Giải nobel văn chương 2020: khắc khổ và thuần khiết

NGUYỄN HUY HOÀNG 14/10/2020 07:10 GMT+7

TTCT - Louise Glück viết với một tập từ vựng giản kiệm, một giọng như tự cất lên từ đâu đó, lãnh đạm, xa cách. Thường xuyên người đọc thấy sự căng thẳng trong cái giọng ấy, đôi khi là sự mỉa mai, hiếm khi hài hước, và luôn luôn nghiêm ngặt, thậm chí đến khắc khổ... Không có chỗ cho sự xa hoa trong thơ của bà.

 

 

“Chẳng có tuyệt vọng ai như tuyệt vọng tôi” - Nếu được hỏi câu này có thể là của ai, có lẽ người ta sẽ nghĩ đến Sylvia Plath, “nữ hoàng bi kịch” của trường phái thơ tự bạch nổi lên ở Mỹ đầu những năm 1960. Là một nhà thơ tài năng xuất chúng mà mối quan hệ phức tạp thời thơ ấu với người cha là một chất liệu quan trọng, Plath tự sát năm 1963 ở tuổi 30.

Năm năm sau, Louise Glück xuất bản tập thơ đầu: Firstborn (Đầu lòng). Trong tập thơ này - mang nhiều dấu ấn rõ nét của Plath - Glück cũng bắt đầu từ kinh nghiệm của chính mình bởi “nó là chất liệu của cuộc đời, bắt đầu bằng thời thơ ấu”. Không vật lộn với trầm cảm như Plath, ở Glück là mối quan hệ với người mẹ - bà mắc chứng chán ăn tâm lý. Phân tâm học trong quá trình điều trị trở thành một công cụ sắc bén đối với Glück. Bà nói với cái tôi thơ bé trong một bài thơ sau này: “Bão tuyết ơi/ hãy làm một con chó dũng cảm - đây đều/là chất liệu; mày sẽ thức dậy/ở một thế giới khác/mày sẽ lại ăn, mày sẽ lớn dậy thành một nhà thơ!” (bài Vita Nova - Cuộc đời mới).

Đứa bé ấy quả thật đã lớn dậy thành một nhà thơ, một nhà thơ vừa đoạt giải Nobel.

***

Có một điều rất khác mỗi khi giải Nobel văn chương được trao cho một nhà thơ. Người ta dễ tưởng tượng hơn khi một nhà soạn kịch hoặc một nhà văn đoạt giải: ông/bà ta viết kịch hoặc tiểu thuyết hoặc truyện ngắn, những tác phẩm hư cấu. Thơ, trong sự hoang dã nhất của trí tưởng tượng của nó, không thể nói là hư cấu. Cứ như thể nên có một giải Nobel cho thơ, cứ như thể thơ không phải một thể loại văn chương mà thuộc về một cõi khác.

Giải Nobel đã luôn là một vinh dự lớn, một ghi nhận giá trị, một thước đo, nói một cách nào đó. Louise Glück có thể là một cái tên không quen thuộc với đại chúng, ít nhất là bên ngoài nước Mỹ, nhưng bà đã nhận được gần như mọi giải thưởng có thể có với tư cách một nhà thơ Mỹ: giải Pulitzer, giải Sách quốc gia Mỹ cho thơ, giải Bollingen, và giải Wallace Stevens. Dĩ nhiên, không có cái gọi là thơ Nobel, nhưng người ta vẫn kỳ vọng, ngước nhìn lên một cách ngây thơ, ở một nhà thơ đoạt giải Nobel điều gì siêu việt.

Ở Louise Glück, đối với Ủy ban Nobel, đó là một giọng thơ “không thể nhầm lẫn”, giọng thơ mà “bằng vẻ đẹp khắc khổ, biến tồn tại cá nhân thành phổ quát”.

***

Có những nhà thơ tìm được giọng từ sớm và không đổi trong suốt sự nghiệp. Người ta muốn biết thơ của Sylvia Plath sẽ phát triển như thế nào nếu như bà còn sống. Nhiều hơn thế là những người vĩnh viễn loay hoay mà không đến được giọng thật của chính mình. Rất ít nhà thơ trải qua được một sự hóa thân hoàn toàn, chưa nói đến thành công, và thành công một cách ấn tượng như Louise Glück trong những tập thơ sau này.

Thoát khỏi ảnh hưởng của Plath trong tập thơ đầu, Glück rẽ khỏi hai lối thơ tự bạch, cái xuất phát từ cái tiểu sử, và lối thơ trí tuệ, cái xuất phát từ cái suy tư, để đi tìm cái kinh nghiệm nguyên mẫu, những gì chung mà chúng ta có thể trải qua trong tình cảnh con người. Và trong quá trình đó thường xuyên rút ra từ thần thoại và những môtip cổ điển, thêu dệt nó vào sự riêng tư của những mối quan hệ cá nhân để đem một khía cạnh mới đến những vật lộn của đời sống, bà tìm được cho thơ mình một vẻ thần thoại.

Vấn đề của những bài thơ dựa vào thần thoại là người ta vốn biết kết cục của nó. Glück, cũng vậy, ý thức được điều này, và bà không ngại quay đi quay lại để đến với kết cục ấy. Bà không ngại quay trở lại từ đầu một thời thơ ấu, một câu chuyện nguyên thủy giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một cuộc hôn nhân, một cuộc ly hôn, một cái chết. Đối mặt với một tự sự quen thuộc, một nhà thơ trữ tình như Glück phải liên tục tìm một điểm để từ đó chiếu vào những cái nhìn mới và tạo ra những diễn giải khác.

Trong khi lần theo những đường nét của đời sống bên trong từ tập thơ này qua tập thơ khác, dường như Louise Glück không tạo ra chuyển động nào. Đúng hơn, đó là một chuyển động tĩnh: một chuyển động không tạo ra sự tiến bộ. Cứ như thể mọi đổi thay chúng ta có thể trải qua trong đời đều có thể thấy trước trong sự đã qua của nó, trong những thần thoại Hi Lạp như được kể trong Odyssey và Iliad của Homer, trong Metamorphoses của Ovid, trong Sáng thế ký.

Và bà đi với sự vững vàng và can đảm đáng kinh ngạc. Cảnh quan trong thơ của bà là một cảnh quan ảm đạm và trơ trọi. Nó có đường nét nhưng không có chi tiết. Nó không có những hình ảnh sống động, ngoài những hình ảnh như bị đọa đày. Glück viết với một tập từ vựng giản kiệm, một giọng như tự cất lên từ đâu đó không phải người viết, lãnh đạm, xa cách. Thường xuyên người đọc thấy sự căng thẳng trong cái giọng ấy, đôi khi là sự mỉa mai, hiếm khi hài hước, và luôn luôn nghiêm ngặt, thậm chí đến khắc khổ. Bà được ca ngợi vì sự chính xác trong kỹ thuật thơ, và cái đem lại sức mạnh cho thơ của bà là cú pháp thay vì vần điệu và nhịp điệu, thậm chí ngôn ngữ. Không có chỗ cho sự xa hoa trong thơ của Louise Glück.

***

Sự vĩ đại của Louise Glück đến phần nào từ sự cương ngạnh, sự dũng cảm và thành thật trước những nỗi ám ảnh bên trong của bà. Hiếm có nhà thơ nào cực đoan hơn thế trong việc đào sâu vào những thống khổ của kinh nghiệm cá nhân. Điều đó hẳn sẽ khiến một số người băn khoăn về tính phổ quát của nó. Nhưng trong sự cực đoan ấy, cũng hiếm có nhà thơ trữ tình nào thuần khiết hơn thế. Thơ của Louise Glück không phải là một cuộc vượt thoát lên trên kinh nghiệm con người, bản thân nó là một chuyến đi soi xét ở chính bên trong vở kịch người. Nó không phải là một cái nhìn tót vời, nó là một cái nhìn trong.■                                                                   

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận