Đây không chỉ là cá biệt, tại TP.HCM có khoảng 60 chung cư tương tự. Gọi đó là những bất động sản "tâm trạng" bởi nó gây ra bao lo lắng, bất an cho người mua.
Trong số những người vướng cảnh bất động sản "tâm trạng", có những người nhận nhà nhưng không ra được sổ.
Có người nhận nhà nhưng nay bỗng nhiên bị mời ra khỏi nhà để ngân hàng xiết nợ bởi khoản vay trên trời rơi xuống do chủ đầu tư gây ra. Cũng có người lỡ ôm phải bất động sản "tâm trạng" nhưng lại mất cả chì lẫn chài.
Lý do là chủ đầu tư đã cầm tiền của người mua nhưng vẫn đem thế chấp, rồi không trả được nợ, bị ngân hàng xiết, đem đấu giá.
Sau nhiều năm đóng tiền, người mua trắng tay, bên mua lại qua đấu giá nghiễm nhiên bán lại các căn hộ này với giá cao hơn nhiều so với giá người mua ban đầu.
Còn người mua ban đầu chỉ được trả lại tiền đã đóng kèm chút tiền lãi nhưng không đủ để có thể đi mua căn hộ khác.
Và mới nhất là Đồng Nai cũng đã khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái Giang Điền (Công ty cổ phần du lịch Giang Điền).
Đây cũng là bất động sản "tâm trạng" vì hàng ngàn người đã góp hơn 1.000 tỉ đồng nhưng mãi vẫn không thấy đất hợp pháp...
Một rừng bất động sản "tâm trạng" này cho thấy có thời điểm pháp luật về nhà đất chưa chặt chẽ hoặc thực hiện không nghiêm, để cho các doanh nghiệp bất động sản tác oai tác quái, lợi dụng thậm chí lạm dụng người mua đang khát chỗ ở.
Xử sao với những chủ đầu tư gây ra bất động sản "tâm trạng"? Khó. Nhưng chẳng lẽ cứ để dây dưa mãi, vì càng để lâu, qua thời gian, chủ đầu tư lặng lẽ biến khỏi thị trường, khi đó người mua lãnh đủ.
Còn để như hiện nay mà không có sự can thiệp từ chính quyền, pháp luật, đã đang và sẽ còn diễn ra những cuộc đối đầu bất tận giữa người mua nhà và ngân hàng, trong khi chủ đầu tư vô tư "lặn tăm", khi đó phần thiệt rơi vào người mua nhà.
Bài học từ khu dân cư mật độ thấp và du lịch sinh thái Giang Điền là một kinh nghiệm đáng tham khảo.
Bởi lẽ các chủ đầu tư trước đây đã bất chấp hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để làm càn, nay chỉ có dùng pháp luật để xác định đúng sai, khi nào quyền lợi của người mua được bảo vệ, bảo vệ đến đâu...
Thậm chí trong trường hợp xấu nhất, bản án của tòa sẽ là cơ sở để phân định quyền lợi của người mua. Né tránh thực tế và chậm giải quyết dứt dạt các dự án bất động sản này, quyền lợi của người mua sẽ chẳng bao giờ được bảo vệ.
Chúng ta đang chuẩn bị triển khai việc quản lý thị trường bất động sản theo các luật mới vừa ban hành, dự kiến có hiệu lực từ 1-8 tới. Các lỗ hổng sẽ được bịt lại, nạn lạm dụng sẽ bớt đi nhưng không loại trừ một số doanh nghiệp vẫn làm càn.
Và dù bất kể thế nào, quyền lợi của những người mua trước đây vẫn phải được pháp luật bảo vệ.
Những bản án nghiêm khắc là lời cảnh tỉnh ngăn các chủ đầu tư còn ý định làm càn, đồng thời trả lại sự công bằng cho hàng ngàn người mua nhà do đã lỡ ôm phải bất động sản "tâm trạng", sớm giúp họ khép lại những quãng thời gian đầy tâm trạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận