Sau đó nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Trong đó một số bạn đọc cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện xây dựng các dự án đang làm và các dự án đã có đề xuất lâu nay là điều kiện quan trọng để giảm ùn tắc.
Bạn đọc Nguyễn Hồ Hoàng Dũng (ngụ quận 12) cho biết: Chúng ta nên khai thác tối ưu các tuyến hẻm (gần các ngã tư, ngã ba) hiện tại bằng cách gắn bảng chỉ dẫn để xe có thể đi vào đó, tránh dồn nén, rối loạn giao thông các giao lộ.
Những dự án đang mở rộng, nâng cấp đường cần phải đẩy nhanh tiến độ, dọn các "lô cốt" công trường và thu hẹp các dải phân cách, tiểu đảo để có thêm chỗ cho xe cộ đi. Còn những dự án đang đề xuất, thấy hợp lý thì nên quyết và làm sớm, đừng để hoài trên "mặt giấy".
"Việc làm đường trên cao, cầu vượt thép qua các giao lộ cũng cần được TP.HCM chú trọng hơn. Vốn dĩ nhà cửa hiện giờ quá đông, mặt bằng khó di dời nên biện pháp nêu trên có thể sẽ khả thi", ông Dũng chia sẻ.
Một bạn đọc khác thẳng thắn: "Đường ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung không nở ra mà số lượng xe lại không ngừng tăng lên. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tắc đường. Đồng thời không ít người dân lấn làn và ý thức đi đường quá kém. Như vậy, TP.HCM vẫn kẹt xe là bình thường".
TP.HCM đang quản lý khoảng 10 triệu xe, chưa kể xe các tỉnh đến. Dù việc mở rộng đường và cách phát triển hạ tầng giao thông sao cho tối ưu vẫn đang được cơ quan chức năng tích cực quan tâm, do độ nén dân số, bài toán giải quyết câu chuyện kẹt xe vẫn còn đầy khó khăn.
Bạn đọc T.H. cho rằng cùng với việc tính toán mở rộng đường, TP.HCM cần nhanh chóng quy hoạch, giãn dân ra ngoại thành. Đồng thời khuyến khích dời các công ty, cơ sở dịch vụ, trường học, bệnh viện… ra dần ngoại thành.
"Nhà tôi ở đường Âu Cơ mà hiện mỗi ngày đều phải đi đường vòng hoặc né giờ cao điểm để về nhà. Một số dự án như mở rộng đường Trường Chinh và Âu Cơ cùng các đường lân cận có nghe bàn luận lâu nhưng chưa thấy làm", bạn đọc Hoàng Phi nói.
Trong khi đó bạn đọc [email protected] viết TP.HCM kẹt xe xuất phát từ nguyên nhân chính là mất cân bằng cung cầu. Điều nên làm bây giờ là phải tăng cung và kiểm soát cầu.
Trên thế giới đã có nhiều bài học tương tự về việc mở thêm đường để tăng năng lực giao thông, nhưng chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn. Sau đó tình trạng kẹt xe vẫn tái diễn và thậm chí gây nghẹt cả mạng lưới nhiều hơn.
"Tóm lại, phát triển giao thông lấy xe hay đường làm trung tâm là một kịch bản không bền vững, cũng không hiệu quả. Chúng ta phải lấy con người làm trung tâm, đồng thời nhấn mạnh vai trò giao thông công cộng và tích hợp giao thông, quy hoạch đô thị (đô thị nhỏ gọn, nén, TOD, đa tâm…)", bạn đọc này chia sẻ quan điểm.
Các bạn đọc khác cũng hiến kế để TP.HCM thống kê lượng xe ra vào TP.HCM theo mục đích và thời gian. Trước đây TP.HCM chỉ kẹt vào các giờ cao điểm khi người dân đi làm và tan ca. Còn bây giờ khi nào cũng đông đúc, thậm chí đông gấp mấy lần khi xưa.
Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra, quản lý về việc người dân đi sai làn đường, lấy lại diện tích đường, hẻm bị lấn chiếm.
Nhanh chóng làm metro để giảm kẹt xe
Bạn đọc có nick name Lão Gàn cho rằng để giao thông công cộng phát triển thì chắc chắn phải hạn chế được các xe cá nhân bằng cách thu, tiêu hủy xe không đảm bảo an toàn, giảm việc cá nhân mua xe mới.
Nhanh chóng dốc mọi nguồn lực để xây dựng, đưa các tuyến metro vào khai thác cũng là một giải pháp quan trọng được bạn đọc Tuổi Trẻ đề xuất. Bạn đọc cho rằng có metro là giải quyết được rất nhiều vấn đề, người dân sẽ giảm đi xe máy. Các đô thị vệ tinh sẽ hình thành để giãn dân ra vùng ngoại ô.
Trong khi chờ đợi các tuyến metro hoàn thành, TP.HCM có thể cân nhắc làm đường 2-3 tầng trên các con đường chính, taxi trên sông, tuk tuk... như ở Bangkok (Thái Lan).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận