24/01/2021 11:50 GMT+7

Giải quốc tế được sở công nhận có được tuyển thẳng đại học?

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Tại khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, một học sinh đặt câu hỏi về việc đạt giải quốc tế chỉ được Sở GD-ĐT TP.HCM công nhận thì có được tuyển thẳng đại học hay không.

Giải quốc tế được sở công nhận có được tuyển thẳng đại học? - Ảnh 1.

Em Thành Phát, Trường THPT Thành Nhân, đặt câu hỏi đến ban tư vấn liệu học sinh đoạt các giải thưởng quốc tế có được tuyển thẳng đại học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Giải đáp thắc mắc này ở Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại TP.HCM sáng 24-2, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT - cho biết quy chế quy định thí sinh đạt giải quốc tế được tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển. 

"Tuy nhiên phải xem giải đó có nằm trong quy định không, tầm quốc tế thế nào. Thời gian qua cũng có rất nhiều thí sinh hỏi về vấn đề này. Năm 2021 này, Bộ GD-ĐT sẽ công bố danh sách tất cả các kỳ thi quốc tế được công nhận tuyển thẳng để thí sinh biết", ông Hùng nói.

"Nếu sở công nhận thì bộ có thể xem xét để đưa vào diện tuyển thẳng. Hiện có nhiều địa phương phối hợp với một số nước tổ chức các kỳ thi cũng gọi là quốc tế nhưng tầm và quy mô nhỏ, chưa nằm trong quy định tuyển thẳng".

Nhiều thí sinh ngoài việc hỏi về ngành nghề còn lo lắng về cơ hội việc làm sau khi ra trường. Chia sẻ vấn đề này, TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - tư vấn: trước hết thí sinh cần xác định nghành nghề mình yêu thích, phù hợp với năng lực và thế mạnh, cân nhắc xem mình có đủ đam mê để theo đại học không.

"Không đủ đam mê sẽ khó ra trường, nói gì đến việc làm. Nếu cảm thấy mình không đủ đam mê, thí sinh nên chọn các bậc học thấp hơn hoặc học nghề. Hàng năm tỉ lệ sinh viên của trường tốt nghiệp khoảng 75%, khoảng 5% chuyển tiếp ra nước ngoài tiếp tục học tập. 

Phần còn lại do chọn ngành nghề theo ba mẹ nên không đúng sở thích, từ đó không có đam mê, chán nản dẫn đến bị buộc thôi học", ông Thắng nói thêm.

Giải quốc tế được sở công nhận có được tuyển thẳng đại học? - Ảnh 2.

Sinh viên Nguyễn Trí Nam Phương (ĐH Bách khoa TP.HCM) đến khu vực tập trung các trường chuyên về kinh tế để tư vấn cho các bạn ngành quản lý công nghiệp của trường ĐH Bách Khoa. Nam Phương chia sẻ: "Vì đây là ngành duy nhất ở trường có dạy về kinh tế nhưng khi các bạn đến gian hàng của trường đa số hỏi về các ngành kỹ thuật, cơ khí nên mình đến vị trí này, nơi có nhiều bạn tìm hiểu các ngành về kinh tế để tư vấn" - Ảnh: HOÀNG AN

Chia sẻ băn khoăn này, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết học đại học giúp sinh viên có kiến thức nền để có thể chuyển đổi ngành nghề sau khi tốt nghiệp. 

"Đừng nghĩ muốn làm ngân hàng phải học ngân hàng, làm giáo viên phải học sư phạm… Các thầy ngồi đây tư vấn không ai từng theo học sư phạm cả. Vấn đề làm sao để khi tốt nghiệp đại học ta có kiến thức, nhận thức, kỹ năng để có thể chuyển đổi nghề nghiệp thuận lợi hơn người khác thôi", ông Hùng nói.

Th.S Phùng Quán, trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cung cấp thêm số liệu: theo mã ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 370 ngành đào tạo bậc đại học. Trong khi đó có khoảng 3.000 nghề, số nghề sẽ thay đổi khoảng 10% mỗi năm, và khoảng hơn 20.000 đầu công việc khác nhau. Nghĩa là việc làm nhiều và đa dạng hơn so với số ngành đào tạo.

Một nữ sinh cho biết muốn có kiến thức để làm những ngôi nhà chắc chắc và tiện ích, nhưng không biết là nữ thì có thể theo học ngành xây dựng không. TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - tư vấn: Thí sinh có thể theo học ngành kiến trúc, nếu không có năng khiếu vẽ có thể theo học ngành xây dựng.

"Ngành nghề không liên quan đến giới tính. Mỗi người có đặc trưng giới tính, kỹ năng phù hợp với một số ngành nghề, nhưng điều đó không có nghĩa là nữ không thể học xây dựng. Xây dựng có nhiều lĩnh vực. Ngoài công trường có những nữ chỉ huy", ông Thắng tư vấn.

Giải quốc tế được sở công nhận có được tuyển thẳng đại học? - Ảnh 3.

Nữ sinh Lê Đại Hùng Cường (THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) nghe tư vấn về chương trình đào tạo từ xa của Đại học Công nghệ TP.HCM - Ảnh: NHẬT THƯ

Đối với phương thức xét tuyển, TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết năm nay các trường đại học sử dụng nhiều phương thức khác nhau.

Khoảng 72% trường đại học, học viện nước sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Khoảng 50% trường đại học có xét tuyển qua học bạ. Khoảng 30% trường đại học sử dụng điểm của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức.

"Kỳ thi này đánh giá tổng hợp năng lực của thí sinh chứ không thiên lệch về một môn thi nào. Nhiều phương thức xét tuyển, thí sinh có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với bản thân. Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý, chọn phương thức xét tuyển phù hợp với bản thân chứ không phải chọn để vào đại học bằng mọi cách", bà Mai tư vấn.

Bắt đầu Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP.HCM Bắt đầu Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP.HCM

TTO - Từ 7h sáng 24-1, Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại TP.HCM đã diễn ra trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (268 Lý Thường Kiệt, Q.10) với rất nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích trong suốt cả ngày.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên