Đây là câu hỏi của cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Vụ án Hải Dương mà Tổng bí thư dẫn chứng có sự móc ngoặc từ bí thư Tỉnh ủy cho đến cán bộ các cấp và còn cả với cán bộ trên trung ương chỉ là một trong số hàng nghìn vụ tội phạm ẩn khác. Nhưng qua đó nó cũng cho thấy có những mặt khó kiểm soát của nguyên tắc "lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối" khiến cho người đứng đầu địa phương có thể vô hiệu hóa toàn bộ bộ máy Đảng, bộ máy chính quyền và biến nguyên tắc "tập trung dân chủ" trở nên hình thức. Trong bối cảnh đó và thực tiễn cho thấy chỉ khi có sự vào cuộc của cơ quan trung ương thì vòng tròn quyền lực khép kín ở địa phương mới có thể bị phá vỡ và chịu thúc thủ theo đúng điều lệ Đảng và pháp luật nhà nước.
Khác với các cơ quan tham mưu khác như Ban Kinh tế, Ban Dân vận, Ban Tổ chức... vốn phải phản ánh tốt đặc thù địa phương, việc chấp hành pháp luật, chấp hành điều lệ Đảng cần phải nhất quán, thống nhất và việc khuyến khích "tự quản" trong công tác kiểm tra Đảng, công tác điều tra tội phạm cần được thay thế bởi nguyên tắc nhất quán, công bằng trong toàn quốc. Muốn vậy, nên chăng chúng ta chuyển cơ quan kiểm tra Đảng theo hệ thống dọc và tổ chức theo từng khu vực tương ứng với các địa giới quân khu hiện nay, tương tự như lĩnh vực kiểm toán. Đồng thời, phân công nhân sự kiểm tra một cách thực sự ngẫu nhiên.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi tên một cách dân dã nhưng đích xác: "móc ngoặc". "Móc ngoặc" không chỉ diễn ra trong vòng tròn địa phương, mà Tổng bí thư cũng chỉ ra móc ngoặc diễn ra giữa cán bộ tha hóa ở địa phương và cán bộ tha hóa ở trung ương. Khi người "móc" biết rõ cái "ngoặc" nằm ở đâu thì cách này hay cách khác, người ta sẽ tìm cách "móc ngoặc".
Nếu cái "móc" không biết cái "ngoặc" ở đâu, việc móc ngoặc sẽ trở nên khó khăn. Để làm được việc này, trong lựa chọn bồi thẩm đoàn hay lựa chọn giám thị coi thi, người ta dùng một kỹ thuật rất cổ xưa: rút thăm ngẫu nhiên.
Nếu tập trung tất cả cán bộ kiểm tra Đảng, điều tra viên ở một khu vực rộng lớn tương đương quân khu và áp dụng bốc thăm thực sự ngẫu nhiên từ một tập hợp đủ lớn về số lượng, phân về kiểm tra, điều tra ở các địa phương thì một nhóm nhỏ ở địa phương sẽ không dự đoán được ai sẽ kiểm tra mình; người đứng đầu khu vực cũng không can thiệp được việc ai sẽ đi kiểm tra địa phương nào thì các thế lực địa phương sẽ không biết cái "ngoặc" ở đâu mà mua chuộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận