Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng trao đổi với đại biểu trong giờ giải lao tại hội nghị lần 2 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X - Ảnh: Tự Trung |
Đó là những nội dung đáng chú ý mà ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - đặt ra trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X ngày 2-12.
Mục tiêu là phải tạo chuyển biến nhanh ngay trong năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP.HCM.
Xác định rõ trách nhiệm
“Trong vòng 6-9 tháng, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan có thể cam kết thực phẩm trong Co.op Mart, trong hệ thống phân phối của Satra là tuyệt đối an toàn, thực phẩm bẩn không thể lọt vào không? Sở NN&PTNT có thể cam kết kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm từ vườn rau, chuồng trại đến mâm cơm của người dân hay không?” - ông Võ Văn Thưởng đặt thẳng vấn đề khi đề cập việc cụ thể hóa nội dung “xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt” trong nghị quyết Đại hội X.
Xung quanh việc cải thiện môi trường đầu tư để tạo bình đẳng cho các thành phần kinh tế, ông Thưởng đặt vấn đề phải quan tâm đến các chỉ số về năng lực điều hành của chính quyền.
Theo ông Thưởng, dù chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (CPI) năm 2014 của TP.HCM lần đầu tiên vào top 5, nhưng có nhiều chỉ số bị đánh giá dưới trung bình như tính năng động của bộ máy chính quyền thấp, thiết chế pháp lý không minh bạch, cạnh tranh bình đẳng không cao, tiếp cận đất đai ngày càng khó, thủ tục ngày càng rườm rà...
“Muốn cải thiện môi trường đầu tư là phải cải thiện những thứ đó. Muốn các chỉ số này tăng thì cần xác định rõ trách nhiệm là của ai, phải phân công cụ thể” - ông Thưởng chỉ đạo.
Phải có “điểm liệt” trong đánh giá cán bộ
Phát biểu tại phiên bế mạc, ông Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM, khẳng định công tác cán bộ là khâu quyết định, then chốt trong mọi vấn đề. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Thưởng cho rằng nếu đánh giá cán bộ không đúng sẽ dẫn tới bố trí không đúng, tạo sự không công bằng, giảm sức mạnh cả hệ thống.
“Đây là khâu mà chúng ta vẫn nhận là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ. Ngay trong năm 2016 phải tạo được chuyển biến rõ rệt trên cơ sở xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ” - ông Thưởng yêu cầu.
Theo ông Thưởng, trước mắt phải xác định một số tiêu chí “điểm liệt” mà nếu rơi vào đó thì không thể đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chẳng hạn như giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư mà môi trường đầu tư không được cải thiện, thủ tục rườm rà, doanh nghiệp kêu ca thì không thể xem là hoàn thành nhiệm vụ.
Tương tự, nếu việc tiếp cận thông tin đất đai và thủ tục đất đai chậm thì phải tính đến trách nhiệm của giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường. Xây dựng trái phép, lấn chiếm vi phạm hành lang an toàn tràn lan thì giám đốc Sở Xây dựng không thể đứng ngoài cuộc.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải mà để ùn tắc giao thông tăng lên thì năm đó phải chịu đánh giá về mức độ hoàn thành công việc. Có làm sát sườn như vậy mới có thể cải thiện, nâng cao chức trách nhiệm vụ của cán bộ công chức.
Thay đổi phong cách làm việc
“Trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cái lớn nhất người ta mong đợi là làm sao phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, chúng ta cũng xác định rồi, cán bộ công chức là công bộc của dân. Trong các lĩnh vực cải cách hành chính, con người và thủ tục hành chính phải có bước chuyển rõ rệt” - ông Võ Văn Thưởng khẳng định.
Trong năm 2016, yêu cầu đặt ra là phải làm sao nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, thực hiện tốt yêu cầu công khai minh bạch xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng chính quyền điện tử phù hợp với chính quyền đô thị...
Ông Thưởng cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu để đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và phương pháp, phong cách làm việc của cán bộ.
“Đổi mới trước hết là cách ra nghị quyết, kết luận, cách tổ chức học tập nghị quyết của các cấp ủy như thế nào... làm sao trong mỗi nội dung, chương trình, kế hoạch đều phải có người chịu trách nhiệm, nếu không làm cụ thể được thì rất khó đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” - ông Thưởng nói.
“Nhiệm kỳ này, toàn TP.HCM có 15 bí thư, chủ tịch cấp quận, huyện là người mới, thay đổi năm đồng chí trong thường trực UBND TP.HCM, thay đổi lãnh đạo một số sở, ngành. Nhiều đồng chí dày dạn kinh nghiệm đã thôi đảm đương nhiệm vụ, dành chỗ cho những cán bộ mới trẻ hơn.
Xã hội chờ đợi xem đội ngũ mới này làm việc như thế nào. Đây là thách thức lớn đòi hỏi các cán bộ phải nằm lòng, luôn trăn trở, làm thế nào để khẳng định sự tin cậy của tổ chức, của nhân dân là không sai” - ông Thưởng đặt kỳ vọng.
Người đứng đầu phải nêu gương Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM, yêu cầu TP.HCM phải đẩy mạnh đổi mới một cách quyết liệt, có bài bản trong cải cách hành chính, đưa công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, làm cơ sở để tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân. “Chúng ta đã giảm được thời gian làm thủ tục thuế, hải quan. Vậy còn những nơi khác có nhiều thủ tục liên quan đến người dân như Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài nguyên - môi trường, các quận huyện... tại sao không làm được?” - ông Hải đặt vấn đề. Cũng theo ông Hải, liên quan đến công tác tiếp dân, nếu nói chính quyền của dân, do dân, vì dân, trọng dân mà những bức xúc chính đáng của người dân không được lắng nghe, giải quyết thì không thể chấp nhận được. Ông Hải yêu cầu TP.HCM quan tâm nhiều hơn đến công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước. Muốn phát huy sức dân phải có chủ trương chính sách, cách làm hợp lòng dân. Đặc biệt, liên quan đến chi tiêu công, trong cấp ủy, người đứng đầu phải nêu gương, nhất là trong vấn đề mua sắm, sử dụng xe công, vấn đề đi nước ngoài, tổ chức lễ hội... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận