01/02/2016 11:04 GMT+7

Giải Nobel hòa bình cho dân đảo Hi Lạp đón người tị nạn?

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Gần 600.000 người đã ký vào một đơn kiến nghị trên mạng kêu gọi trao giải Nobel hòa bình cho những người dân sống trên các đảo của Hi Lạp do họ đón người tị nạn

Người tình nguyện trên đảo Lesbos của Hi Lạp đón một chiếc thuyền phao chở người tị nạn - Ảnh: Reuters
Người tình nguyện trên đảo Lesbos của Hi Lạp đón một chiếc thuyền phao chở người tị nạn - Ảnh: Reuters

Gần 600.000 người đã ký vào một đơn kiến nghị trên mạng kêu gọi trao giải Nobel cho những người dân sống trên các đảo của Hi Lạp ở biển Aegean vì tấm lòng bác ái của họ đối với người di cư và tị nạn Trung Đông.

Theo AFP, tính đến nay số lượng người đóng góp chữ ký vào đơn kiến nghị đăng trên trang web của tổ chức vận động Avaaz đã đạt con số 597.697 người.

“Người dân các đảo của Hi Lạp trên biển Aegean đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ người tị nạn Syria dù phải sống trong tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng từ nhiều năm qua” - lá đơn viết.

“Những hành động cao cả và sự hi sinh của họ không thể chìm vào quên lãng, bởi họ là những người đóng góp lớn lao cho hòa bình và ổn định quốc tế” - lá đơn do kiến trúc sư Hi Lạp Alkmini Papadaki từ đảo Crete viết khẳng định.

Tấm gương của nền văn minh châu Âu?

Chủ tịch Quốc hội Hi Lạp Nikos Voutsis tuyên bố ông ủng hộ hết mình đề cử này. “Công dân các đảo Hi Lạp ở biển Aegean, đặc biệt là đảo Lesbos, là tấm gương của nền văn minh châu Âu” - ông Voutsis ca ngợi.

Trong khi đó, hãng tin Athens News Agency đưa tin hàng loạt học giả từ nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới như Oxford, Princeton, Harvard, Cornell.. cũng đã viết thư đề cử giải Nobel hòa bình dành cho người dân các đảo Hi Lạp như Lesbos, Kos, Chíos, Samos, Rhodes và Leros.

Các nghị sĩ, giới nghệ sĩ, chính trị gia châu Âu đều lên tiếng ca ngợi và ủng hộ đề cử này.

Ngoài ra, một số nhân vật nổi tiếng của Hi Lạp cũng đã gửi thư tới Ủy ban Nobel, đề cử hai công dân Hi Lạp là Emilia Kamvysis, 85 tuổi, và Stratis Valiamos, 40 tuổi, cùng nữ diễn viên Mỹ Susan Sarandon.

Hai công dân Hi Lạp trở thành những người nổi tiếng ở đảo Lesbos vì dẫn đầu chiến dịch tình nguyện hỗ trợ người tị nạn.

Nữ diễn viên đoạt giải Oscar Sarandon cũng đã đến thăm đảo Lesbos, tham gia các hoạt động hỗ trợ người tị nạn và quảng bá nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu.

Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) ước tính hơn 800.000 người di cư và tị nạn đã vượt biển đến Hi Lạp trong năm 2015.

Trong tháng 1-2016 cứ mỗi ngày có thêm 1.900 người di cư và tị nạn tới các đảo Hi Lạp trên biển Aegean. Khoảng 50% trong số họ tới đảo Lesbos.

Bạo lực leo thang

Nhưng trái ngược lại với tấm lòng quảng đại của những người dân Hi Lạp nghèo khó, một làn sóng cực hữu, chống di cư đang lan rộng tại châu Âu.

Theo CNN, hôm qua ở Stockholm, gần 100 người đeo mặt nạ đi phát tờ rơi kêu gọi tấn công người di cư và tị nạn tại  thủ đô Thụy Điển.

Cảnh sát Stockholm cho biết đã triển khai lực lượng dày đặc để ngăn chặn nhóm cực đoan này ra ta tấn công người tị nạn và di cư.

Trước đó những lời kêu gọi tấn công người di cư và tị nạn cũng đã lan truyền trên các trang mạng xã hội ở Thụy Điển.

Cảnh sát Thụy Điển cảnh báo khả năng bạo lực chống người tị nạn chắc chắn sẽ leo thang trong những ngày tới. Tuần trước, Bộ Nội vu Thụy Điển công bố kế hoạch trục xuất 80.000 người không xin được quy chế tị nạn.

Ở thị trấn Dover tại Anh, hôm qua hai nhóm biểu tình cực hữu phản đối người di cư và chống cực đoan - phân biệt chủng tộc đã đụng độ nhau dữ dội. Nhóm biểu tình cực hữu giương cao biểu ngữ chống người tị nạn, chống đa văn hóa, trong khi nhóm biểu tình đối lập hô vang: “Người tị nạn được chào đón ở đây”.

Người dân Stockholm biểu tình phản đối nhóm cực đoan chống người tị nạn - Ảnh: CNN
Người dân Stockholm biểu tình phản đối nhóm cực đoan chống người tị nạn - Ảnh: CNN
SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên