn tài trợ vì, như tôi đã nhấn mạnh trước đây rằng không có một công thức chung cho tất cả các trường hợp . Tôi sẽ đưa ra một số ví dụ thực tế về các loại chương trình đủ tiêu chuẩn để nhận viện trợ.

Tổ chức quỹ của tôi đã tài trợ cho một chương trình chữa trị lao (TB) trong các nhà tù ở Nga năm 1997. Mục tiêu của chúng tôi là cải thiện điều kiện sống trong trại giam, và nhắm đến sự hợp tác của các cơ quan chức năng liên quan trong việc điều trị một căn bệnh gây tác động đến tù nhân cũng như quản giáo. Chúng tôi đã áp dụng một phương pháp điều trị hiện đại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là DOTS - điều trị trực tiếp ngắn hạn - với suy nghĩ rằng chúng tôi sẽ gây ảnh hưởng lớn với số tiền tài trợ 15 triệu đô la Mỹ.

Nhưng ngay sau đó chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra có quá nhiều tù nhân bị kháng thuốc chống lao (MDR-TB). Vì MDR-TB miễn nhiễm với phương pháp điều trị DOTS, dẫn đến tình trạng DOTS thậm chí còn tăng khả năng MDR-TB. MDR-TB tạo ra một mối hiểm họa toàn cầu rất đắt đỏ- một đợt dịch bệnh trong nhà tù đảo Rikers và một số khu vực khác ở thành phố New York đầu những năm 1990 đã ngốn gần 1 tỷ đô la Mỹ trước khi bị khống chế. Rõ ràng vấn đề gặp ở Nga vượt ngoài khả năng tài chính của chúng tôi vì để chữa trị MDR-TB cho mỗi bệnh nhân cần tiêu tốn tới 15.000 đô la Mỹ.

Chúng tôi đã huy động những chuyên gia xuất sắc nhất trong lĩnh vực này và tổ chức được ủy nhiệm có tên Partners in Health (những cộng sự về Y tế) tại Boston để xúc tiến một nghiên cứu về tác động toàn cầu của MDR-TB. Kết quả là chi phí chữa trị MDR-TB cho mỗi bệnh nhân giảm xuống chỉ còn 300 đô la Mỹ. Bước tiếp theo, chúng tôi yêu cầu tổ chức Partners in Health phát triển một kế hoạch chữa trị TB trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức STOP-TB - một hiệp hội gồm 190 tổ chức hợp tác với nhau, trong đó có Tổ chức y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới, chính phủ của 22 quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp, và đại diện của cộng đồng NGO và khu vực tư - đã đưa ra “Kế hoạch chống lao toàn cầu”.

Kế hoạch được tuyên bố bắt đầu tại Ngân hàng Thế giới ở Washington tháng 10 năm 2001, cần một số tiền là 9,3 tỷ đô la Mỹ trong 5 năm: 4,8 tỷ đô la Mỹ sẽ được lấy từ ngân sách các quốc gia bị ảnh hưởng và nhà tài trợ, vậy còn thiếu 4,5 tỷ đô la Mỹ. Chúng ta có thể dùng viện trợ SDR để bù vào khoản còn thiếu này. “Kế hoạch chống lao toàn cầu” cũng vạch phương hướng cho “Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, TB và bệnh sốt rét”, quỹ do Liên hiệp quốc tài trợ vừa được thành lập.

Về phần tạo ra mối tương quan cung cầu giữa các nhà tài trợ và các chương trình cần nhận viện trợ, mạng lưới quỹ hỗ trợ của tôi đã đưa ra chương trình “Trao đổi toàn cầu cho Đầu tư xã hội,” sẽ được giới thiệu trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 2 năm 2002. Công ty Bain & Company đóng vai trò tư vấn chính trên cơ sở tự nguyện cho chương trình này. Họ đã phát triển một quy trình cấp giấy chứng nhận nhằm chọn ra những đối tượng trung gian có thẩm quyền, và đến lượt mình, những người này sẽ đưa ra danh sách các dự án mà họ sẵn sàng chịu trách nhiệm về mặt tinh thần hay quản lý trực tiếp.

Các nhà tài trợ, các quỹ, và những cá nhân hảo tâm sẽ được mời tham khảo các chương trình trong danh sách này. Đây là một thử nghiệm thực tế trong lĩnh vực tư cho chương trình viện trợ SDR mà tôi đang đề nghị. Nếu thành công, chương trình “Trao đổi toàn cầu cho Đầu tư xã hội” có thể được thêm vào danh sách đủ tiêu chuẩn là quỹ bổ trợ tương xứng để nhận nguồn tài trợ SDR.

Các khoản vay nhỏ cho doanh nghiệp (microlending) đóng góp một phần quan trọng trong hệ thống kinh doanh ngành xã hội. Đã có nhiều bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của chúng nhưng vấn đề là làm thế nào để nhân rộng lên. Những hoạt động này đã diễn ra trên diện rộng nhưng chúng vẫn chưa vượt ra khỏi mục tiêu ổn định lợi nhuận hay thêm vốn cho thị trường tài chính. Để biến hoạt động cho vay nhỏ cho các doanh nghiệp thành yếu tố quan trọng trong tiến trình kinh tế chính trị, chúng ta cần tìm cách thu hút nhiều vốn hơn nữa. Việc này đòi hỏi sự hỗ trợ của toàn ngành cũng như vốn của từng doanh nghiệp.

Sự hỗ trợ của ngành sẽ bao gồm phát triển phần mềm quản lý để cung cấp như là một loại hàng hóa công, đào tạo người quản lý, và thiết lập cơ quan đánh giá uy tín và chương trình bảo lãnh vay. Cơ quan đánh giá sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư hảo tâm sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc thậm chí không cần lợi nhuận; chương trình bảo lãnh vay sẽ cho phép các định chế đủ tiêu chuẩn cho vay nhỏ cho doanh nghiệp cấp thương phiếu. (Nguồn vốn sẵn có của Ngân hàng Thế giới có thể cũng được dùng để bảo lãnh tới mức độ AAA) .

Một yếu tố quan trọng khác là khoản tiền dành cho mục đích giáo dục các theo mạng được phát triển bởi Bolsa-Escola, một chương trình ở Brazil trợ cấp cho những gia đình nghèo để họ cho con đi học đều đặn. Kết hợp trợ cấp giáo dục với chăm sóc y tế và cho vay các doanh nhiệp nhỏ sẽ giúp một bộ phận lớn dân số thoát khỏi đói nghèo.

Cơ chế viện trợ SDR đặc biệt hữu ích hơn khi kết hợp với hội thảo của các nhà tài trợ trong nước và khu vực. Trường hợp Balkans là một ví dụ rất rõ ràng: Họ đã đạt được thỏa thuận chung về nhu cầu đường lối hợp tác trong khu vực, đưa đến việc thành lập tổ chức “Hiệp ước vì sự ổn định vùng Đông Nam Châu Âu” (Stability Pact for South Easten Europe), nhưng tổ chức này chỉ là một cái vỏ rỗng vì các nhà tài trợ vẫn kiểm soát tiền viện trợ theo các chương trình riêng của họ. Nếu “Hiệp ước vì sự ổn định” được chọn là nơi nhận viện trợ bằng SDR tiềm năng, những dự án do “Ban điều hành” của hiệp ước chọn lựa và phê duyệt có thể nhận được nguồn viện trợ thỏa đáng hơn, và viện trợ quốc tế sẽ trở nên hiệu quả hơn.

Afghanistan là một trường hợp điển hình khác. Nếu các quốc gia viện trợ vẫn tiếp tục kiểm soát phần đóng góp của mình, họ sẽ cầm chắc thất bại. Cần phải có một cách hợp tác chặt chẽ hơn. Viện trợ nên dành cho các cộng đồng và thay vì quá nhiều tổ chức viện trợ chạy lòng vòng, phải có một cơ quan đứng ra dẫn đầu. Trong trường hợp này UNDP là sự chọn lựa tốt nhất. Cùng với các cơ quan Liên hiệp quốc khác, UNDP có hàng ngàn nhân viên người Afghanistan ngay tại nơi xung đột xảy ra, và họ có thể nhanh chóng tuyển dụng thêm từ cộng đồng địa phương. Giao quyền kiểm soát hầu bao cho một cơ quan quốc tế như UNDP sẽ tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ.

Các lực lượng tham chiến địa phương sẽ chỉ bám trụ tại lãnh địa của mình thay vì đánh nhau để dành quyền kiểm soát Kabul như họ đã làm trước đây. Đương nhiên nhân sự của UNDP tại đây phải được lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc bảo vệ, và tân chính phủ không thể phản đối vì đây là cách duy nhất để họ có được viện trợ nhằm khôi phục đất nước. Sau khi đất nước đã thống nhất một thời gian, UNDP sẽ rút đi và một chính phủ mới được thành lập sẽ tiếp quản các cơ sở hạ tầng đã được xây dựng tại đây . Phải thừa nhận rằng, những việc này cũng có thể được tiến hành mà không cần SDR nhưng với cơ cấu SDR chúng ta có thể tạo điều kiện thu hút và gắn kết nhiều nguồn tài trợ.

Có lập luận mạnh mẽ ủng hộ việc phân bổ SDR thường niên ngoài hệ thống viện trợ thông thường. Nhờ toàn cầu hóa, thương mại quốc tế đã phát triển gấp hai lần mức GDP toàn cầu. Để tránh sụp đổ cán cân thanh toán, các quốc gia phải dự trữ một tỷ lệ hợp lý cho nhập khẩu. Cụ thể, dự trữ tối thiểu phải bằng 3 tháng nhập khẩu. Điều này có nghĩa là các nước nghèo phải để dùng một phần thu nhập từ xuất khẩu để xây dựng nguồn dự trữ. Phân bổ SDR sẽ làm giảm gánh nặng ngày càng nặng hơn từ cuộc khủng hoảng năm 1997 – 1999 vì dòng vốn chảy ngược từ những thị trường mới nổi.

Các quốc gia phát triển không sử dụng lượng SDR phân bổ vì quỹ tiền tệ dự trữ của họ đã quá đủ, trường hợp của các nước Châu Âu thậm chí còn thừa dự trữ , và nếu họ bị thâm hụt cán cân thanh toán thì họ vẫn có thể vay được. Đó là lý do tại sao rất khó đạt được sự đồng thuận trong vấn đề phát hành SDR. Nếu các quốc gia phát triển thấy được tác dụng của viện trợ bằng SDR, lập luận ủng hộ phân bổ SDR sẽ được củng cố hơn nữa.

Các ngân hàng trung ương từ trước đến nay vẫn phản đối phân bổ SDR vì việc này xâm phạm sự độc quyền về cung cấp tiền tệ của ngân hàng. Lý luận của họ là SDR gây lạm phát. Nhưng tình trạng lạm phát trong tương lai gần là rất thấp. Thậm chí có khả năng giá hàng hóa nhập khẩu đang giảm sẽ dẫn đến tình trạng giảm phát toàn cầu. Như ở Nhật hiện nay không có phương thuốc nào cho tình hình giảm phát. Việc phát hành SDR thường niên, mà phần lớn được dùng cho viện trợ quốc tế, sẽ trở thành một công cụ tiền tệ hữu ích.

GEORGE SOROS
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên