08/08/2022 09:02 GMT+7

Giải pháp nào ngăn bạo lực từ phòng cấp cứu?

THU HIẾN - CHẤN PHONG
THU HIẾN - CHẤN PHONG

TTO - Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, hai bác sĩ tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã bị người nhà hành hung, tấn công trực tiếp.

Giải pháp nào ngăn bạo lực từ phòng cấp cứu? - Ảnh 1.

Nhân viên khoa cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) thăm khám, điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: THU HIẾN

Hàng loạt các vụ hành hung nhân viên y tế liên tục xảy ra, phải chăng đã đến lúc cần có biện pháp mạnh hơn để bảo vệ nhân viên y tế?

Bị dọa dẫm, đòi đánh như "cơm bữa"

Chiều 4-8 tại khoa cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), nữ bác sĩ Tài Công Diễm Thúy đang trực thì bất ngờ một người đàn ông có dấu hiệu say xỉn, trên người có nhiều vết chém chạy tới.

Tại đây, khi được giải thích chỉ cần đợi vài phút chụp X-quang nhưng ông này vẫn hung hăng quát "mày khinh tao nghèo, không có tiền không cấp cứu cho tao" rồi sau đó chạy ra khỏi khoa cấp cứu.

Bác sĩ Diễm Thúy cho hay dù chỉ mới hành nghề được 8 tháng nhưng chị không thể nhớ nổi bao nhiêu lần cùng các êkip trực bị chửi bới, hăm dọa đòi đánh... khiến chị ngày nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ.

Bác sĩ Diêu Hà Lam, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh - người có 20 năm gắn bó với khoa cấp cứu, cho biết việc nhân viên khoa cấp cứu bị hành hung thường xảy ra, nhẹ thì quát tháo nặng thì dọa chém, dọa giết, cầm dao rượt xung quanh bệnh viện. 

Sau nhiều năm công tác ở khoa cấp cứu, bản thân ông cùng các đồng nghiệp của mình từng bị người nhà bệnh nhân cầm dao rượt chém, sau mỗi lần như vậy người xin nghỉ, người xin chuyển khoa.

"Tôi dám khẳng định một điều là hầu hết các bệnh viện đều có tình trạng thiếu bác sĩ khoa cấp cứu, vì nhiều người chỉ làm được 1 - 2 năm là chuyển ngành hoặc nghỉ việc do khoa cấp cứu quá nhiều áp lực lại nguy hiểm, đặc biệt là các đồng nghiệp nữ. 

Cách đây vài năm, tôi từng chứng kiến đồng nghiệp là một nam bác sĩ khi đang sơ cứu, cấp cứu cho bệnh nhân thì bất ngờ bị người nhà cầm dao chém thẳng vào mặt một đường, sau đó vị bác sĩ này đã xin nghỉ việc", bác sĩ Lam nhớ lại.

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 160 - 180 trường hợp cần cấp cứu. Số trường hợp bệnh nhân to tiếng, dọa dẫm, đòi đánh bác sĩ cũng là chuyện "như cơm bữa".

Cũng theo bác sĩ Chức, đa phần xảy ra mâu thuẫn tại khoa cấp cứu là người nhà bệnh nhi. Tâm lý chung của mọi người khi vào cấp cứu là phải được ưu tiên, không quan tâm đến việc cấp cứu ra sao, nặng nhẹ như thế nào, cứ đòi hỏi các bác sĩ phải thăm khám luôn cho mình. 

Do vậy, nhiều người thường nôn nóng, muốn được thăm khám nhanh dễ dẫn đến nổi nóng với các y bác sĩ.

Nên triển khai cảnh sát ứng trực khẩn cấp?

Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho rằng để tránh chuyện hành hung y bác sĩ tại khoa cấp cứu, quan trọng nhất vẫn là khâu sàng lọc, phần luồng và giải thích rõ cho người bệnh. Tuy nhiên nếu khoa cấp cứu có thêm lực lượng công an, các bác sĩ có thể an tâm làm việc. Vấn đề này còn tùy thuộc vào các lực lượng của địa phương.

Một giải pháp đáng chú ý khác là việc các bệnh viện cần thiết lập hệ thống Code grey (hệ thống phản ứng khẩn cấp an ninh, trật tự, khi có trường hợp khẩn cấp). Với hệ thống này, khi có sự cố xảy ra ở phòng cấp cứu, nhân viên y tế chỉ cần bấm nút đỏ, lực lượng công an và bảo vệ sẽ có mặt nhanh nhất có thể để can thiệp. 

Ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ khi xây dựng "Quy trình phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh trật tự - Code grey" vào năm 2019 đến nay đã cho thấy tính hiệu quả của mô hình với sự phối hợp của địa phương.

Kinh nghiệm của một số nước cho thấy việc triển khai lực lượng cảnh sát ứng trực khẩn cấp ngay trong bệnh viện cũng mang đến hiệu quả.

Ở Mỹ, vào năm 2020, chính quyền tiểu bang West Virginia (TP Charleston) áp dụng một dự luật cho phép các bệnh viện tư nhân được thành lập lực lượng cảnh sát túc trực tại chỗ 24/24 giờ.

Theo đó, mục đích của dự luật này là để bảo vệ các y bác sĩ tại các bệnh viện trước các hành động hành hung của bệnh nhân và người nhà. Trước đó, các nhà lập pháp tại tiểu bang Indiana (TP Indianapolis) cũng đã thông qua một dự luật cho phép các bệnh viện thành lập lực lượng cảnh sát tư nhân của riêng mình từ năm 2014.

Theo đó, lực lượng cảnh sát ở các bệnh viện thuộc tiểu bang West Virginia và Indiana được trao quyền hạn tương tự như cảnh sát TP nhưng không yêu cầu họ báo cáo dữ liệu về tội phạm, ngân sách sử dụng hay chi tiết về thời điểm họ sử dụng vũ lực để trấn áp các loại tội phạm tại bệnh viện.

Trong khi đó, từ năm 2020, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã thông qua Đạo luật bảo vệ cấp trung ương dành cho các bác sĩ. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các bang và vùng lãnh thổ duy trì lực lượng cảnh sát túc trực để đảm bảo an toàn cho các bác sĩ và nhân viên y tế công tác tại các bệnh viện hoặc trung tâm sức khỏe.

Cần xử lý nghiêm

Luật sư Trần Minh Cường, giám đốc điều hành Công ty luật Solution & Partners, cho biết người nào có hành vi tấn công các bác sĩ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Theo tôi, trường hợp tấn công nhân viên y tế dẫn đến thương tích hoặc có nguy cơ đe dọa tính mạng thì qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố tội cố ý gây thương tích, thậm chí tội giết người.

Trong trường hợp tấn công nhân viên y tế chưa thành hoặc được can ngăn nhưng có tính chất côn đồ thì cũng có cơ sở để các cơ quan chức năng xem xét dấu hiệu tội gây rối trật tự công cộng hoặc đe dọa giết người", luật sư Cường nhận định.

Người nhà thấu hiểu, bác sĩ sẻ chia

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết để tạo sự gần gũi giữa đội ngũ nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, các bệnh viện cần tăng cường nhân lực cho khoa cấp cứu để có thể nhanh chóng xử lý, tránh người bệnh chờ lâu dẫn đến nôn nóng.

Nhân viên y tế phải thật khéo léo giải thích với người nhà của bệnh nhân, biết cách chia sẻ, giải thích ân cần, nắm bắt tâm lý để người bệnh hiểu và ở chiều ngược lại, y bác sĩ cũng rất mong người nhà có thể thấu hiểu, chia sẻ với công việc của các bác sĩ, hiểu được quy trình cấp cứu, khám chữa bệnh và tin tưởng vào cách làm việc của bác sĩ.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM lên tiếng: Tấn công nhân viên y tế đang cấp cứu là không thể chấp nhận! Giám đốc Sở Y tế TP.HCM lên tiếng: Tấn công nhân viên y tế đang cấp cứu là không thể chấp nhận!

TTO - Sau sự việc một bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tiếp tục bị tấn công sáng 6-8, Sở Y tế TP.HCM lên án hành động này, mong muốn các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm có giải pháp bảo vệ nhân viên y tế.

THU HIẾN - CHẤN PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên