Joan Cornellà Vázquez, sinh 1981, theo học chuyên ngành mỹ thuật tại Barcelona (Tây Ban Nha). Anh từng cộng tác tranh với nhiều tờ báo như La cultura del Duodeno, El Periódico, truyện tranh với El Jueves và từng vẽ cho The New York Times. Cảm hứng lớn của Cornellà có từ nhóm hài đại thụ trường phái phi lý Anh, Monty Python và tranh của những họa sĩ Glen Baxter, Helge Reumann.
Joan Cornella là họa sĩ nổi danh bởi kiểu hài hước siêu thực, “đen” và dị đặc trưng, trong hai phương tiện sáng tác chính là comic strip (truyện tranh ngắn) và sáng tác độc lập. Tác phẩm của anh thường được mô tả là gây ức chế hoặc phản cảm.
Thông qua một ngôn ngữ hình ảnh tinh giản, anh dùng sự châm biếm, đả kích như công cụ bình luận về bản chất xấu xa. Thậm chí là sự tối tăm của con người thông qua vô số những kịch bản khác thường chỉ có trong tưởng tượng, nhưng cũng lấy từ cuộc sống, từ mối gắn bó trái tự nhiên với mạng xã hội, văn hóa selfie tự sướng tới những chủ đề thời sự như nạo phá thai, nghiện ngập, các vấn đề giới tính – không chừa một chủ đề nào.
“Tôi đồng tình với một câu của diễn viên hài Bill Hicks, có một sự bình đẳng trong toàn thể nhân loại chúng ta. Chúng ta người nào cũng tào lao. Trong tranh của tôi, các nhân vật đều có vẻ giả tạo và nở nụ cười to tướng bất kể những gì điều khủng khiếp thường trực xảy ra. Mọi sự đều được thổi phồng lên, dù ta có thể cảm thấy một số quen thuộc từ trong cuộc sống”.
Thoạt nhìn, tác phẩm của Cornellà có vẻ bông lơn, hóm hỉnh, nhân vật đều có một kiểu cười không chút gì đặc biệt, trên tông màu sáng, vui tươi (gợi nhớ về kiểu tranh quảng cáo của thập niên 50 thế kỷ trước).
Nhưng khi đã nhìn kỹ hơn, nét bệnh hoạn và bản chất đáng khiếp sợ mới lộ tỏ. Cornellà đánh thẳng vào những chủ đề cấm kị, bị né tránh, mổ xẻ chúng bằng tiếng cười và gợi ý hình ảnh tối giản, minh họa những chết chóc vô tình hoặc cố ý. Anh không sử dụng bong bóng thoại nào, mà hình ảnh là thứ duy nhất lên tiếng.
“Tôi cho rằng chúng ta đều cười cợt trước khổ đau. Chúng ta phải bắt đầu từ quan niệm, khi cười, chúng ta đang cười một ai đó hay một chuyện gì đó. Dù có lòng cảm thông hay không, sẽ luôn có một chút gì đó cay nghiệt trong tiếng cười. Bất chấp nhận thức này, tôi biết rõ rằng nếu như những gì tôi vẽ ra xảy ra ở đời thật, chẳng đời nào tôi cười.”
Chắc chắn nghệ thuật này không dành cho tất cả mọi người - Facebook và Instagram không ít lần đã cấm không cho Cornellà đăng nội dung.
Vậy mà khán giả và fan của anh có điểm chung, đó là một mức độ hồ nghi, bi quan yếm thế nào đó trong những trải nghiệm đã qua. Đôi khi, chính họ còn cảm thấy… thẹn vì khoái trá trước thứ hài hước đen… thui này.
Kây Pi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận