Đến nay đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP đã có 1.689/1.692 trường hợp đã đồng ý bàn giao mặt bằng, trong khi đường vành đai 4 vùng thủ đô có khả năng hoàn thành sớm 1 năm.
Kinh nghiệm từ dân vận
Sáng 13-11, TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề để thảo luận, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, do UBND TP.HCM và Ban Dân vận Thành ủy phối hợp tổ chức.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng dân vận là một nội dung có tính cốt lõi, quyết định thành bại trong đầu tư thực hiện các công trình, dự án. Cách thức dân vận cho từng dự án trọng điểm được các đại biểu "mổ xẻ" rất chi tiết để thấy những cách làm hay, sáng tạo cũng như những bài học kinh nghiệm để đời của những dự án ì ạch kéo dài.
Một trong những điển hình kiểu mẫu trong vận động nhân dân giải phóng mặt bằng có thể kể đến là dự án đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua TP. Kinh nghiệm đó là gì?
Theo lãnh đạo Ban Giao thông, trước hết phải xác định giải phóng mặt bằng là việc khó, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn mất an ninh trật tự, vì vậy cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong đó công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, yếu tố then chốt với sự quyết tâm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
Góp ý thêm, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng công tác chỉ đạo thường xuyên, liên tục của ban chỉ đạo, ban chỉ huy dự án cũng rất quan trọng trong giải quyết những vấn đề phát sinh, các khó khăn vướng mắc, không để xảy ra ách tắc công việc. Hay công tác xác định giá bồi thường, hỗ trợ sát giá thị trường trong điều kiện bình thường là yếu tố tiên quyết để người dân đồng thuận chủ trương của Nhà nước và sớm bàn giao mặt bằng.
Đường vành đai 4 Hà Nội: giải phóng mặt bằng từ cấp quận huyện
Tháng 7-2021, Hà Nội cùng hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã trình hồ sơ dự án lên Chính phủ.
Ngày 25-6-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công dự án trên tại đồng loạt 3 tỉnh thành Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án này bao gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỉ đồng, chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần. Như vậy, toàn tuyến có chiều dài 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km, Hưng Yên là 20,3km, Bắc Ninh là 21,2km.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay sau hơn 1 năm thi công khẩn trương, hiện dự án đường song hành đã đạt 30%, phần lớn dự án đang làm móng và mặt đường nhiều đoạn đã được thảm bê tông nhựa.
Dự kiến đường song hành của dự án vành đai 4 có thể hoàn thành vào quý 4-2025, vượt tiến độ 1 năm. Như vậy, dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô chỉ mất gần 3 năm từ khi chuẩn bị đầu tư cho đến khi hoàn thành. Đây là mốc thời gian rất ấn tượng đối với dự án lớn.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết có ba bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai.
Theo đó, Hà Nội đã ủy quyền cho các quận huyện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.
Ngoài ra, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh thành có dự án đi qua đã chỉ đạo công nhân, người lao động làm việc xuyên lễ, Tết để dự án đảm bảo tiến độ.
Để có đủ cát, đá phục vụ thi công dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô thì Hà Nội và Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đã cấp phép những mỏ cát đá riêng, không để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu khi thi công.
Có mặt bằng mới có công trình
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường đề nghị lãnh đạo các cấp ủy các địa phương, các sở ngành, UBND các quận huyện tập trung triển khai chỉ đạo để thực hiện đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.HCM đối với các dự án, sớm đưa công trình vào phục vụ người dân.
Làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng góp phần ổn định tình hình của người dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP; góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng sắp tới TP.HCM còn rất nhiều dự án dự kiến triển khai như 11 điểm TOD thực hiện nghị quyết 98, dự án đường vành đai 4... Việc đẩy mạnh hơn nữa công tác phân cấp, ủy quyền, nhất là việc để các địa phương quyết định về biện pháp hỗ trợ, những chính sách hỗ trợ thêm theo Luật Đất đai cũng là một trong các giải pháp cho vấn đề giải phóng mặt bằng.
Trên cơ sở các kết quả đạt được phải ngày càng đổi mới, sáng tạo hơn, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đặc biệt trong việc phát huy công tác dân vận, vận động nhân dân đồng thuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận