Giải pháp nào cho sinh mệnh ?

ĐỨC HOÀNG 08/10/2016 20:10 GMT+7

TTCT - Hình ảnh các cán bộ y tế ở Bệnh viện Trưng Vương trong cơn ngập tại TP.HCM tuần trước khiến nhiều người giật mình. Những cơn ngập của thành phố ngày càng nghiêm trọng, mà hoạt động y tế thì không thể chậm dù chỉ một phút...

Người dân sẽ đối mặt với tình trạng này ngày càng nhiều hơn. Ảnh Hữu Khoa

 

Những bài học đắt giá

Ayutthaya là một trong những bệnh viện lớn nhất vùng phụ cận Bangkok với 600 giường và 1.000 nhân sự, nằm ngay cạnh sông Chao Phraya - một địa điểm lý tưởng cho một bệnh viện.

Trong mùa mưa lũ lịch sử năm 2011 tại Thái Lan, Ayutthaya được xác định là một bệnh viện “tiếp nhận”, tức là pháo đài cuối của người dân trước dòng nước lũ. Nhưng lũ lên, Ayutthaya phát hiện sông Chao Phraya sẽ nhấn chìm bệnh viện.

Họ phải di tản bệnh nhân. Lúc đó thực tế khủng khiếp nhất xuất hiện: họ chưa bao giờ có một kế hoạch phản ứng với nước ngập nào được vạch ra với bệnh viện, dù là cấp chính quyền hay bệnh viện. Các cán bộ y tế tự xoay xở.

Tại Thái Lan, cũng như hầu hết quốc gia khác, những kế hoạch ứng phó hỏa hoạn rất được coi trọng, với những cuộc tập huấn phòng cháy chữa cháy và di tản bệnh nhân thường xuyên, cùng các bản đồ hành động được vạch trước.

Nhưng nước lụt chưa bao giờ được coi là một thảm họa. Trong con nước mênh mông, hệ thống y tế Thái Lan mới nhận ra rằng mình thiếu quá nhiều thứ, dù họ có hẳn một Ủy ban phản ứng y tế khẩn cấp (EMIT) vốn đã hoạt động từ năm 1930 để kết nối toàn bộ hệ thống y tế trong thảm họa.

Nhưng từng đó là không đủ: những tổ hợp y tế lớn như Ayutthaya hay Rajvithee không có hệ thống vận chuyển bệnh nhân nội bộ trong nước ngập, nhân viên không được đào tạo kỹ năng “giải cứu” bệnh nhân. Những bao cát được xếp quanh các phòng bệnh là sự xoay xở duy nhất.

Thời điểm đó, Ayutthaya đang có 320 bệnh nhân, 33 người trong đó đang sống phụ thuộc vào máy móc. Hạ tầng điện của bệnh viện nằm ngay tầng 1, nước lũ bắt đầu dâng rất cao (sau này đạt đỉnh ở 2,2m). Sự hoảng loạn xuất hiện.

Ayutthaya và các bệnh nhân sau đó được giải cứu bằng máy bay trực thăng và xe quân đội. Nhưng sự mất kiểm soát của nó sau này trở thành một ví dụ kinh điển cho cách mà người Thái Lan đã không chuẩn bị cho các tình huống lụt lội, bất chấp thực tế biến đổi khí hậu, triều cường đồng nghĩa với tình trạng lụt lội sẽ ngày càng tăng.

Tháng 12-2015, nước lụt tấn công hệ thống điện ở Bệnh viện MIOT, Chennai, (Ấn Độ), gây mất điện và ngừng hệ thống cung cấp oxy trong vòng 48 tiếng. Trước đó, điện đã mất trên toàn thành phố, nhưng Bệnh viện MIOT vẫn còn hệ thống điện dự phòng.

Tuy nhiên, máy phát điện đặt dưới tầng 1 của viện cũng nhanh chóng sập nguồn vì nước. 18 bệnh nhân đã chết trong 48 tiếng đó - một sự kiện gây chấn động Ấn Độ. Các cáo buộc bắt đầu xuất hiện. Phía bệnh viện thanh minh rằng “đây là một thảm họa tự nhiên, chúng tôi không được chuẩn bị trước gì để ứng phó”.

Y tế không được “lụt”

Với nước Mỹ, tháng 5-2016 một chiếc xe cấp cứu ở Raleigh, Bắc Carolina bị kẹt trong một khu ngập. Anh tài xế đã bỏ mặc chiếc xe cho lực lượng cứu hộ. Chủ hãng vận chuyển y tế cũng không dám xuất hiện, chỉ rón rén trả lời qua điện thoại rằng anh lái xe đã “không đánh giá đúng tình hình ngập nước”. Rất may chiếc xe vừa trả bệnh nhân tại bệnh viện nên không có rủi ro y tế.

Rõ ràng đó là một tình huống nghiêm trọng và rất dễ xảy ra khi thời tiết xấu. Chỉ cần chứng kiến khung cảnh giao thông tại Sài Gòn hay Bangkok những ngày này, là có thể tưởng tượng ra một chiếc xe cứu thương có thể lâm vào thảm cảnh nào khi lưu thông trên đường. Trong khi đó, bệnh nhân không thể chờ đợi.

Một bác sĩ ngoại khoa có tiếng tại TP.HCM mới đây chia sẻ rằng trong anh tràn lên cảm giác bất lực vào buổi chiều 26-9 khi anh trên đường tới nhà mẹ: bà đang lên cơn cao huyết áp.

Dù chỉ còn cách nhà mẹ vài trăm mét, nhưng vị bác sĩ hoàn toàn bất lực trong việc di chuyển qua con nước ngập. Anh phải hướng dẫn mẹ dùng thuốc qua điện thoại, rất may là “bệnh nhân” sau đó đã tạm ổn.

Trong những cơn lụt lội các ngày qua và những năm qua, không thể thống kê được các hậu quả về y tế - đơn giản là chẳng ai thống kê. Số văn bản được coi là “kế hoạch hành động” của TP.HCM ứng phó với tình trạng này chỉ đếm trên đầu ngón tay, được diễn đạt bằng các từ ngữ chung chung như “khẩn trương” hay “kịp thời”.

Các quốc gia phát triển, sau những bài học từ các trận lụt, như Mỹ, đã đúc rút thành các bộ quy tắc hành động với ngập lụt rất chi tiết. Bản hướng dẫn phương pháp sơ tán khỏi các cơ sở y tế trong trường hợp bị ngập của Florida dài tới 85 trang, với sự tính toán khó chi tiết hơn.

Một hạt nhỏ như East Ayrshire (Scotland) có bản kế hoạch “ứng phó với ngập lụt” trên website của chính quyền, với các hành động được mô tả cặn kẽ, gồm cả việc giúp đỡ những người vô gia cư. Hoạt động y tế là một phần quan trọng của bản kế hoạch, với các biện pháp như dùng thuyền hay trực thăng để vận chuyển người bệnh.

Canada có một ban ứng phó tình huống y tế khẩn cấp, ban này thậm chí còn theo dõi thời tiết độc lập với các cơ quan chính phủ khác, có nhiệm vụ đoán biết được tình trạng ngập lụt ở từng vùng để đưa ra đối sách riêng cho lĩnh vực y tế.

Sau cơn lũ lịch sử năm 2011, Thái Lan hiểu rằng họ còn chung sống với ngập lụt lâu dài nên ngoài các đầu tư cho hạ tầng thoát nước, các trường hợp như tại Bệnh viện Ayutthaya đã được mổ xẻ rất nhiều để đưa ra những quy tắc hành động trong nước ngập.

TP.HCM chắc chắn không thể thoát khỏi tình trạng ngập trong một thời gian nữa. Điều bức thiết nhất mà người dân mong chờ ở chính quyền dĩ nhiên là những giải pháp hạ tầng hiệu quả cho tình trạng này, nhưng có nhiều thứ không thể chờ đợi: một ca cấp cứu, một người đang thở oxy dưới tầng 1 bệnh viện hay một ca mổ.

Ta có thể thiếu tiền sắm máy bay trực thăng vận chuyển người bệnh nhưng chắc chắn có tiền mua xuồng cao su. Và chắc chắn có khả năng thiết lập các kế hoạch ứng phó để bảo đảm cho sinh mệnh. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận