Mở đầu hội nghị, nhà báo Trần Xuân Toàn đã giới thiệu clip từ thực tế chuyến khảo sát của báo Tuổi Trẻ vào ngày 25-4. Đó là trường hợp cụ thể của anh Lâm Tuấn Kiệt, 32 tuổi, ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh, Kiên Giang.
Mỗi tháng, anh Kiệt phải mất khoảng 2,2 triệu đồng tiền mua nước ngọt. Ngoài ra anh Kiệt cũng phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua khạp giữ nước sinh hoạt trước đó. Anh còn phải dùng bạt tạo ra một "hồ chứa" để rửa mặn nguồn nước, nhưng đáy bạt đã đóng muối thành từng lớp.
Xưa "sống chung với lũ", nay "sống chung với hạn mặn"
Anh Kiệt sống chủ yếu trồng lúa và nuôi cua, nhưng lúa vụ này không thể làm, còn cua không đạt được năng suất tốt do không đủ điều kiện nuôi tốt nhất.
"Hàng trăm ngàn nông dân vùng duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với hạn, mặn gay gắt như anh Kiệt. Nắng quá, phải trốn vào nhà không làm ăn gì được. Mà có muốn sản xuất cũng không thể.
Trước đây chúng ta hay nhắc về ĐBSCL với cụm từ sống chung với lũ ở ĐBSCL, nhưng giờ đây chúng ta phải chuyển qua cụm từ sống chung với hạn mặn. Đây là lý do báo Tuổi Trẻ và các cơ quan, chuyên gia, lãnh đạo các địa phương tham gia vào việc thúc đẩy các giải pháp để tìm nguồn nước cho ĐBSCL, tìm cách đối phó với hạn mặn nói riêng và đối phó với sự biến đổi khí hậu nói chung", ông Toàn phát biểu.
Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hiếu - phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường - đưa ra những thách thức lớn của ĐBSCL hiện nay như nguồn nước mặt chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài vì hàng loạt công trình thủy điện, công trình chuyển nước đã và đang triển khai.
Bên cạnh đó là nguồn nước mặt phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian, ĐBSCL đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.
Cùng với đó là vấn đề suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn và nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, áp lực về gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội.
Nên tăng cường các giải pháp thuận thiên để sống với hạn mặn
Theo ông Hiếu, giải pháp trước mắt là tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn.
Vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng hạn chế thiệt hại.
Đồng thời phải vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, giữ vệ sinh nguồn nước, có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, tránh lãng phí nguồn nước ngọt. Chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra...
Về lâu dài, ông Hiếu đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đặc biệt trong quá trình đầu tư phát triển các ngành phải tuân thủ quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt, đặc biệt lưu ý định hướng phát triển các ngành phù hợp với các vùng sinh thái (nước mặn, nước lợ, nước ngọt) đã chỉ ra trong các quy hoạch và NQ 120 của Chính phủ.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn - giảng viên cao cấp khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ - nhấn mạnh chúng ta đã phí phạm nguồn nước rất nhiều trong khi thực hiện các giải pháp chống hạn mặn.
"Trước đây khi quy hoạch ở ĐBSCL, người xưa đã tạo ra các hệ thống kinh trục dọc và ngang ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau... cùng với các tuyến kinh kết nối hình sao thành các Ngã Năm (Sóc Trăng) và Ngã Sáu, Ngã Bảy (Hậu Giang). Chính điều này đã giúp phân tán để mặn không xâm nhập sâu.
Trong khi đó chúng ta càng chặn mặn bởi các công trình chừng nào thì năng lượng thủy triều không phân tán mà giữ nguyên và đẩy mặn lên cao nữa, đi sâu vào các vùng nội địa.
Cống ngăn mặn khi chúng ta đóng lại đồng thời cũng giữ lại theo các dòng nước ngọt ô nhiễm. Vì sao chúng ta càng chống mặn, mặn càng gay gắt?", ông Tuấn phát biểu.
Theo ông Tuấn, việc làm sao có các giải pháp thuận thiên là điều phải quan tâm để giữ được an ninh nguồn nước.
Giải pháp ông Tuấn đưa ra là các giải pháp chung như cắt giảm các sản xuất công nghiệp có mức xả thải cao, tăng cường pháp chế liên quan kiểm soát nguồn nước.
Thường xuyên theo dõi các vấn đề nước xuyên biên giới trên lưu vực, tăng cường bảo tồn nguồn nước và sử dụng nước hợp lý, chia sẻ thông tin nguồn nước rộng rãi, hiện đại hóa hệ thống quan trắc nguồn nước.
Cụ thể về việc khắc phục hạn, mặn, ông Tuấn cho rằng nên phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng, công trình hồ chứa nước lũ và vật dụng chứa nước mưa, xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm, chuyển diện tích lúa - màu sang nuôi trồng thủy sản và tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn.
Hội thảo Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp nối chuỗi sự kiện Việt Nam Xanh của báo Tuổi Trẻ phát động từ ngày 20-4.
Tham dự sự kiện có nhiều lãnh đạo TP Cần Thơ, Cà Mau... và các chi cục thủy lợi, chi cục bảo vệ môi trường, chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau...
Cùng với hơn 100 khách tham dự là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện các sở ngành, các chi cục chuyên môn, hợp tác xã, nông dân tại ĐBSCL.
Đặc biệt, có sự tham dự của các chuyên gia đến từ Israel, nơi nguồn nước "quý hơn vàng" nhưng đã xây dựng được ngành nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận