Hai học sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đoạt giải nhất với dự án tăng giá trị cho quả chuối - Ảnh: VĨNH HÀ
Trong 75/137 dự án được trao giải, có 11 dự án của 21 học sinh được giải nhất, 16 giải nhì, 21 giải ba và 27 giải tư.
Nhận xét về các dự án khoa học kỹ thuật của học sinh dự thi năm nay, GS.TS Nghiêm Ngọc Minh, trưởng ban giám khảo, đánh giá cao chất lượng các dự án. Trong đó có những dự án có tính khái quát cao, tiếp cận những vấn đề mới cần phải thực hiện bằng kỹ thuật cao trong các phòng thí nghiệm.
"Sự nhiệt tình, vô tư của các em học sinh đã đem lại nguồn cảm hứng. Đặc biệt là những dự án của học sinh THCS, tuy giá trị khoa học chưa cao nhưng thường bắt nguồn từ những ý tưởng rất đời thường trong cuộc sống hàng ngày ở địa phương nên có giá trị thực tiễn", ông Nghiêm Ngọc Minh nhận xét.
Trưởng ban giám khảo cuộc thi cũng nêu những điểm còn bất cập như cách chọn đề tài của nhiều học sinh quá sức, dẫn tới việc giải quyết vấn đề chưa thấu đáo, còn lúng túng khi phải trình bày và trả lời phỏng vấn về dự án của mình. Bên cạnh đó, một số đề tài có hàm lượng khoa học thấp.
Ông Minh bày tỏ mong muốn những đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh nên xuất phát từ chính suy nghĩ của các em, có thể các em sẽ có những ý tưởng thú vị, ấn tượng và thành công bất ngờ.
"Em tìm hiểu và đã ngạc nhiên khi thấy ở Nhật, quả chuối được bán với giá đắt. Người Nhật có thói quen ăn chuối vì quả chuối có giá trị dinh dưỡng cao. Trong khi ở Việt Nam, chuối là trái cây phổ biến nhưng giá lại rẻ do khả năng bảo quản thấp, dễ hỏng. Từ quan sát đó, chúng em chọn đề tài nghiên cứu với mong muốn nâng giá trị quả chuối, bảo quản được chuối trong thời gian dài hơn", Đậu Anh Nhi và Nguyễn Mạnh Trường Kỳ, học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ.
Dự án ứng dụng vật liệu nano chitosan hoàn thiện chế phẩm phủ màng compozit HPMC nano trong bảo quản quả chuối của hai học sinh Hà Nội là 1 trong 11 dự án đoạt giải nhất.
Những dự án nghiên cứu, chiết suất từ nguyên liệu tự nhiên các chất có tác dụng điều trị ung thư, đái tháo đường và thiết kế các dụng cụ hỗ trợ chăm sóc y tế được nhiều học sinh lựa chọn. Nhưng thú vị và ấn tượng là những dự án chế tạo vật dụng thân thiện với môi trường từ vật liệu tại địa phương, các nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hành vi nhưng có ý nghĩa, gần gũi với lứa tuổi học sinh.
Ví dụ như "giải pháp hạn chế ảnh hưởng ngôn ngữ tiêu cực của cha mẹ đến tâm lý con cái ở lứa tuổi THCS" của em Trần Minh Thúy (Phú Thọ) đoạt giải tư. Hay dự án "Biện pháp nâng cap nhận thức về hành vi theo đuổi hình tượng "ngôi sao ảo trên mạng xã hội" của em Nguyễn Minh Châu (Hà Tĩnh) đoạt giải nhì…
Nhiều dự án tác động đến hành vi của lứa tuổi học sinh như không vứt rác bừa bãi, tuân thủ luật giao thông, bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa…
Có một dự án khá thú vị của em Bùi Nguyên Nghĩa, học sinh đến từ Lào Cai, đoạt giải nhất là "Cảm nhận cuộc sống của trẻ em bán hành rong của người dân tộc thiểu số ở Sa Pa"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận