Mùa hạn mặn 2024 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Dẫn chúng tôi đi sâu vào con đường giữa ấp 2, xã Thạnh Hòa, Bến Lức, Long An, anh trưởng ấp Dương Thành Phong chỉ hàng loạt vườn chanh đang bị héo úa lá, những con kênh lộ đáy, nứt nẻ. Đây là nơi có diện tích trồng chanh lớn nhất của vùng Tây Nam Bộ.
"Năm ngoái lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã có mưa về. Năm nay giờ này chưa thấy gì hết ráo. Nắng kéo dài thêm cỡ hai tuần nữa là mấy vườn này chết khô hết", anh Phong nói.
Mương cạn, đồng khô
Xã Thạnh Hòa nằm ven sông Vàm Cỏ Đông. Vào ngày này, độ mặn 4gam/l đã tiến sâu vào đất liền hơn 72km so với mực nước biển, xâm nhập đến vùng trồng chanh của xã này. Cùng kỳ năm 2020, độ mặn chỉ vào sâu khoảng 58km.
Ngành nông nghiệp Long An báo cáo tới thời điểm hiện tại, tỉnh đang có hơn 4.600ha chanh và cây ăn trái có khả năng bị giảm năng suất do ảnh hưởng hạn mặn.
"Trước mùa hạn này, bên ngành nông nghiệp đã khuyến cáo. Bà con cũng tự nạo vét lại kênh mương để cho nước vào trữ. Nhưng khô hạn kéo dài như năm nay không có cách gì trữ đủ nước được", anh Phong nói.
Tương tự, đi sâu xuống tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi cũng gặp cảnh những cánh đồng hoa màu chết cháy. Nguồn nước mặt đã cạn kiện, đến nay mạch nước ngầm cũng không còn nhiều. Một lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết vụ mùa 2023 - 2024, nông dân thị xã trồng 5.400ha hành tím lấy củ với sản lượng khoảng 105.000 tấn.
"Mùa khô năm nào cũng vậy, thiếu nước mặt để tưới. Do đó bà con phải khoan giếng để lấy nước tưới tiêu nên mực nước ngầm bị tụt, xảy ra thiếu nước. Nhiều bà con phải đào hố, phủ bạt lên, sau đó canh giờ, bơm nước vào dự trữ để sử dụng", vị lãnh đạo này nói.
Anh Thạch Hen, có thâm niên 30 năm trồng hành tím, kể khoảng 20 năm trước, chỉ đào xuống vài mét là có nước ngọt, xài thoải mái. Bây giờ khác xa, phải khoan ống sắt sâu đến 130m mới có nước. Tuy nhiên, nhiều lúc nước lên nhỏ giọt.
"Ai cũng khoan cây nước nên nhiều thời điểm nước yếu. Do vậy phải tranh thủ bơm tưới lúc giữa trưa hoặc nửa đêm. Lúc này ít người bơm tưới, nước cũng khá hơn. Kiểu này chắc vài năm nữa sẽ không còn nước ngầm để trồng màu luôn", anh Hen lo lắng.
Còn tại tỉnh Cà Mau, bà Đinh Thị Tám (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) có 1,5ha trồng hoa màu cũng đang đứng ngồi không yên vì các con kênh, mương xung quanh đã cạn trơ đáy. Thiếu nước tưới cho hoa màu nên bà Tám thuê thợ về khoan giếng để tìm nước ngọt.
"Tôi phải khoan sâu hơn 180m mới có nước ngọt, chi phí tốn hơn 20 triệu đồng cho máy bơm và công khoan. Nước bơm lên không thể tưới cho hoa màu liền được nên đưa ra ao để trữ và dẫn ra ruộng", bà Tám nói.
Không chỉ hoa màu, cây ăn trái bị giảm năng suất do thiếu nước ngọt, những vùng nuôi thủy sản nước ngọt tại nhiều tỉnh thành cũng đang bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ngọt cạn kiệt, mặn xâm nhập sâu.
Riêng những vùng nuôi thủy sản nước lợ tại Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu..., những vuông tôm, cua cũng bị thiệt hại rất nặng nề bởi nước mặn xâm nhập với độ mặn quá cao, cộng thêm nắng nóng gay gắt dẫn đến tôm, cua bò lên bờ chết hoặc nhiễm bệnh mà chết mòn.
Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, nắng nóng, dịch bệnh trên cua đã khiến cua nuôi của hơn 500 hộ dân ở Cà Mau bị chết, diện tích cua bị ảnh hưởng trên 1.900ha.
Anh Nguyễn Hải Âu, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, bộc bạch thời gian gần đây cua nuôi bị chết hàng loạt đã làm gia đình anh lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi thu nhập không còn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nắng nóng, hạn mặn xâm nhập kéo dài đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân ĐBSCL, nhất là những vùng giáp biển. Từ đó nguồn cung nông sản cung cấp cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu chắc chắn bị ảnh hưởng theo.
Phải khoan giếng lấy nước sinh hoạt
Ở các vùng nông thôn Cà Mau mỗi nhà dân đều có khoan một giếng nước để bơm sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày. Nhà nào trồng thêm hoa màu, cây ăn trái thì phải khoan thêm một hoặc vài cây nước khác để phục vụ tưới tiêu mùa hạn. Ông Bùi Văn Hiệu, huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: "Nhà tôi đến nay đã phải khoan hai cây nước mới đủ xài".
Và theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 233.800 hộ dân ở nông thôn và hơn 77% người dân tự khoan giếng để sử dụng nước ngầm.
Trong khi đó, riêng nước sinh hoạt cho nông thôn cũng được Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng triển khai 100% từ nước ngầm. Hiện đơn vị này đang quản lý, vận hành 144 công trình cấp nước tập trung, phục vụ trên 112.000 hộ dân.
Theo lãnh đạo trung tâm này, toàn tỉnh hiện có 21.318 hộ dân trên địa bàn 37 xã, phường bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, đang có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Việc cung cấp nước sinh hoạt đô thị chủ yếu cũng từ khai thác nước ngầm.
Còn theo Công ty Cấp nước Sóc Trăng, công suất cấp nước vào mạng lưới của công ty khoảng 70.000m3/ngày đêm, nguồn nước khai thác chủ yếu là nước ngầm (chiếm 89%) và nước mặt 11%.
Công ty hiện đang quản lý 64 giếng, trong đó có 14 giếng tầng sâu, 50 giếng tầng nông và 2 trạm khai thác nước mặt để cung cấp nước sạch cho gần 100.000 hộ khách hàng.
Tìm nguồn nước ngọt nơi đâu
Ông Võ Kim Thuần, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết vào mùa khô năm 2016, Long An đã đưa vào quy hoạch dự kiến bốn hồ chứa nước trên khắp địa bàn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như nguồn đất công không đủ, khó giải phóng mặt bằng... các dự án này vẫn chưa đi vào thực hiện được.
Còn ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng ý tưởng dẫn nước ngọt về các tỉnh hạ nguồn không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã được lãnh đạo tỉnh Bến Tre manh nha từ sau đợt hạn mặn 2019 - 2020. Và cần tiếp tục nghiên cứu đến phương án dẫn nước ngọt từ sông Đồng Nai cũng như một số nơi khác về để không chỉ phục vụ riêng cho tỉnh Bến Tre mà còn các địa phương khác.
Bởi theo ông Tam, nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai rất dồi dào, cao độ của hệ thống sông này cao hơn rất nhiều so với tỉnh Bến Tre và nhiều khu vực tại vùng ĐBSCL nên việc khơi dòng hoặc lắp đặt hệ thống ống dẫn nước về khu vực miền Tây rất thuận lợi.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, lại cho rằng giải bài toán thiếu nước sinh hoạt tại khu vực này cần kết hợp cả phương pháp truyền thống (chứa trong lu, khạp, hồ chứa) lẫn hiện đại như lọc nước mặn, đầu tư cấp nước...
Vấn đề là cần có sự đầu tư thực sự trên thực tế, bởi nếu không thì năm nào cũng sẽ lặp lại điệp khúc "khát" nước như đang diễn ra.
* Tiến sĩ NGUYỄN NGỌC HUY (chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai):
Đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề cấp thiết
Trong vòng hai thập niên gần đây, El Nino có xu hướng lặp lại bốn năm/lần với thời gian lâu hơn và cường độ cao hơn. Giai đoạn 2010 trở về trước, El Nino chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ 5 - 7 tháng mỗi đợt, với chuẩn sai nhiệt độ (mức nhiệt độ tăng so với trung bình hằng năm) của El Nino cao nhất là dương 1,6oC.
Nhưng từ năm 2011 đến nay, mỗi khi có El Nino thường kéo dài từ 10 - 19 tháng. Như giai đoạn 2015 - 2016 kéo dài 19 tháng, giai đoạn 2019 - 2020 kéo dài 10 tháng, và giai đoạn hiện nay 2023 - 2024 được dự báo sẽ kéo dài 13 tháng. Chuẩn sai nhiệt độ El Nino cũng cao hơn nhiều so với các giai đoạn trước.
Chẳng hạn năm 2016 El Nino có nhiệt độ tăng 2,6oC và giai đoạn 2023 - 2024 là 2oC. Như vậy, El Nino có xu hướng kéo dài hơn và khốc liệt hơn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến an ninh nguồn nước của ĐBSCL.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận