Tại bốn dự án đường cao tốc đang triển khai gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài 355km cần khoảng 53,68 triệu m3 cát, nhưng tất cả các dự án đều thiếu hụt nguồn cát lấp.
Chỉ tính riêng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã cần khoảng 18,1 triệu m3 cát nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 1,47 triệu m3 (tức khoảng 8% nhu cầu thực tế).
Trước tình trạng khan hiếm nguồn cát, giải pháp sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đang được thí điểm tại một tuyến đường tỉnh ở Bạc Liêu (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025).
Nín thở theo dõi độ mặn quanh đường
Những ngày đầu tháng 9-2023, tuyến đường ĐT 978, đoạn giao với dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại km79+820 thuộc huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), xe chở vật liệu phục vụ công trình xây dựng gần đó qua lại.
Thoạt nhìn, tuyến đường này không khác gì mấy so với những tuyến đường xung quanh được trưng dụng để phục vụ cho các công trình giao thông trọng điểm.
Tuy nhiên, với dân xây dựng, đây lại là tuyến đường đặc biệt và đang trong thời gian theo dõi, được quan trắc thường xuyên bởi nền đường được đắp bằng một vật liệu đặc biệt - cát biển.
Ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) - cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã phối hợp với Viện KH&CN GTVT thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường và đưa tuyến đường này vào sử dụng từ tháng 5-2023.
Theo ông Thi, phạm vi thi công thử nghiệm được chọn trên đoạn tuyến hoàn trả ĐT 978 với chiều dài 300m giao cắt với tuyến cao tốc tại lý trình km79+820 - dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau. Trong đó, 60m đoạn hạ âm và 240m đoạn thử nghiệm với ba mái dốc ta luy nền đường khác nhau.
Điều khiến người dân xung quanh khu vực thí điểm dùng cát biển để đắp nền đường lo lắng đó là độ mặn trong cát có thể thấm vào đất gây ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi xung quanh.
Tuy nhiên theo ông Thi, đến nay khu vực xung quanh dự án vẫn chưa ghi nhận bất thường. Cụ thể, kết quả quan trắc môi trường (đo các thông số của nước mặt, nước ngầm, đất) đến ngày 31-10-2023 tại các vị trí quan trắc cho thấy chưa có bằng chứng biểu hiện rõ ràng về việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.
Ngày 17-9, ông Trần Việt Hưng - chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu - cũng xác nhận đoạn đường thí điểm dùng cát biển đắp nền dài hơn 300m đi qua vuông tôm của ba hộ dân tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay việc nuôi thả tôm của các hộ dân vẫn diễn ra bình thường.
Lấy cát biển từ đâu, vận chuyển ra sao?
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, để khảo sát nguồn vật liệu cát biển, đơn vị đã tiến hành so sánh chỉ tiêu cơ lý của cát biển tại Trà Vinh và Sóc Trăng.
Kết quả cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định và có các chỉ tiêu cơ lý tương tự nhau, một số sai số khác nhau nhưng nhỏ (hàm lượng lọt sàng, bụi bùn sét, hàm lượng muối hòa tan...) là do lấy mẫu theo hai phương pháp là xói hút (Trà Vinh) và đào xúc bỏ bao (Sóc Trăng).
"Tuy nhiên, để đảm bảo được tiến độ thi công thí điểm, chỉ có thể lấy tại mỏ cát biển của tỉnh Trà Vinh để cung cấp ngay cho thi công thí điểm, mỏ này đã được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác", ông Thi nói.
Cát biển dùng để thí điểm đắp nền được khai thác bằng tàu xói hút tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), vận chuyển trên biển đến cửa sông Hậu để bơm sang mạn tàu vận chuyển.
Sau đó tiếp tục vận chuyển bằng đường sông đến đoạn sông gần vị trí thi công tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) với cự ly khoảng 170km. Cuối cùng cát biển được bơm lên bãi tập kết và vận chuyển đến vị trí thi công.
Theo ông Thi, trong quá trình vận chuyển cát từ ngoài biển vào công trình, qua nhiều lần vận chuyển thì độ mặn trong cát đã giảm.
Theo số liệu phân tích, về mặt cơ lý của đoạn đường được đắp bằng cát biển thì không khác gì cát sông. Còn về độ mặn và hàm lượng clorua trong nước mặt, đến thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy việc thi công đắp cát biển làm thay đổi hàm lượng nêu trên", ông Thi nói.
Cát biển: Lối ra cho các dự án giao thông
Dù hiện nay hầu hết các công trình giao thông đang trong tình trạng thiếu nguồn cát đắp nền trầm trọng dẫn đến các dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ, tuy nhiên việc dùng cát biển để đắp nền vẫn cần có thời gian đánh giá một cách đầy đủ và khoa học nhất.
Ông Trần Văn Thi cho biết hiện nay các đơn vị có liên quan vẫn tiếp tục thực hiện công tác quan trắc định kỳ hằng tháng tại đoạn đường thí nghiệm. Theo đó, tập trung quan trắc độ lún, chuyển vị ngang để đánh giá độ ổn định của nền đắp cát theo thời gian và so sánh giữa đoạn có đắp cát biển và cát sông.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng quan trắc các chỉ số môi trường của nước mặt, nước ngầm (độ mặn, hàm lượng clorua, độ pH) và các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất (đồng, chì, kẽm, crom, cadimi, asen) để theo dõi có hay không ảnh hưởng của cát biển theo thời gian.
Theo ông Thi, mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận và các đơn vị liên quan về các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Thắng một lần nữa khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và quyết liệt chỉ đạo, trong đó Bộ GTVT được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm làm rõ tính khả thi của việc sử dụng cát biển làm vật liệu cho hạ tầng giao thông và xây dựng.
Do đó, ông Thắng đã yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương trình Bộ GTVT các định mức thi công và vận chuyển cát biển, chỉ dẫn kỹ thuật của đoạn thí điểm đồng thời hoàn thiện hồ sơ, báo cáo hội đồng đánh giá kết quả thí điểm.
Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá của hội đồng, giao Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường tham mưu Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu việc sử dụng cát biển làm vật liệu cho hạ tầng giao thông và xây dựng.
Thiếu cát đắp nền trầm trọng
Tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về vật liệu thi công cao tốc ở các tỉnh vùng ĐBSCL, ông Trần Văn Thi - giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - cho biết tiến độ thi công toàn tuyến hiện đạt khoảng 9%.
Dự án cần tổng cộng 18,1 triệu m3 cát, tuy nhiên đến nay lượng cát được các tỉnh bố trí cho những dự án này mới chỉ khoảng 1,47 triệu m3, đạt 8% so với nhu cầu.
Theo ông Thi, khó khăn lớn nhất là giải quyết nguồn vật liệu để đắp nền, tiến độ dự án đang chậm khoảng ba tháng.
Cũng tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về vật liệu thi công cao tốc ở các tỉnh vùng ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh thông tin địa phương được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần ba dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Dự án này cũng đang thiếu nguồn cát thi công. Hiện tỉnh đã đăng ký làm việc với tỉnh An Giang về giải pháp khai thác cát phục vụ thi công dự án.
Chuẩn bị quy trình khai thác cát biển
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng đã có đề nghị các thành viên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo tổng hợp chung đến thời điểm hiện nay về căn cứ pháp lý, hướng dẫn thủ tục điều tra, thăm dò, khai thác, đánh giá trữ lượng, kết quả đánh giá tác động môi trường đối với các khu vực thăm dò khai thác cát biển. Từ đó tạo thuận lợi cho việc khai thác cát biển đắp nền.
Ngoài ra, ông Thắng cũng đề nghị thành viên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng báo cáo về các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nông nghiệp, ngư nghiệp có quy định độ mặn trong nước tưới tiêu, nước mặt, đất trồng để làm cơ sở đánh giá mức độ tác động của độ mặn khi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường hoặc san nền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận