Giải thích tốc độ giao hàng của Trung Quốc

NGUYỄN THÀNH TRUNG 11/11/2024 05:09 GMT+7

TTCT - Cạnh tranh khốc liệt, các hãng giao nhận buộc phải xoay xở tìm mọi cách hạ chi phí vận chuyển, mang lại lợi ích lớn lao cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Giải thích tốc độ giao hàng của Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhà kho với băng chuyền dài 22km của Alibaba ở Đông Quản, Quảng Đông được tự động hóa gần như hoàn toàn. Ảnh: Warehouse Automation

Từ năm 2012 đến năm 2021, chỉ trong vòng 10 năm, doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần, từ 1.300 tỉ lên 13.100 tỉ nhân dân tệ (từ hơn 180 lên hơn 1.800 tỉ USD), đưa Trung Quốc vượt Mỹ trở thành quốc gia bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. 

Dịch vụ kho vận - hậu cần và chuyển phát nhanh cực kỳ phát triển của Trung Quốc đã góp phần quyết định vào quá trình tăng trưởng thần tốc của thương mại điện tử ở nước này.

5.144 kiện hàng mỗi giây

Theo dữ liệu do Cục Bưu chính nhà nước công bố hôm 13-8-2024, số lượt giao hàng trung bình hằng tháng ở Trung Quốc đã vượt mốc 13 tỉ bưu kiện, tương đương 5.144 kiện hàng được giao mỗi giây. Doanh thu hằng tháng của ngành chuyển phát nhanh cũng vượt mốc 100 tỉ nhân dân tệ (13,9 tỉ USD). Hai con số này đều là những kỷ lục mới.

Trung Quốc như vậy đã dẫn đầu thế giới về số lượng lượt chuyển phát nhanh trong 10 năm liên tiếp, và có lẽ còn rất lâu mới có quốc gia nào vượt được họ. 

Trên tờ Nhân Dân Nhật báo, ông Vương Nhạc Hàm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển của Cục Bưu chính Trung Quốc, cho biết những con số ấn tượng của ngành chuyển phát nhanh phản ánh sức sống nền kinh tế, khi phần lớn bưu kiện liên quan đến thương mại trực tuyến, với các đối thủ cạnh tranh chính là Alibaba (với Taobao), Tmall, JD.com, Pinduoduo và TikTok. 

Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC, hơn 60% dân số 1,4 tỉ người của Trung Quốc mua sắm trực tuyến và 37% chi tiêu bán lẻ qua các kênh thương mại điện tử, vượt xa mức trung bình chung của thế giới.

Khi nhìn lại, tôi vẫn nhớ giai đoạn 2007-2009 khi tôi sống ở Trung Quốc, thương mại điện tử vẫn còn rất sơ khai. Hoạt động giao hàng vẫn không khác Việt Nam là mấy. Tuy nhiên những lần trở lại sau này, mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng. 

Mối quan hệ cộng sinh giữa thương mại điện tử và chuyển phát nhanh đã thúc đẩy hai ngành này cùng tiến lên một đẳng cấp mới.

Một trong những điều đầu tiên tạo nền tảng cho ngành chuyển phát nhanh Trung Quốc phát triển chính là khung luật pháp. 

Năm 2009, luật bưu chính Trung Quốc sửa đổi cho phép công ty chuyển phát nhanh thuộc sở hữu tư nhân có thể xử lý hợp pháp cả hàng hóa lẫn thư từ. 

Việc tự do hóa thị trường vận chuyển bưu kiện được coi là chìa khóa cho sự phát triển nhanh chóng của ngành chuyển phát nhanh khi xác lập môi trường cạnh tranh toàn diện, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và liên doanh nước ngoài của Trung Quốc.

Với mức tổng cầu lớn và tăng trưởng nhanh như ở nền kinh tế số 2 thế giới, cạnh tranh trên thị trường giao nhận là hết sức khốc liệt. 

Hiện nay Trung Quốc có khoảng 15 công ty chuyển phát nhanh lớn. Các hãng thương mại điện tử khổng lồ cũng mở rộng hệ sinh thái bằng cách lập công ty con chuyên về dịch vụ vận chuyển, như Cainiao của Alibaba và JD Logistics của JD.com.

Giải thích tốc độ giao hàng của Trung Quốc - Ảnh 2.

JD Logistics là hãng giao nhận hàng đầu Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Cạnh tranh dẫn tới đổi mới

Cạnh tranh khốc liệt, các hãng buộc phải xoay xở tìm mọi cách hạ chi phí vận chuyển, mang lại lợi ích lớn lao cho người tiêu dùng Trung Quốc. 

Hiện nay, chi phí trung bình để gửi một bưu kiện ở nước này chỉ là 1,4 USD, thấp hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ, nơi chi phí giao hàng trung bình lên tới 9 USD. 

Sàn thương mại điện tử JD.com vào tháng 8-2023 đã hạ mức đơn đặt hàng miễn phí vận chuyển tối thiểu từ 99 nhân dân tệ xuống còn 59 nhân dân tệ (8,2 USD) để khuyến khích người mua sắm trực tuyến tiêu nhiều tiền hơn, đặc biệt là những đơn hàng giá trị nhỏ.

Trong nỗ lực cạnh tranh, các công ty vận chuyển hàng đầu Trung Quốc buộc phải đầu tư toàn diện vào hệ thống quản lý kho và vận chuyển, cũng như tận dụng khả năng phân tích dữ liệu để định tuyến và tối ưu đơn hàng. Số hóa chuỗi giao hàng từ đầu đến cuối đã giúp họ cắt giảm chi phí khi giá thuê nhân công ngày càng tăng.

Ngoài ra, các hãng giao nhận Trung Quốc đều phải tăng giám sát và thu thập dữ liệu để theo dõi chi tiết hơn về mức tồn kho trên nhiều kênh khác nhau trong thời gian thực. 

Ngay khi khách hàng đặt hàng trên sàn thương mại điện tử hay gửi bưu kiện qua một công ty chuyển phát nhanh, các công cụ công nghệ sẽ lập tức được kích hoạt. 

Đầu tư vào tự động hóa kho hàng và các công nghệ số hóa khác giúp doanh nghiệp Trung Quốc tối ưu hóa sử dụng không gian và giảm chi phí thuê nhà kho lớn không cần thiết.

Với công ty chuyển phát nhanh JD Logistics, mạng lưới phân phối được họ chia thành hai cấp: trung tâm phân phối khu vực (RDC) và trung tâm phân phối tiền tuyến (FDC). 

RDC phục vụ khách hàng trên một khu vực rộng lớn, đồng thời là địa điểm nơi nhà cung cấp sẽ phân phối hàng trong kho đã mua cho khu vực đó.

FDC phục vụ các địa phương nhỏ hơn và có ít dung lượng lưu trữ hơn, nhưng có thể tiếp cận khách hàng ở khu vực nhỏ với tốc độ nhanh hơn.

Hệ thống thuật toán phân bổ hàng hóa của JD xác định cách phân phối hàng trong kho từ RDC đến FDC cho hàng triệu sản phẩm mỗi ngày.

Theo báo cáo của hãng tư vấn McKinsey năm 2022, JD Logistics đã đầu tư rất nhiều vào tự động hóa kho hàng. 

Công ty mở một trung tâm hậu cần thông minh vào năm 2019 tại tỉnh Quảng Đông, nơi có công suất xử lý lên tới 1,6 triệu đơn hàng một ngày, được hỗ trợ bởi hệ thống tự động hóa ba chiều có thể sắp xếp hơn 20 triệu đơn vị hàng hóa cỡ trung bình cùng lúc.

Giải thích tốc độ giao hàng của Trung Quốc - Ảnh 3.

Ảnh: Savills

Một yếu tố không thể không nhắc tới trong ngành chuyển phát nhanh của Trung Quốc là "bộ ba thần thánh" cơ sở hạ tầng: đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc và sân bay nay đã chằng chịt khắp cả nước, bảo đảm việc vận chuyển 24/7. 

Để hình dung sự phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng thế nào với ngành chuyển phát nhanh, chỉ cần nhìn vào con số việc vận chuyển hàng hóa hiện chiếm gần 60% tổng số chuyến bay, và số lượng tuyến đường sắt cao tốc để vận chuyển hàng hóa đã lên tới 451, ở Trung Quốc.

Chặng cuối trong quá trình vận chuyển chính là mạng lưới chuyển phát nhanh lan rộng đến mọi khu vực thành thị trên cả nước, có thể tiếp cận cả những vùng xa xôi nhất, với 234.000 điểm giao hàng trên toàn quốc. 

Hơn 96% khu vực nông thôn của Trung Quốc hiện được bao phủ bởi dịch vụ chuyển phát nhanh. Điều đó có nghĩa bất kể người tiêu dùng ở đâu, chỉ cần lướt mạng đặt hàng, gói hàng sẽ được giao đến tận cửa nhà.

Hiện giờ yếu tố con người vẫn còn vai trò quan trọng ở khâu giao hàng. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, đang có khoảng 84 triệu người tham gia những loại hình việc làm dạng giao hàng và tài xế công nghệ, chiếm hơn 10% tổng số lao động (740 triệu người theo con số chính thức vào năm 2023).

Giải thích tốc độ giao hàng của Trung Quốc - Ảnh 4.

Dịch vụ giao nhận nhanh vươn tới cả nhiều vùng nông thôn. Ảnh: china.org

Tuy nhiên, ngành này cũng đang đẩy nhanh việc áp dụng phương tiện giao hàng tự động, bao gồm máy bay không người lái (UAV). 

Ở một số thành phố Trung Quốc, UAV có thể giao hàng trong khoảng 10 phút, giảm đáng kể thời gian giao hàng. Hiện chu kỳ giao hàng mua trên mạng ở Trung Quốc là vào khoảng 1-2 ngày, điều không thể tưởng tượng cách đây mới 5 năm.■

Chuyển phát nhanh quốc tế

Trong khung giờ vàng dành cho quảng cáo của sự kiện thể thao hàng đầu nước Mỹ, trận tranh cúp bóng bầu dục Superbowl 2024 từng xuất hiện quảng cáo của Temu, nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc trực thuộc Pinduoduo.

Temu đã chi khoảng 21 triệu USD để giành được ba suất phát sóng quảng cáo này, mỗi suất chỉ có 30 giây. Đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy các công ty thương mại điện tử lớn Trung Quốc đang tìm mọi cách xâm nhập các thị trường mới như thế nào.

Theo dự đoán của Ngân hàng HSBC, doanh thu của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc sẽ đạt 500 tỉ USD vào cuối năm 2025, so với chỉ 155 tỉ USD năm 2019.

Điều này cũng đồng nghĩa dịch vụ chuyển phát nhanh của Trung Quốc cũng sẽ hướng mạnh ra toàn cầu. Ông Vương Nhạc Hàm nói với Nhân Dân Nhật báo:

"Trong sáu tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã mở rộng dịch vụ chuyển phát nhanh xuyên biên giới trên thị trường toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực như hậu cần nhà máy, giao hàng trực tiếp xuyên biên giới, hậu cần hàng hóa lớn và vận chuyển thiết bị. Những nỗ lực này đã tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác, đồng thời mở rộng cơ hội tăng trưởng cho toàn ngành".

Các công ty chuyển phát nhanh Trung Quốc đang áp dụng công thức từng giúp họ thành công trong nước để đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Các ưu thế về chi phí và chất lượng dịch vụ vận chuyển của công ty Trung Quốc được dự báo sẽ khiến nhiều thị trường nước ngoài chao đảo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận