Với những tiềm năng to lớn của mình, TP.HCM hoàn toàn có thể vươn lên không bị thua ba trận sau. Vấn đề đặt ra là đội ngũ cán bộ, công chức của TP.HCM có đủ năng động, sáng tạo và có dám nghĩ, dám làm hay không?
Đây có vẻ là những phẩm chất đang bị thiếu hụt khá nghiêm trọng. Trong cả quý 1-2023 mà giải ngân đầu tư công của TP chỉ đạt được 2% thì quả thật chúng ta không có cơ sở để khẳng định điều ngược lại.
Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 20, khóa XI (mở rộng), ông Nguyễn Văn Nên chỉ rõ hiện trạng này: "TP.HCM vốn năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhưng gần đây điều này hầu như không có bao nhiêu". Cái sự "không có bao nhiêu" này không khéo chính là nguyên nhân cơ bản giải thích cho tình trạng GRDP của TP tăng trưởng chậm.
Công bằng mà nói, GRDP của TP.HCM tăng chậm trong quý 1 do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của TP như thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều nút thắt thể chế chưa được trung ương tháo gỡ, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do kinh tế thế giới gặp khó khăn...
Tuy nhiên, trong cùng một bối cảnh và khuôn khổ thể chế, nhiều tỉnh thành vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn. GRDP của Hải Phòng thậm chí còn tăng đến gần 10% trong quý 1. Vậy thì TP.HCM cần quan tâm xem xét những nguyên nhân chủ quan ở đây.
Trước hết là tình trạng các cán bộ, công chức thiếu năng động, sáng tạo. Đã đành là tuân thủ cho hết các quy định của pháp luật để chọn thầu, để phê duyệt các dự án là rất khó khăn, thế nhưng tại sao Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác vẫn làm được? Phải chăng nếu có năng lực áp dụng pháp luật và nếu năng động, sáng tạo thì vẫn có cách làm?
Thứ hai là tình trạng sợ trách nhiệm, nhiều cán bộ công chức sợ đến mức không dám làm. Mà đã không dám làm thì không chỉ đầu tư công chỉ giải ngân được có 2% mà mọi thứ khác đều có thể bị ngưng trệ.
Quản trị địa phương luôn luôn bắt đầu từ những quyết định: quyết định giá đất, quyết định cấp giấy phép cho các dự án, quyết định chính sách hỗ trợ tái định cư, quyết định xây trường học, bệnh viện... Không dám quyết định thì không có triển khai. Không có triển khai thì không có GRDP.
Để thúc đẩy kinh tế phát triển, rõ ràng các lãnh đạo, cán bộ, công chức của TP.HCM phải dám quyết và dám chịu trách nhiệm. Một loạt phản ứng chính sách phù hợp là rất quan trọng ở đây.
Phản ứng chính sách đầu tiên là phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài việc phải tuyển dụng và đề bạt cho được những người thật sự có tài năng, việc đào tạo cho đội ngũ cán bộ công chức cũng rất quan trọng.
Các cán bộ, công chức thuộc lĩnh vực nào thì phải hiểu biết sâu không chỉ về chuyên môn mà còn về pháp luật của lĩnh vực đó. UBND, các sở ngành đều cần có bộ phận pháp chế đủ năng lực tư vấn cho lãnh đạo về việc áp dụng pháp luật. Những cán bộ, công chức năng động, sáng tạo cần được nhận biết, cần được tôn vinh và cần được nhanh chóng đề bạt vào các vị trí chủ chốt.
Phản ứng chính sách thứ hai là phải bảo đảm an toàn pháp lý cho những cán bộ công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Trong khi kết luận 14 của Bộ Chính trị về việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung chưa được thể chế hóa thì lãnh đạo TP.HCM cần áp dụng không chỉ các quy định mà còn tinh thần của kết luận này để bảo vệ cán bộ, công chức của mình.
Quy chế thử nghiệm theo mô hình sandbox có lẽ là công cụ hiệu quả nhất trong việc bảo vệ các cán bộ công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM khi được thông qua có thể tạo ra một sandbox như vậy. Vấn đề là cần tập trung soạn thảo cho thật tốt và vận động để nghị quyết sớm được thông qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận