
Anh Ngô Hoàng Vỹ (37 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12) phát hiện mình làm giám đốc vào năm 2022 và trình báo. Chưa được giải quyết thì đến năm 2024 anh bị cấm xuất cảnh - Ảnh: NVCC
Anh Ngô Hoàng Vỹ (quận 12, TP.HCM) bị cấm xuất cảnh do bỗng dưng có tên làm giám đốc một doanh nghiệp nợ thuế.
Thủ tục đăng ký doanh nghiệp rất mở
Theo luật sư Trần Hậu (Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng), pháp luật doanh nghiệp hiện nay đang quy định thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo quy trình mở.
Khi cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành các thủ tục trên hồ sơ người thành lập doanh nghiệp đã nộp, và chỉ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ bằng việc xác định hồ sơ đã đầy đủ giấy tờ và đã kê khai đầy đủ theo quy định.
Có nghĩa là hoạt động này không qua bước thẩm định thực tế người đại diện doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp. Điều này là hướng đi nhằm giảm sự phiền hà, rắc rối của thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên với quy trình như hiện nay, tính chính xác, trung thực và hợp pháp của hồ sơ phụ thuộc phần lớn vào người thành lập doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Điều này cũng tạo ra khoảng trống pháp lý ở chỗ có trường hợp tự ý dùng thông tin cá nhân của người khác để mở doanh nghiệp không đúng thực tế, thiếu trung thực.
"Người bị đánh cắp thông tin không chỉ bị xâm phạm quyền riêng tư về thông tin mà còn đối diện với các rủi ro pháp lý rất lớn, đặc biệt khi doanh nghiệp được thành lập để thực hiện các hoạt động phạm pháp" - luật sư này phân tích.
Theo luật sư Trần Hậu, chưa bàn đến các trách nhiệm phát sinh trong các hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp, với riêng nghĩa vụ nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, nếu doanh nghiệp nợ thuế thì người bị mạo danh nếu bị kê khai là cá nhân kinh doanh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo Luật Quản lý thuế năm 2019.
Theo một luật sư Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn trường hợp nếu muốn yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giả mạo phải trải qua tuần tự 2 bước.
Đầu tiên là yêu cầu cơ quan công an xác định, điều tra và phải có được văn bản trả lời của cơ quan công an về việc nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.
Bước thứ hai là cung cấp chứng cứ để yêu cầu cơ quan đăng ký doanh nghiệp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giả mạo.
Do đó nhiều trường hợp các cá nhân bị sử dụng trái phép thông tin cá nhân gặp vào những tình huống tình ngay lý gian, muốn chứng minh ngay mình bị giả mạo hồ sơ hầu như không thể thực hiện.
"Nếu muốn xóa nợ thuế thì lại cần phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo quy định pháp luật về thuế, người bị giả mạo mặc nhiên bị cấm xuất cảnh, bị hạn chế những quyền cá nhân mà không thể chứng minh ngay mình đúng.
Thực tế quy định hiện hành đang đẩy trách nhiệm không đáng có cho người bị giả mạo, việc phải xoay xở trong nhiều quy trình, thủ tục phức tạp để chứng minh mình là người bị hại thực sự là một sự rắc rối lớn" - luật sư này nói.

Anh Ngô Hoàng Vỹ nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tránh thuận tiện quản lý mà đẩy rắc rối cho người bị oan, bị cấm xuất cảnh
Đồng quan điểm, luật sư Trần Hậu cho rằng pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, pháp luật về thuế cần có sự đồng bộ trong các giải pháp xử lý các hành vi giả mạo đăng ký kinh doanh hoặc giải pháp thực thi các hạn chế quyền của cá nhân trong hoạt động doanh nghiệp.
Theo luật sự này về phía quy định đăng ký kinh doanh, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi kinh doanh thì thủ tục nhanh gọn đơn giản là cần thiết.
Tuy nhiên cần quy định cơ quan quản lý việc đăng ký doanh nghiệp phải có bước hậu kiểm, xác minh xem doanh nghiệp mình cấp phép có thật hay không, trong một thời hạn nhất định sau khi doanh nghiệp được đăng ký, cơ quan đăng ký phải xác minh, thẩm tra, nếu doanh nghiệp ảo, doanh nghiệp ma thì phải thu hồi ngay giấy phép để tránh các hậu quả không đáng có.
Việc này ngăn chặn được các doanh nghiệp lập ảo để thực hiện các hành vi phi pháp, nếu làm việc này thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng thể hiện được vai trò giám sát, quản lý của mình.
Thứ hai, về phía quy định xử lý chế tài liên quan đến các chủ doanh nghiệp, các cá nhân nợ thuế, trước khi ban hành các quyết định cấm xuất cảnh hoặc xử lý chế tài khác nhau, cơ quan quản lý thuế cần thẩm tra, xác minh chủ thể bị xử lý xem có thật hay không, họ có thực sự vi phạm hay không để xử lý.
Nếu chỉ lấy thông tin trên cơ sở đăng ký kinh doanh như hiện nay một cách máy móc tự động sẽ rất dễ xử lý oan đối với không ít trường hợp.
"Rõ ràng nếu đồng loạt tự động trích xuất thông tin để cấm một cách máy móc thì tiện cho cơ quan quản lý, nhưng lại đẩy sự rắc rối cho một số người bị xử lý oan.
Họ đã vừa bị sử dụng thông tin cá nhân sai trái chưa được bảo vệ, lại thêm lần nữa bị chế tài, bị cấm xuất cảnh, phải lỡ kế hoạch, hủy chuyến bay, ảnh hưởng đến tài sản, thời gian nhưng lại không ai chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại cho họ" - luật sư Trần Hậu nói.
Pháp luật hỗ trợ, pháp luật kiến tạo cho người dân
Từ quan điểm thể hiện pháp luật hỗ trợ, pháp luật kiến tạo cho người dân, luật sư Trần Hậu đề nghị cần sớm có sự điều chỉnh giữa các quy định để hệ thống cơ sở pháp lý, bảo vệ quyền của các công dân, tránh đẩy điều khó khăn đến công dân chỉ vì sự thuận lợi cho cơ quan quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận