Nhu cầu nhân lực cho ngành y tế cũng ngày càng cao khiến y khoa trở thành ngành "hot", nhiều trường ồ ạt đào tạo với điểm đầu vào thấp. Điều này khiến dư luận lo lắng về chất lượng đào tạo y khoa vốn liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của chuyên gia, người dân về những vấn đề liên quan.
TS.BS Trần Thanh Tùng (phó trưởng bộ môn dược lý, Trường đại học Y Hà Nội):
Dễ dãi sẽ gây hậu quả lớn
Qua kinh nghiệm đào tạo tại Trường đại học Y Hà Nội và một số trường đại học y dược khác trong hơn 20 năm qua, tôi nhận thấy sinh viên có nền tảng kiến thức vững vàng về các môn tự nhiên, bên cạnh đó có trình độ tiếng Anh, tiếng Pháp tốt mới có thể trở thành bác sĩ giỏi. Người xưa đã nói "có bột mới gột nên hồ". Nếu sinh viên đầu vào không tốt, thầy có giỏi đến mấy cũng không đào tạo để có đầu ra tốt được. Các sinh viên này không tiếp thu được kiến thức, quá trình học không tập trung, sợ tiếp xúc với người bệnh...
Nếu chúng ta dễ dãi trong cấp phép đào tạo, dễ dãi trong tuyển sinh viên ngành y sẽ dẫn tới hậu quả lớn cho sau này. Chúng ta nên tập trung vào chất lượng đào tạo bác sĩ thay vì số lượng như hiện nay. Bác sĩ là nghề đặc biệt vì họ là những người chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Để có các bác sĩ "vừa hồng vừa chuyên" thì cần có quá trình tuyển chọn, đào tạo bài bản, chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Bên cạnh đó, các trường đào tạo y khoa tư nhân hiện nay hầu hết là các trường mới, đội ngũ giảng viên chưa đủ cho đào tạo bác sĩ, đôi khi phải mời thêm cho đủ "bộ khung" để được cấp phép đào tạo. Các trường này phải thuê các giảng viên trường ngoài đến thỉnh giảng. Trong khi đó, để thuê được các giảng viên có trình độ thì cần có kinh phí xứng đáng. Cách làm như vậy thường không ổn định và chất lượng không đảm bảo.
Điều kiện phòng thí nghiệm và cơ sở thực hành cho sinh viên y khoa thiếu sẽ dẫn tới kết quả đầu ra không đạt được như mong đợi. Đối với sinh viên y khoa thì được thực hành trong môi trường tốt cùng với đội ngũ giảng viên giỏi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong hành nghề chữa bệnh cứu người sau khi tốt nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM):
Chú trọng cơ sở vật chất
Hiện nay các trường mở ngành hoặc trường chuyên đào tạo khối ngành sức khỏe nhiều nhưng chưa thực sự quan tâm đến chất lượng. Nhiều trường lấy học phí để hoạt động, điều hành do vậy chủ yếu chạy theo số lượng nhưng không quan tâm nhiều đến chất lượng. Thậm chí một số trường không ký được hợp đồng thực hành cho sinh viên ở các bệnh viện. Lý do là bệnh viện không đủ nhân lực để hướng dẫn do sinh viên quá đông, gây phiền hà cho bệnh nhân, một số bệnh viện ký vì chủ trương, ngoại giao.
Một thầy không thể dạy hết 40-50 em sinh viên thực hành, dẫn đến sinh viên ra trường không đủ năng lực khám chữa bệnh. Tôi đã từng phỏng vấn nhiều bác sĩ: "Các em đã được khám bao nhiêu bệnh nhân khi thực tập?". Nhiều bác sĩ cho hay ít được khám vì đông bác sĩ thực tập. Một sinh viên đọc sách 10 năm không thể ra làm bác sĩ được nếu không tiếp cận được bệnh nhân, ngành bác sĩ phải thực hành lâm sàng.
Chất lượng đào tạo y khoa của Việt Nam so với các nước trên thế giới còn rất thấp. Chúng ta cần tập trung đầu tư cho đào tạo. Trong đó chú trọng đến cơ sở vật chất, cơ sở thực hành tiền lâm sàng, phải có cơ sở thực tập... Các trường nào muốn đào tạo ngành y phải đảm bảo cơ sở thực hành riêng. Tại một số nước trên thế giới, một số trường chỉ tuyển khoảng 100 sinh viên, thế nhưng họ đầu tư rất lớn cho từng sinh viên.
PGS Đỗ Văn Dũng (nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Y dược TP.HCM):
Phải đáp ứng nhiều điều kiện
Đào tạo y khoa phải đáp ứng nhiều điều kiện như năng lực và phẩm chất của người theo học y khoa, kinh nghiệm lâm sàng, trình độ khoa học của giảng viên, cơ sở thực hành đa dạng về mặt bệnh và đủ số lượng bệnh nhân... Tuy nhiên, hiện nay một số trường y khoa mới mở có thể không đạt tiêu chuẩn.
Do phải tăng lượng tuyển sinh để tăng doanh số của trường mới mở nên yêu cầu về năng lực của người học có thể bị hạ thấp. Nhiều trường mới mở thường không có đủ giảng viên có đủ kinh nghiệm và trình độ, do những giảng viên có kinh nghiệm thường gắn bó với các trường đại học được thành lập nhiều năm trước đó. Các trường đại học tư cũng thường không có mạng lưới giảng viên gắn kết với các bệnh viện công để giảng dạy tại các bệnh viện công, nên thường nhờ vào các bác sĩ dù có kinh nghiệm lâm sàng nhưng ít có kinh nghiệm giảng dạy.
Ngoài ra các trường y mới thường thu học phí cao, khiến đa số sinh viên vào học là sinh viên từ các gia đình khá giả ở thành thị, cản trở hình thành môi trường giáo dục toàn diện. Tất các điều trên khiến chất lượng các bác sĩ tốt nghiệp từ các trường tư mới có thể có chất lượng chuyên môn kém hơn.
Để có thể giải quyết vấn đề này, cần có sự quan tâm từ lãnh đạo của các trường y mới mở như: khắc phục một phần điểm yếu về năng lực học tập bằng cách bổ sung các tiêu chuẩn tuyển sinh để có sinh viên vào học có đạo đức làm việc tốt, có đam mê cống hiến và giúp đỡ người khác; chọn lựa giảng viên là người có kinh nghiệm, có bằng cấp phù hợp và có khả năng truyền đạt tốt; đầu tư vào các cơ sở thực hành cho sinh viên thực tập; cấp học bổng toàn khóa cho sinh viên nghèo nhưng có thành tích học tập xuất sắc, hỗ trợ tài chính và cung cấp tín dụng học tập toàn khóa cho sinh viên có kết quả học tập tốt.
Tuy nhiên trách nhiệm chính là Nhà nước và các cơ quan quản lý phải có hệ thống kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo với yêu cầu chặt chẽ hơn từ trước khi tuyển sinh khóa đầu tiên về giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở thực hành và sự ổn định tài chính. Sau khi mở trường phải kiểm định thường xuyên và đúng thực chất. Xây dựng kỳ thi cấp giấy phép hành nghề y khoa công bằng, đánh giá chính xác và trên tỉ lệ sinh viên có kết quả tốt trong kỳ thi này để tiếp tục hoặc dừng cho phép đào tạo.
Ông Nguyễn Hoàng Long (cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế):
Đang đề xuất các giải pháp đảm bảo chất lượng
Hiện nay, đào tạo trình độ đại học khối ngành sức khỏe do Bộ GD-ĐT quản lý. Trước khi xin mở ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe, các đơn vị sẽ phải xin ý kiến ngành đó có nhu cầu hay không? Thứ hai, các điều kiện thực hành để xây dựng đề án có đảm bảo hay không? Bộ Y tế sẽ trả lời hai việc này, còn lại do Bộ GD-ĐT quản lý từ cơ sở vật chất, giảng viên... Thực tế, hiện nay các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập mở rất nhiều khoa, ngành đào tạo lĩnh vực y khoa. Khi mở ngành học, các trường lập đề án với các tiêu chí đảm bảo đầy đủ các yêu cầu, có giảng viên, có cơ sở đào tạo... Tuy nhiên, sau đó các trường triển khai thực sự ra sao thì không dễ dàng quản lý.
Hiện cục cũng đang xây dựng đề xuất các giải pháp để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong đó có đánh giá chuẩn chương trình, chuẩn năng lực đầu ra đối với bác sĩ trực tiếp tham gia khám chữa bệnh. Cụ thể, theo quy định một số điều của Luật Khám bệnh chữa bệnh, sau khi tốt nghiệp đào tạo y khoa, sinh viên phải tham gia thực hành nghề nghiệp tại một cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện. Thời gian thực hành tùy vào từng chức danh.
Sau đó, phải tham dự kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề do Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức. Đối với bác sĩ sẽ thực hiện kỳ kiểm tra này từ năm 2027, các chức danh hành nghề khác sẽ thực hiện từ năm 2028. Khi đạt tại kỳ kiểm tra này, các bác sĩ sẽ được cấp giấy phép hành nghề và phạm vi hoạt động là khám chữa bệnh đa khoa. Hiện Bộ Y tế đang giao Viện chiến lược chính sách y tế triển khai khảo sát, đánh giá nhu cầu hành nghề của các bác sĩ chuyên khoa ở các tuyến bệnh viện, từ trung ương đến tuyến tỉnh. Khi đó, Bộ Y tế sẽ có những con số dự kiến trong đào tạo chuyên khoa trên cả nước.
Ông Phạm Văn Thụy (38 tuổi, Đồng Nai):
Người dân sẽ mất niềm tin
Tôi đi khám bệnh tại một số bệnh viện lớn thấy nhiều sinh viên ngành y đến thực hành. Các bạn chia theo từng tốp 7-8 người để theo, quan sát một bác sĩ có kinh nghiệm đang khám cho bệnh nhân. Do đông sinh viên thực tập nên hầu như các bạn chỉ đứng quan sát bác sĩ khám. Bác sĩ cũng không có thời gian giải thích bài bản bệnh tình ra sao. Người bệnh cũng cảm thấy phiền toái nếu nhiều lần bị sinh viên dựng đi dựng lại hỏi bệnh.
Đào tạo y khoa là đào tạo ra những bác sĩ giỏi phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Chất lượng đào tạo cao, người dân sẽ có niềm tin vào bác sĩ vì cảm thấy được an toàn khi thăm khám. Ngược lại người dân sẽ mất niềm tin và ái ngại bác sĩ mới tốt nghiệp thăm khám.
Sẽ quản chặt giảng viên đào tạo, điều kiện mở ngành
Bộ Y tế đang trình Chính phủ dự thảo nghị định đào tạo chuyên khoa lĩnh vực sức khỏe. Dự thảo có nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh chuyên khoa; kiểm định chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Theo đó, chuyên khoa cấp văn bằng trong lĩnh vực sức khỏe bao gồm tám chuyên ngành: bác sĩ chuyên khoa (thuộc các ngành y khoa, ngành răng hàm mặt, ngành y học cổ truyền, ngành y học dự phòng); dược sĩ chuyên khoa; điều dưỡng chuyên khoa; hộ sinh chuyên khoa; kỹ thuật y chuyên khoa; dinh dưỡng lâm sàng chuyên khoa; tâm lý lâm sàng chuyên khoa; cấp cứu ngoại viện chuyên khoa.
Cụ thể, tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo phải được xác định dựa theo nhu cầu của từng ngành và hệ thống y tế. Số học viên chuyên khoa tối đa trên 1 giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng theo trình độ, chức danh và phù hợp về chuyên môn để tính chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Cơ sở đào tạo phải bảo đảm có đủ cơ sở vật chất, phòng thực hành, trang thiết bị thực hành, cơ sở thực hành, thư viện, giảng đường, phòng làm việc của giảng viên, người hướng dẫn thực hành và học viên chuyên khoa phù hợp với yêu cầu của ngành và chương trình đào tạo.
Mỗi giảng viên giảng dạy chuyên sâu chỉ được tính để xác định chỉ tiêu cho một ngành ở một trình độ đào tạo và ở một cơ sở đào tạo. Đối với cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ toàn bộ phải có tối thiểu 40% người giảng dạy chuyên sâu toàn thời gian trong độ tuổi lao động.
Dự thảo cũng nêu rõ về quy định kiểm định chất lượng đào tạo chuyên khoa. Mục tiêu của kiểm định chất lượng đào tạo nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo; xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở đào tạo hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn.
Đồng thời, làm căn cứ để cơ sở đào tạo giải trình với cơ quan có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo; cho nhà tuyển dụng tuyển chọn nhân lực.
Trong đó, cơ sở đào tạo không thực hiện kiểm định chương trình theo chu kỳ kiểm định hoặc kết quả kiểm định chương trình không đạt yêu cầu phải cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cho người học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Sau 2 năm kể từ ngày giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đào tạo hết hạn hoặc từ ngày có kết quả kiểm định không đạt yêu cầu, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kết quả kiểm định lại vẫn không đạt yêu cầu thì cơ sở đào tạo phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó và có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người học, báo cáo về Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Dự thảo được thông qua kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát được chất lượng đào tạo y bác sĩ hiện nay, hướng tới đào tạo chuyên ngành sức khỏe tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận