Thủ tướng Đức Angela Merkel được ca ngợi với chính sách mở cửa với người tị nạn - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, nhóm Bản quyền sở hữu trí tuệ và khoa học (IP&S) của Hãng Thompson Reuters dự báo ứng cử viên hàng đầu là hai chuyên gia Kazutoshi Mori của ĐH Kyoto (Nhật) và Peter Walter từ ĐH California (Mỹ) với nghiên cứu về “hệ thống kiểm soát chất lượng” trong tế bào.
Cũng phải kể đến giáo sư Jeffrey Gordon thuộc ĐH Washington (Mỹ) về công trình nghiên cứu quan hệ giữa microbiome (hệ gen của cộng đồng sinh vật cư ngụ trong cơ thể người) với sinh lý, trao đổi chất và dinh dưỡng.
Công nghệ sửa gen CRISPR-Cas9, do chuyên gia Emmanuelle Charpentier của Trung tâm Nghiên cứu nhiễm trùng Helmholtz (Đức) và Jennifer Doudna từ ĐH California, Berkeley (Mỹ) phát triển, được đánh giá nhiều khả năng đoạt giải Nobel hóa học công bố ngày 7-10.
Đây là công nghệ đang gây cơn bão lớn trong ngành khoa học quốc tế, làm nổ ra các cuộc chiến tranh giành bản quyền giữa công ty và trường đại học.
Ở giải vật lý công bố ngày 6-10, IP&S đánh giá nghiên cứu mở đường cho việc tạo ra tia laser X-quang sẽ lên ngôi.
Giải kinh tế công bố ngày 12-10 nhiều khả năng thuộc về nghiên cứu giúp giải thích tác động của các quyết định chính trị đối với thị trường lao động và nhu cầu tiêu dùng.
Từ năm 2002 đến nay, IP&S đã dự đoán chính xác 37 nhà khoa học đoạt giải Nobel.
Như thường lệ, dư luận và truyền thông thế giới tập trung sự chú ý vào giải Nobel hòa bình sẽ được công bố vào ngày 9-10.
Theo AFP, Thủ tướng Đức Angela Merkel có khả năng giành giải thưởng cao quý này nhờ chính sách mở cửa đón nhận người tị nạn từ Trung Đông. Năm nay có 276 ứng cử viên tranh giải Nobel hòa bình.
Chuyên gia Kristian Berg Harpviken, giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO), đặt cược vào bà Merkel và khẳng định: “Bà ấy là người thể hiện sự lãnh đạo mang tính đạo đức cao”. Cuộc khủng hoảng tị nạn cũng đứng đầu danh sách dự báo của trang web Nobeliana.com của các sử gia Nobel Na Uy.
Trong khi đó không giống các giải khác, lễ công bố giải Nobel văn học vẫn chưa được định ngày. Nhiều khả năng giải này sẽ có kết quả vào ngày 8-10. Theo Asia One, giới nhà cái Anh đặt cửa tác giả Svetlana Alexievich của Belarus là ứng cử viên số 1.
Xếp ngay sau bà là nhà văn Nhật Haruki Murakami, người luôn được kỳ vọng đoạt giải từ nhiều năm qua.
Năm nay, người giành giải Nobel sẽ được nhận phần thưởng 8 triệu kronor Thụy Điển, tương đương 950.000 USD hoặc 855.000 euro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận