Tàu dầu GALILEAN 7 được lai dắt vào ụ khô của DQS ngày 15-10. Nước sẽ được rút ra sau khi tàu vào ụ để công nhân bắt đầu sửa chữa - Ảnh: DUY LINH
Trời miền Trung mấy ngày này mưa bão thất thường, dòng chảy dưới biển cũng biến đổi khôn lường khiến việc lai dắt con tàu chở được đến 2 triệu thùng dầu thô trở thành thử thách lớn.
Phải đến lần thử thứ hai, sau hơn 3 giờ và huy động 8 tàu lai dắt cùng hàng trăm công nhân, hoa tiêu mới đưa được tàu dầu dài hơn 334m, rộng 58m vào ụ khô.
"Chỉ cần chậm vài tiếng nữa thôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Dòng chảy mạnh quá, có lúc con tàu mấy trăm ngàn tấn bị đẩy dạt theo chiều ngang nên lại phải kéo ra biển, đợi thời tiết thuận lợi hơn" - ông Nguyễn Anh Minh, phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), kể về việc đưa tàu chở dầu khổng lồ tên GALILEAN 7 vào ụ ở cảng Dung Quất ngày 15-10.
Hợp đồng lần này giống như một tiếng chuông báo hiệu với thế giới rằng Việt Nam chúng ta có đủ năng lực - từ con người đến ụ khô - để đón nhận và sửa chữa những con tàu có kích cỡ khủng.
Ông NGUYỄN ANH MINH (phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất)
Hai năm đàm phán ròng rã
Khi việc đâu đã vào đấy, nhiều công nhân DQS mới có thời gian ngước nhìn con tàu cao sừng sững hơn tòa nhà 10 tầng, chưa kể 5 tầng phần boong của nó. Đây là lần đầu tiên họ tiếp nhận con tàu lớn như vậy, ngay trong thời buổi kinh tế toàn cầu khó khăn vì đại dịch COVID-19.
Đưa tàu được vào ụ để sửa chữa khó một phần, đưa được nó từ nước ngoài về Việt Nam còn khó khăn bội phần. Lục lại ký ức, ông Minh cho biết quá trình đàm phán, giành được hợp đồng hoán cải con tàu về cho DQS kéo dài đến 2 năm, có lúc ông tưởng chừng phải từ bỏ.
Chủ đầu tư là người sở hữu nhiều giàn khoan khai thác dầu ở châu Phi, muốn hoán cải GALILEAN 7 thành kho chứa nổi trên biển (để bán trực tiếp cho các tàu mua từ ngoài biển). Dù chỉ là bên thực hiện hoán cải, DQS phải đeo bám dự án suốt từ quá trình chủ đầu tư tìm mua tàu phù hợp mục đích làm ăn của mình.
Một buổi đàm phán hợp đồng của DQS với bên chủ đầu tư thuê toàn các công ty châu Âu làm tư vấn - Ảnh: DQS
Ông Minh phải bay đi bay lại, sang tận châu Phi, không chỉ phải thuyết phục chủ đầu tư là tỉ phú Ben mà còn phải chứng minh năng lực với các công ty tư vấn châu Âu được ông Ben thuê đánh giá. Đối thủ của công ty Việt Nam khi ấy là những công ty Trung Quốc nhiều vốn, sở hữu những ụ khô lớn hơn và có chuỗi cung ứng đồng bộ hơn.
Sự kiên trì của người đàm phán cùng kinh nghiệm đóng hàng chục tàu lớn ở Việt Nam, cộng thêm hồ sơ minh bạch và trung thực của DQS đã thuyết phục được vị tỉ phú châu Phi thích ăn rau muống xào và những tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam.
"Nếu ông tỉ phú mua tàu ở Trung Đông thay vì Hàn Quốc, có lẽ cơ hội thắng thầu cho DQS sẽ thấp hơn do khoảng cách về Việt Nam quá xa. Tuy là tỉ phú giàu có nhưng ông Ben rất kỹ trong chuyện tiền bạc làm ăn, ông ấy đàm phán chi phí cho từng hạng mục, tới từng đôla trong khi việc hoán cải tới hàng ngàn hạng mục" - ông Minh giải thích về những khó khăn vì nhiều người nói làm ăn với tỉ phú châu Phi sẽ dễ hơn các nước khác.
Đánh tiếng với thế giới
GALILEAN 7, tàu chở dầu có kích thước lớn hơn cả tàu sân bay Mỹ, giờ đã nằm yên trong ụ khô của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. Con tàu sẽ trải qua quá trình "lột xác" hơn 5 tháng trước khi được đưa sang châu Phi.
Việc hoán cải tàu GALILEAN 7 sẽ gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ khi tàu vào ụ khô cho đến hết tháng 12 năm nay. Con tàu sau đó được lai dắt ra neo đậu trên biển, chờ đến tháng 2-2021 để nhận và lắp đặt các thiết bị đặc chủng đặt mua từ nước ngoài do đây là các sản phẩm chuyên dụng, chỉ chế tạo khi có đơn đặt hàng.
Tàu dầu GALILEAN 7 được lai dắt vào ụ khô của DQS ngày 15-10 - Ảnh: D.L.
GALILEAN 7 được xếp vào dạng Suezmax, một thuật ngữ hàng hải dùng để chỉ những con tàu có kích thước đạt tới giới hạn tối đa có thể đi qua kênh đào Suez.
Chỉ riêng việc thắng được hợp đồng hoán cải tàu GALILEAN 7, theo ông Minh, đã khiến nhiều doanh nghiệp châu Phi và Trung Đông gõ cửa DQS đặt vấn đề đưa tàu của mình tới Dung Quất.
Nếu được nới lỏng các quy định tạm nhập - tái xuất, ông Minh tin rằng lợi thế cạnh tranh của DQS nói riêng và doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam nói chung trước các đối thủ nước ngoài sẽ tăng lên đáng kể.
Đây là lần đầu tiên ụ sửa chữa của DQS đón nhận một con tàu khủng đúng với thiết kế kỹ thuật của mình. Với chiều dài 380m, rộng 86m, ụ khô của DQS có thể đón tàu 450.000 tấn - thuộc loại lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á chỉ có mỗi Singapore là có loại tương tự.
Đứng ở bên ụ, kỹ sư Nam khoe các hợp đồng của gần 500 con người của DQS đã "đầy ắp" đến tận giữa năm sau. "Kỹ năng làm việc của anh em chúng tôi rất tốt, đủ sức đọ với các công ty trong khu vực" - kỹ sư Nam nói đầy tự hào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận