11/03/2019 10:33 GMT+7

Giải phóng điều cố hữu để tiếp thu cái mới

NGỌC TÀI thực hiện
NGỌC TÀI thực hiện

TTO - Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng không nên đặt nặng bằng các mục tiêu xa vời cho khởi nghiệp ở địa phương, không coi đó là thành tích của cá nhân hay của giai đoạn.

Giải phóng điều cố hữu để tiếp thu cái mới - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Ảnh: CHÍ QUỐC

Với nhiều thanh niên khởi nghiệp ở Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan là chỗ dựa tinh thần. Ông có thói quen gửi những bài viết hay, những kinh nghiệm mới, gợi ý đường đi cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Khởi nghiệp đã không còn xa lạ với thanh niên Đồng Tháp, tuy nhiên con đường ấy không hề dễ dàng, nhiều dự án khởi nghiệp ở Đồng Tháp đang bước vào cuộc đua cam go. Tuổi Trẻ trao đổi với ông Lê Minh Hoan về việc hỗ trợ phát triển khởi nghiệp địa phương.

Mỗi khi các bạn có sản phẩm mới đều gửi mail khoe với anh Sáu Hoan, đó là niềm vui lớn với ảnh. Khi có dự án khởi nghiệp mới, chính anh mail cho tôi và những đơn vị liên quan giao nhiệm vụ hỗ trợ hết mình.

Bà Phạm Thị Ngọc Đào (phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Đồng Tháp phụ trách Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp)


Người trẻ hãy "mở" cái đầu của mình ra

* "Bản đồ" khởi nghiệp Đồng Tháp đã lên đến con số 55 dự án, không phân biệt độ tuổi, ngành nghề, đã nói lên điều gì thưa ông?

- Khởi nghiệp đã lan tỏa đến nhiều giai tầng, thành phần xã hội, từ các bạn trẻ đến người lớn tuổi, các bạn đang làm ăn xa, du học sinh trở về... làm cho bức tranh khởi nghiệp thêm phong phú, đa dạng. Nhiều bạn đã kết nối, hỗ trợ nhau, một sản phẩm chia ra nhiều bạn làm. 

Cảm động hơn khi tôi thấy các bạn trẻ đã động viên, hướng dẫn cho nhau, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế khởi nghiệp.

* Trong nhiều buổi gặp gỡ với cộng đồng khởi nghiệp, ngoài động viên, ông còn mang đến những câu chuyện thực tế, những quyển sách đáng đọc... Ông muốn truyền tải đến họ điều gì?

- Thế giới rộng lớn vô cùng, chúng ta còn nhỏ bé lắm, đất nước mình cũng chưa phải một đất nước giàu có. Đồng Tháp lại xa những trung tâm lớn về khoa học công nghệ nên tôi cố gắng trong chừng mực nào đó bù đắp cho các bạn trẻ khởi nghiệp chưa có điều kiện tiếp cận.

Ngoài ra, thông qua những câu chuyện, những cuốn sách hay, những phát hiện nơi này nơi nọ, tôi muốn nhắn nhủ rằng muốn khởi nghiệp thành công, hay muốn thành công trong đời người, chúng ta phải học nhiều, đọc nhiều, trải nghiệm nhiều, quan sát nhiều, hợp tác với nhau nhiều hơn nữa.

Tôi muốn các bạn hãy "mở" cái đầu mình ra, giải phóng những điều cố hữu trong đầu rồi tiếp thu cái mới. Các bạn phải thấy rằng mình cần tiếp thu những kiến thức mới trước khi bắt đầu hành động. Trước khi nhận một đồng vốn nào đó phải biết mình đang ở đâu, còn những lỗ hổng nào trong kiến thức cần phải học tập.

Lúc đó, tôi sẵn sàng tạo kênh để các bạn học hỏi, như hiện tại tỉnh đã thành lập câu lạc bộ của những doanh nghiệp dẫn đầu, những người đã thành công, đã đứng lên sau thất bại. Từ đây các bạn học hỏi, bổ khuyết cho kiến thức và tầm nhìn của mình.

Giải phóng điều cố hữu để tiếp thu cái mới - Ảnh 3.

Trần Thanh Tiền (huyện Hồng Ngự) với mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao - Ảnh: NGỌC TÀI

* Trong các cuộc thi khởi nghiệp, ông thường có mặt để động viên hoặc bất thình lình xuất hiện tại nhà họ, tham quan mô hình, góp ý, thậm chí còn viết báo để quảng bá sản phẩm khởi nghiệp. Đến nay ông còn trăn trở điều gì còn chưa làm được?

- Khi tôi đi đến một cuộc thi khởi nghiệp, chính tôi cũng đang đi học khởi nghiệp. Những kiến thức về khởi nghiệp của tôi một phần cũng đến từ các cuộc thi khởi nghiệp, từ các chuyên gia, người phản biện. Từ đó tôi mang những kiến thức đó về chia sẻ cả một cộng đồng khởi nghiệp. 

Cũng là một chuyến đi, tôi làm được nhiều chuyện hơn chứ không phải đi với tâm thế chỉ để động viên, vỗ vai người này người nọ hay lên chụp hình kỷ niệm.

Điều tôi trăn trở là trong đội ngũ lãnh đạo của tỉnh, trong hệ thống ban, ngành tỉnh không phải ai cũng hiểu được giá trị chiều sâu của khởi nghiệp. Chúng ta đang tạo ra những con người trong tương lai, đó không chỉ là đội ngũ cán bộ kế thừa, quy hoạch nhiệm kỳ này hay nhiệm kỳ sau mà chính là ta đang xây dựng lực lượng tạo ra nền kinh tế trong tương lai.

Chúng ta dễ nhìn những cái mà chúng ta đếm được của quá khứ và hiện tại nhưng chưa nhìn được những giá trị tương lai để đắp nền ngay từ bây giờ. 

Sự chưa hiểu đúng và đủ một phần nào đó cản trở hành trình các bạn trẻ khởi nghiệp, nhưng mà dần dần tôi cũng đã thuyết phục được.

Mỗi lần khó khăn luôn nghĩ về chú, để cố gắng là một phần tương lai của Đồng Tháp. Nên bây giờ tạm gác lại mọi cuộc hẹn, gặp gỡ để lo cho mùa lúa năm nay, để không phụ lòng chú luôn âm thầm động viên, ủng hộ.

Bạn Võ Văn Tiếng (thanh niên khởi nghiệp với thương hiệu gạo Tâm Việt - một trong những “con sếu đầu đàn” của khởi nghiệp Đồng Tháp)


Dựa dẫm, mượn uy sẽ thất bại

* Nhìn lại thấy buổi đầu của các dự án khởi nghiệp của Đồng Tháp cũng còn chưa được nhìn nhận, vì theo tư duy, định nghĩa lúc đó thì khởi nghiệp là phải có yếu tố công nghệ. Đánh giá của ông về mặt được và chưa được của các dự án khởi nghiệp tỉnh nhà?

- Định nghĩa về khởi nghiệp có rất nhiều, có nhiều người cho rằng khởi nghiệp phải có yếu tố công nghệ, phải có mô hình kinh doanh thật đặc biệt. Tôi cho rằng khởi nghiệp là tạo ra một giá trị mới, từ ý chí, ước mơ, khát vọng...

Đồng Tháp có rất nhiều dự án khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Trong điều kiện Đồng Tháp hiện nay và nhiều địa phương khác, chúng ta hãy hạnh phúc với điều đó. Trước khi chúng ta chạy, nhảy thì chúng ta phải biết đi cái đã. Tài nguyên bản địa vẫn còn, chúng ta phát huy rồi từ từ công nghệ sẽ đến, các giá trị cần thiết khác sẽ đến...

Giải phóng điều cố hữu để tiếp thu cái mới - Ảnh 5.

Mô hình nuôi ong tận dụng hoa tràm, lấy mật của Trần Thành Long, huyện Tam Nông - Ảnh: N.TÀI

* Vài năm trước Đồng Tháp có tham vọng trở thành địa phương khởi nghiệp. Tỉnh sẽ tạo ra sự khác biệt nào để biến điều này thành hiện thực?

- Chúng ta không nên quá đặt nặng bằng những mục tiêu xa vời rồi khi không đạt được thì lại nản, mà nên chia ra thành từng giai đoạn, khi vượt qua một giai đoạn ta cảm thấy vui mừng và tích lũy thêm năng lượng.

Đồng Tháp cũng đang chia ra nhiều giai đoạn. Ví dụ thời gian này chỉ phát huy tài nguyên bản địa, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bước tiếp theo: từ những sản phẩm có tiềm năng mình áp dụng những công nghệ mới, những mô hình quản trị mới, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Quan trọng hơn cả là làm sao khởi nghiệp phải thẩm thấu vô cả hệ thống, phải xem đó là sự vun đắp cho tương lai chứ không phải là thành tích của ai đó, của một giai đoạn nào đó.

* Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp xem ông như một chỗ dựa. Đã bao giờ ông sợ rằng các bạn có tâm lý dựa dẫm hoặc mượn "oai" của mình không?

- (Cười) Tôi thấy các bạn "dựa hơi" để cảm thấy ấm lòng, tìm một hơi ấm trong lúc cảm thấy bị "lạnh nhạt" ở đâu đó; hoặc khi các bạn cần chia sẻ một điều gì đó, cần sự động viên đúng lúc. Điều này tôi nghĩ hoàn toàn không xấu mà còn cần thiết, tôi sẵn sàng để trở thành chỗ dựa cho các bạn.

Còn việc dựa dẫm, hay mượn "oai" tất nhiên có nhưng tôi đã nói rất rõ với các bạn ấy, khởi nghiệp mà các bạn chỉ dựa dẫm, mượn uy danh để xin một tài trợ khác, các bạn không thể khởi nghiệp được đâu, rồi cũng sẽ thất bại. Các bạn phải tự đứng trên đôi chân của mình.

​Ông Lê Minh Hoan tái đắc cử bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

TTO - Đại hội Đảng bộ Đồng Tháp lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc, công bố kết quả bầu Ban chấp hành khoá mới gồm 54 người.

NGỌC TÀI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên