03/10/2024 13:59 GMT+7

Giải quyết kẹt xe ở TP.HCM, cần xử lý ngay nút thắt cổ chai và lấn chiếm lề đường

Khi chưa có điều kiện lẫn thời gian làm cầu vượt, đường trên cao, đường hầm... việc cần làm ngay là xử lý các nút thắt cổ chai và lấn chiếm lòng lề đường để góp phần làm giảm kẹt xe ở TP.HCM.

Giải quyết kẹt xe ở TP.HCM phải dẹp ngay thắt nút cổ chai và lấn chiếm lề đường - Ảnh 1.

Xe cộ ken đặc trên quốc lộ 1, đoạn thuộc TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, để hạn chế tình trạng kẹt xe ngày càng trở nên trầm trọng như hiện nay ở TP.HCM, ngoài việc phát triển xe công cộng, quy hoạch giãn dân, bạn đọc còn cho rằng phải làm đường trên cao dành riêng cho xe máy.

Theo bạn đọc Võ Anh Tuấn, đây là phương án khả thi nhưng chi phí cao và thời gian thi công lâu nên sẽ ảnh hưởng đến xe cộ đi lại trên đường.

Nhằm góp thêm góc nhìn xung quanh vấn đề này, bạn đọc Võ Anh Tuấn đề xuất một số giải pháp trước mắt, cần làm ngay.

Đèn tín hiệu 4 pha: Đổi thói quen, ít tốn kém

Ở ngã tư hiện tại, thay vì đèn tín hiệu 2 pha như truyền thống thì đổi thành 4 pha. Với đèn tín hiệu 2 pha truyền thống, dòng xe rẽ trái xung đột với dòng xe đi thẳng của chiều ngược lại, gây xung đột ảnh hưởng cả hai hướng đi. 

Khi chuyển sang phân luồng 4 pha, khi cho phép rẽ trái thì cả hai hướng đường đều rẽ trái. Cái được tiếp theo là khi cho phép đi thẳng thì cả hai hướng đường đều đi thẳng, không bị xung đột.

Quy trình đèn tín hiệu 4 pha như sau:

    - Pha 1: Đèn xanh cho hướng đi thẳng và rẽ phải của hai chiều hướng bắc - nam. Các hướng khác sẽ có đèn đỏ.

    - Pha 2: Đèn xanh cho hướng rẽ trái của hai chiều hướng bắc - nam. Các hướng khác sẽ có đèn đỏ.

    - Pha 3: Đèn xanh cho hướng đi thẳng và rẽ phải của hai chiều hướng đông - tây. Các hướng khác sẽ có đèn đỏ.

    - Pha 4: Đèn xanh cho hướng rẽ trái của hai chiều hướng đông - tây. Các hướng khác sẽ có đèn đỏ.

    (Lưu ý: Mỗi pha sẽ có thời gian cụ thể tùy thuộc vào lưu lượng giao thông tại giao lộ đó)

Đèn tín hiệu 4 pha, dù tưởng kéo dài hơn nhưng tổng thời lượng không thay đổi. Với 2 pha truyền thống, chẳng hạn 120s thì mỗi hướng là 60s; chuyển sang 4 pha thì mỗi pha là 30s.

Vấn đề còn lại là cho phép phân luồng hỗn hợp trước khi vào giao lộ để thuận tiện cho hướng đi. Nếu rẽ trái thì ở vị trí bên trái để chờ đèn; nếu đi thẳng thì ở vị trí bên phải để chờ đèn, bất kể ô tô hay xe máy.

Thực tế ở TP.HCM đã có, chẳng hạn giao lộ Mai Chí Thọ - Tố Hữu ở TP Thủ Đức ngay đầu hầm Thủ Thiêm, Nguyễn Hữu Thọ - đường D4 và đường số 15 ở quận 7… xe không ùn ứ và tâm lý người đi đường khá thoải mái khi vượt nút giao này.

Phương án này chỉ thay đổi thói quen chờ đèn chứ không phát sinh nhiều chi phí.

Xử lý ngay nút thắt cổ chai, lấn chiếm lòng lề đường 

Hiện nay ở TP.HCM, việc làm cầu vượt kết hợp với đèn tín hiệu 4 pha là cần thiết.

Theo đó, đường nào có lưu lượng lớn thì sẽ được làm cầu vượt. Khi đó dòng xe đi thẳng ở đường ưu tiên không phải giảm tốc độ.

Trên mặt đường còn lại vẫn áp dụng đèn tín hiệu 4 pha để giải quyết cho hướng rẽ trái của đường ưu tiên và duy trì thói quen chờ đèn tín hiệu 4 pha.

Có một số cầu vượt giải quyết tình trạng kẹt xe khá hiệu quả, đặc biệt nút giao thông Hàng Xanh.

Nếu có điều kiện nữa thì áp dụng phương án này kết hợp với triển khai chủ đạo đường một chiều. Khi đó, luồng lưu thông gần như không phải giảm tốc. Phương án này được Bangkok (Thái Lan) áp dụng và đã giải quyết thành công tình trạng kẹt xe ở một số khu vực.

Nhìn chung, việc làm cầu vượt, làm đường trên cao hay làm đường hầm chui... để giảm kẹt xe là xu hướng chung của các đô thị phát triển. Tuy nhiên phương án này phù hợp hơn với ngoại thành hoặc những khu có thể quy hoạch mới. 

Và khi chưa có điều kiện triển khai được thì áp dụng các giải pháp "hai trong một" này là cần thiết và khả thi.

Nhưng trước mắt, để giải quyết tình trạng kẹt xe cần xử lý ngay tình trạng nút thắt cổ chai và lấn chiếm lòng lề đường.

Chẳng hạn, nút thắt cổ chai ở Đinh Tiên Hoàng ngay vị trí dòng xe từ đường Điện Biên Phủ nhập vào; nút thắt cổ chai ở Tôn Đức Thắng ngay vị trí dòng xe từ đường Nguyễn Hữu Cảnh nhập vào; nút thắt cổ chai ở Nguyễn Hữu Thọ ngay vị trí dòng xe từ đường số 15 nhập vào và dọc lên chân cầu Kênh Tẻ… luôn là nỗi ám ảnh hằng ngày với người đi đường.

Ở một số nơi, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, đặc biệt vào giờ cao điểm cũng góp phần gây kẹt xe. 

Còn tại nút thắt cổ chai mà có thêm hoạt động mua bán lấn chiếm lòng lề đường, người đi xe dừng lại mua hàng càng khiến tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng. 

Giải quyết kẹt xe ở TP.HCM phải dẹp ngay thắt nút cổ chai và lấn chiếm lề đường - Ảnh 2.Kẹt xe: 'Chuyện của trăm năm', vì sao dai dẳng, khó dứt?

Kéo dài nhiều năm và diễn ra khắp mọi nơi, để giải quyết được vấn đề kẹt xe phải kiên trì tháo gỡ từng nút thắt và kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên